Thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 2,8 tỷ đồng
Ngay từ đầu năm, Thanh tra tỉnh đã chủ động hướng dẫn các đơn vị thanh tra trực thuộc triển khai thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2025 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1929/QĐ-UBND ngày 20/12/2024. Việc thực hiện hoạt động thanh tra được đảm bảo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Thanh tra tỉnh cũng đã thực hiện thu thập thông tin tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra chuyên đề về công tác quản lý thăm dò, khảo sát, quy hoạch, cấp phép, khai thác, vận chuyển đối với các mỏ vật liệu xây dựng theo Kế hoạch số 2709/KH-TTCP ngày 20/12/2024 của Thanh tra Chính phủ để tiến hành thanh tra.
Trong Quý I/2025, toàn ngành thanh tra Vĩnh Phúc đã triển khai 32 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính, trong đó có 24 cuộc từ kỳ trước chuyển sang và 8 cuộc triển khai mới trong kỳ. Phân loại theo kế hoạch có 27 cuộc theo kế hoạch và 5 cuộc đột xuất.
Cụ thể, Thanh tra tỉnh đã thực hiện 7 cuộc (kỳ trước chuyển sang 7 cuộc; 5 cuộc theo kế hoạch, 2 cuộc đột xuất); thanh tra huyện, thành phố, sở, ngành thực hiện 25 cuộc.
Nội dung thanh tra tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm: Việc thực hiện pháp luật về tạm ứng, thu hồi tạm ứng và xử lý nợ đọng trong triển khai xây dựng các dự án đầu tư công; trách nhiệm trong công tác thu hồi, xử lý nợ tạm ứng XDCB quá hạn của các dự án trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện các quy định của pháp luật trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19; quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng; tài chính ngân sách; công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, nguồn vốn đầu tư.
    |
 |
Trụ sở thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: ITN |
Trong kỳ báo cáo, ngành thanh tra đã ban hành kết luận đối với 18 cuộc thanh tra với tổng số 25 đơn vị được thanh tra. Thanh tra tỉnh đã ban hành kết luận đối với 2 cuộc thanh tra; thanh tra huyện, thành phố, sở ngành đã ban hành kết luận đối với 16 cuộc thanh tra.
Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế với số tiền 2.205 triệu đồng, trong đó: Kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước: 36,3 triệu đồng; kiến nghị xử lý khác về kinh tế: 2.168,7 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 37 tổ chức và 85 cá nhân.
Trong kỳ báo cáo có 61 kết luận thanh tra phải thực hiện; trong đó số kết luận chưa thực hiện xong kỳ trước chuyển sang: 42 kết luận. Có 20 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện, còn 41 kết luận chưa hoàn thành việc thực hiện.
Tổng số tiền phải thu hồi về NSNN là 36,3 triệu đồng; số tiền đã thu trong kỳ là 36,3 triệu đồng (đạt tỷ lệ 100%). Tổng số tiền phải xử lý khác về kinh tế 7.099,2 triệu đồng; số tiền đã xử lý khác trong kỳ là 3.237,8 triệu đồng. Các đơn vị đã thực hiện việc kiểm điểm, tiến hành xử lý hành chính đối với 10 tổ chức và 16 cá nhân.
Quý I/2025, Thanh tra tỉnh đã tiến hành thực hiện 1 cuộc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra đối với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (triển khai từ kỳ trước chuyển sang).
Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành đã tiến hành 22 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với 74 tổ chức, 44 cá nhân (14 cuộc thực hiện theo kế hoạch, 8 cuộc đột xuất). Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 17 tổ chức, cá nhân có vi phạm với tổng số tiền vi phạm là 2.324,9 triệu đồng, cụ thể: Kiến nghị thu hồi về NSNN 321,7 triệu đồng; kiến nghị thu hồi về tổ chức, đơn vị 375,2 triệu đồng; kiến nghị xử lý khác: 1.628 triệu đồng.
Tổng số tiền vi phạm đã thu hồi là 696,9 triệu đồng, bao gồm: Thu hồi về NSNN 321,7 triệu đồng; số tiền vi phạm thu hồi về tổ chức, đơn vị: 375,2 triệu đồng (đạt tỷ lệ 100%).
Các cơ quan thanh tra đã ban hành 33 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 tổ chức và 19 cá nhân với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 517,5 triệu đồng; số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã thu 449,5 triệu đồng (đạt tỷ lệ 86,8%); xử phạt bằng hình thức khác đối với 1 cá nhân.
Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng, quy hoạch đô thị; đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản; hành lang an toàn đường bộ, các hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, các bến xe khách, bến phà, bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh; việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; công thương (hoạt động kinh doanh xăng dầu, hoạt động điện lực), các hoạt động dịch vụ văn hóa, y tế, thông tin và truyền thông.
Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, quý II/2025 ngành Thanh tra Vĩnh Phúc đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể như sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hai là, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo định hướng chương trình của Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh; đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tiếp tục đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra.
Ba là, tập trung thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Giám đốc sở và Chủ tịch UBND cấp huyện. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023.
Bốn là, thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai; việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng, mua sắm tài sản công.
Năm là, thanh tra theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra lại, kiểm tra tính chính xác, khách quan các kết luận thanh tra của thanh tra sở, thanh tra huyện (khi cần thiết).
Sáu là, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 76-NQ/BCS ngày 06/6/2023 của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra.
Bảy là, tăng cường việc điều phối hoạt động của Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, ngành, Thanh tra huyện, thành phố trong phạm vi địa phương quản lý, nhằm tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra.
Với việc tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, ngành thanh tra Vĩnh Phúc kỳ vọng sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra trong thời gian tới, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng ngừa và phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.