VKSND các cấp tập trung thanh tra trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành

Thứ sáu, 23/02/2024 17:26
(ThanhtraVietNam) – Đây là một trong những nhiệm vụ cụ thể Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đề ra đối với Thủ trưởng, Viện trưởng VKSND các cấp về công tác thanh tra năm 2024.

Theo định hướng công tác thanh tra năm 2024, Viện KSNDTC yêu cầu Thủ trưởng, Viện trưởng VKSND các cấp thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành có liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; chủ động đề ra các biện pháp thực hiện nghiêm Nghị quyết số 60-NQ/BCSĐ ngày 21/11/2022 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong ngành Kiểm sát nhân dân; Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 27/6/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Đồng thời tăng cường kiểm soát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; xác định công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những biện pháp quan trọng trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cấp Kiểm sát, nhằm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất để kịp thời ngăn chặn, khắc phục vi phạm và xử lý nghiêm sai phạm của công chức, viên chức, người lao động theo quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành, nghiêm cấm việc bao che, bỏ qua vì thành tích thi đua của đơn vị. Đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động yên tâm thực hiện nhiệm vụ;    chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thanh tra bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở kết quả công tác thanh tra, kịp thời ban hành các thông báo rút kinh nghiệm để chấn chỉnh, phòng ngừa vi phạm.

leftcenterrightdel
VKSND các cấp tập trung thanh tra trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành (ảnh vksndtc.gov.vn) 

Về nhiệm vụ cụ thể, đối với công tác thanh tra theo kế hoạch, VKSNDTC yêu cầu căn cứ vào tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị và yêu cầu của công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, VKSND các cấp tiến hành thanh tra toàn diện các lĩnh vực công tác Kiểm sát hoặc thanh tra theo từng lĩnh vực, chuyên đề. Trong đó, tập trung thanh tra trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; trách nhiệm của Kiểm sát viên, công chức được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự nhằm chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, nhất là các vụ án bị hủy có trách nhiệm của Viện kiểm sát; kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công. Về chỉ tiêu, đối với Thanh tra VKSND tối cao tiến hành thanh tra từ 03 cuộc trở lên; Đối với VKSND cấp cao tiến hành thanh tra từ 01 cuộc trở lên. Đối với VKSND cấp tỉnh, tỉnh có dưới 10 đơn vị cấp huyện tiến hành thanh tra từ 02 cuộc trở lên; tỉnh có từ 10 đơn vị cấp huyện trở lên tiến hành thanh tra từ 03 cuộc trở lên.

Đối với công tác thanh tra đột xuất, VKSNDTC yêu cầu tăng cường thanh tra đột xuất trách nhiệm của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong thực thi công vụ, việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống; lĩnh vực công tác còn hạn chế, yếu kém; những đơn vị, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ, dư luận, báo chí phản ánh gây bức xúc, kéo dài để kịp thời chấn chỉnh, làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức, viên chức, người lao động để xảy ra vi phạm; xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát. Đối với công tác kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành Quy định về ứng xử và văn hóa  công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Kiểm sát   nhân dân theo Quyết định số 457/QĐ-VKSTC ngày 26/12/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao. Theo đó cần tiến hành kiểm tra thường xuyên, hằng Quý tổng hợp kết quả kiểm tra, ban hành thông báo rút kinh nghiệm.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cần kịp thời giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó lưu ý khiếu nại, tố cáo do cơ quan Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân chuyển đến; vụ, việc dư luận, báo chí phản ánh, lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo, đơn tố cáo vi phạm về đạo đức, lối sống của công chức, viên chức, người lao động trong Ngành. Đối với đơn tố cáo nặc danh, mạo danh nhưng có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất theo dấu hiệu vi phạm hoặc yêu cầu lãnh đạo đơn vị có công chức, viên chức, người lao động bị tố cáo tiến hành kiểm tra và báo cáo bằng văn bản. Thực hiện tốt công tác đối thoại giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại theo quy định của pháp luật, tránh để đơn thư khiếu nại vượt cấp. Xử lý nghiêm người có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, vụ lợi khi giải quyết công việc đối với người khiếu nại, tố cáo và người có liên quan.Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt từ 90% trở lên.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng VKSND các cấp tập trung quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề ra các biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa để chủ động phát hiện, xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý. Kết quả   công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là thước đo để đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu về mặt chính quyền và vai trò lãnh đạo cấp ủy Đảng.

Đối với công tác theo dõi, kiểm tra sau thanh tra cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận    thanh tra, kết luận nội dung tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại do đơn vị  ban hành hoặc do cấp trên chuyển đến theo đúng quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo các kết luận, quyết định về công tác thanh tra được thực hiện nghiêm, đúng quy định. VKSNDTC yêu cầu theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 100% kết luận, quyết định do VKSND cấp mình ban hành.

An Khang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra