Việc quản lý, sử dụng vốn tại Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam còn nhiều bất cập

Thứ sáu, 07/03/2025 11:39
(ThanhtraVietNam) - Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính chỉ ra nhiều vấn đề trong quản lý vốn chủ sở hữu tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Mặc dù duy trì hệ số nợ phải trả ở mức an toàn, nhưng công ty vẫn chưa thực hiện đúng quy định về phân phối lợi nhuận và đang phải đối mặt với những thách thức về đầu tư tài chính tại các doanh nghiệp có vốn góp.

Phát hiện hàng loạt vi phạm tài chính tại Tổng công ty Cảng hàng không - ACV

Theo kết luận thanh tra số 179/TB-KLTTr ngày 27/02/2025 của Thanh tra Bộ Tài chính, công tác quản lý và sử dụng vốn tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) năm 2023 còn nhiều điểm đáng lưu ý, tập trung chủ yếu vào ba vấn đề chính: quản lý vốn chủ sở hữu, quản lý nợ phải trả, và đầu tư tài chính.

Tích lũy lớn nhưng chưa phân phối đúng quy định

Kết luận thanh tra cho thấy, tính đến thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ - ACV đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng 6.447 tỷ đồng so với đầu năm 2023. Mức vốn này cao hơn vốn điều lệ được phê duyệt khoảng 28 nghìn tỷ, phản ánh năng lực tích lũy vốn rất lớn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là Công ty mẹ - ACV có vốn góp của nhà nước chiếm 95,4% vốn điều lệ, nhưng đến thời điểm thanh tra (31/12/2024), ACV chưa chia cổ tức cho các cổ đông góp vốn theo quy định. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của ACV lên tới 21.191 tỷ đồng.

Theo Khoản 17 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ và các quy định liên quan, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải thực hiện phân phối lợi nhuận sau thuế theo các nguyên tắc: Chia lãi cho các bên góp vốn liên kết; bù đắp khoản lỗ của các năm trước; trích tối đa 30% vào quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp; trích quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động và lợi nhuận còn lại phải chia hết cổ tức cho các cổ đông.

Đặc biệt, theo Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 167/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 Chính phủ, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần phải xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu về phương án phân phối lợi nhuận sau thuế hàng năm. Việc ACV chưa thực hiện phân phối lợi nhuận cũng đã được chỉ ra rõ trong kết luận thanh tra tuy nhiên đến thời điểm thanh tra (31/12/2024), ACV chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại ACV từ lời nhuận sau thuế.

leftcenterrightdel
 Còn nhiều bất cập trong quản lý và sử dụng vốn tại Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam. Ảnh: dnse.com.vn

Hệ số nợ an toàn nhưng nợ quá hạn cao

Điểm tích cực trong quản lý vốn của ACV là hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các đơn vị được thanh tra đều đảm bảo quy định: Công ty mẹ - ACV là 0,34; Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất là 0,52; Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn là 0,27. Những chỉ số này cho thấy các đơn vị tuân thủ quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, theo đó hệ số nợ phải trả không được quá ba lần vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, kết luận thanh tra cũng chỉ ra tình trạng nợ phải trả quá hạn thanh toán tại một số đơn vị. Cụ thể, có 03 đơn vị được thanh tra chưa thực hiện đối chiếu đầy đủ nợ phải trả với khách hàng, với số tiền lên tới 137,7 tỷ đồng (chiếm 0,88% nợ phải trả phải đối chiếu công nợ).

Đồng thời, có 02 đơn vị được thanh tra có nợ phải trả quá hạn thanh toán tại thời điểm 31/12/2023 với số tiền 22,3 tỷ đồng (chiếm 0,12% tổng nợ phải trả), bao gồm: Công ty mẹ - ACV là 21,2 tỷ đồng (1,79% nợ phải trả người bán ngắn hạn); Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất hơn 1,1 tỷ đồng (0,15%). Tuy nhiên theo báo cáo của 2 đơn vị này, nguyên nhân là do một chủ nợ đã ngừng hoạt động không liên lạc được và 1 chủ nợ tại Đức đã phá sản nên không còn đối tượng trả nợ.

Đầu tư tài chính: Tỷ suất lợi nhuận khá nhưng có nguy cơ tổn thất

Về đầu tư tài chính, kết luận thanh tra đã phân tích chi tiết tình hình đầu tư tài chính dài hạn của ACV. Tại thời điểm 31/12/2023, đầu tư tài chính dài hạn của Công ty mẹ-ACV là 2.435 tỷ đồng, trong đó cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2023 là gần 340 tỷ đồng (tỷ lệ 14% vốn góp). Công ty đã trích lập dự phòng tổn thất đầu tư 63,8 tỷ đồng.

Qua thanh tra cho thấy, 9/12 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh năm 2023 có lãi, được chia cổ tức, lợi nhuận với số tiền gần 340 tỷ đồng, tương ứng 14,55% vốn góp của ACV; có 2/12 doanh nghiệp chưa hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn đầu tư với tổng số tiền 67,5 tỷ, ACV đã phải trích lập dự phòng 63,5 tỷ bằng 94,14% vốn đầu tư.

Chi tiết một số khoản đầu tư có vấn đề như sau:

Tại Công ty Cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh, vốn góp của ACV là 60 tỷ đồng (chiếm 10% vốn điều lệ); hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 lỗ 101,3 tỷ đồng; lỗ lũy kế đến 31/12/2023 là 1.582 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 832,4 tỷ và ACV đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính 60 tỷ đồng (100% vốn đầu tư). Như vậy việc đầu tư của ACV vào công ty Cp nhà ga quốc tế Cam Ranh đến thời điểm này là âm vốn.

Tại Công ty Cổ phần Thương mại Hàng không Miền Nam, vốn góp của ACV là 7,5 tỷ đồng (chiếm 29,53% vốn điều lệ); hoạt động năm 2023 lãi 49.652.173 đồng; lỗ lũy kế đến 31/12/2023 là 12,1 tỷ đồng và đến thời điểm thanh tra ACV đang thực hiện các thủ tục giải thể Công ty theo Nghị quyết HĐQT.

Ngoài ra, tại Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, đầu tư tài chính dài hạn tại 31/12/2023 là 314,1 tỷ đồng, cổ tức và lợi nhuận được chia năm 2023 là 92,8 tỷ (tỷ lệ 29,5% vốn góp), dự phòng tổn thất đầu tư gần 58 tỷ đồng.

Yêu cầu giám sát chặt chẽ phần vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp chưa hiệu quả

Dựa trên kết quả thanh tra về quản lý và sử dụng vốn, Thanh tra Bộ Tài chính đã kiến nghị nhiều biện pháp quan trọng, trong đó:

Yêu cầu ACV báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu, hoàn thiện phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại ACV đảm bảo theo đúng quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Yêu cầu người đại diện vốn nhà nước tại ACV tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông của ACV về việc phân phối lợi nhuận theo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ đạo ACV và các đơn vị thực hiện đối chiếu, xác nhận đầy đủ nợ phải thu, nợ phải trả; có giải pháp quyết liệt thu hồi các khoản nợ quá hạn thanh toán; không để phát sinh các khoản nợ phải thu khó đòi.

Yêu cầu ACV có các giải pháp sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, giám sát chặt chẽ phần vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp chưa hiệu quả, đồng thời có những giải pháp xử lý kịp thời các khoản đầu tư tài chính dài hạn có nguy cơ tổn thất.

Nhìn tổng thể, công tác quản lý và sử dụng vốn của ACV có những điểm tích cực như duy trì hệ số nợ ở mức an toàn, tích lũy vốn tốt và phần lớn các khoản đầu tư tài chính mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại đáng lưu ý như chưa phân phối lợi nhuận theo quy định, một số khoản đầu tư tài chính chưa hiệu quả, và vẫn còn tình trạng nợ quá hạn thanh toán.

Việc triển khai đầy đủ các kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính sẽ giúp ACV khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng vốn, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

BS

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra