Vốn nhà nước bị giảm, mất gần 400 tỷ đồng sau khi cổ phần hóa, thoái vốn

Thứ năm, 21/11/2024 11:55
(ThanhtraVietNam) - Từ Kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét trách nhiệm, bồi thường thiệt hại (nếu có) và xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với việc giảm vốn, mất vốn nhà nước khi cổ phần hóa, thoái vốn với giá trị gần 400 tỷ đồng.
leftcenterrightdel
 Đại diện Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra. Ảnh: K. Dung

Sáng ngày 21/11/2024, Thanh tra Chính phủ đã công bố công khai Kết luận thanh tra số 419/KL-TTCP ngày 13/11/2024 về việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi công bố công khai Kết luận thanh tra tại Trụ sở Thanh tra Chính phủ sáng ngày 21/11/2024. Ảnh: K. Dung

Tham dự buổi công bố, ngoài đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Đoàn Thanh tra có đại diện Bộ GTVT, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ GTVT chủ yếu thực hiện việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2011-2018, theo đó, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 04 Đề án tái cơ cấu của 04 Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và phê duyệt 15 Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp của 15 Tổng công ty do Bộ GTVT quyết định thành lập. Bộ GTVT đã triển khai cổ phần hóa 124 doanh nghiệp (bao gồm 16 Tổng công ty và 108 Công ty), đã hoàn thành cổ phần hóa và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tại 12 Tổng công ty (trong đó 07/12 Tổng công ty không bán hết số lượng cổ phần theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt); tổng số tiền thu được từ cổ phần hóa là gần 6.122 tỷ đồng; tổng số tiền đã sử dụng gần 2.624 tỷ đồng; tổng số tiền đã nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trung ương là gần 3.498 tỷ đồng.

Trong năm 2018, Bộ GTVT chuyển 05 doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 05 doanh nghiệp về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Trong 05 doanh nghiệp chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước thì có 03 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, gồm: VNA, ACV, VIMC. Còn VNR, VEC không có chủ trương phải cổ phần hóa, thuộc đối tượng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 và Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ GTVT đang chủ trì thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin), Tổng công ty Đầu tư phát triển Cửu Long và Ban Quản lý hạ tầng giao thông.

Được biết, đây là kết luận thanh tra có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân và có nhiều vi phạm về kinh tế. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét trách nhiệm, bồi thường thiệt hại (nếu có) và xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với việc giảm vốn, mất vốn nhà nước khi cổ phần hóa, thoái vốn với giá trị gần 400 tỷ đồng.

Trong đó:

Do cổ phần hóa làm giảm, mất vốn nhà nước hơn 66 tỷ đồng. gồm: (1) tại Cienco 5: khi xử lý tài chính để cổ phần hóa làm giảm vốn nhà nước là gần 64 tỷ đồng, gồm: tại Công ty 506 là gần 57 tỷ đồng và tại Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thương mại 577 là hơn 6,6 tỷ đồng, (2) tại TCT XDTL là hơn 2 tỷ đồng: khi xác định giá trị doanh nghiệp làm giảm vốn nhà nước là gần 1,8 tỷ đồng và số tiền nhà nước khi thoái vốn bị giảm hơn mệnh giá tại Công ty cổ phần Cầu 5 Thăng Long là 276 triệu đồng; (3) tại Cienco 8: không làm rõ trách nhiệm để bồi thường đối với tài sản đã mất 520 triệu đồng.

Do hoạt động sản xuất kinh doanh làm giảm, mất vốn nhà nước số tiền hơn 330 tỷ đồng, gồm: (1) việc giảm, mất vốn nhà nước với số tiền gần 41 tỷ đồng tại Công ty Cơ khí ô tô và Thiết bị điện Đà Nẵng; (2) việc Công ty Tranco giảm, mất vốn nhà nước (lỗ) gần 290 tỷ đồng (trong đó có việc ủy quyền, bảo lãnh vốn vay vượt thẩm quyền cho lãnh đạo Chi nhánh phía Nam; việc huy động và sử dụng vốn không đúng mục đích tại dự án Phước Kiểng); quá trình xem xét, xử lý nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây thiệt hại tài sản Nhà nước thì chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng 08 cơ sở nhà, đất với diện tích 35.700,87 m². Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát căn cứ thẩm quyền được giao để có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị biện pháp xử lý (yêu cầu các đơn vị chẩm dứt việc cho thuê lại, sử dụng đúng mục đích theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, xem xét ký kết hợp đồng cho thuê đất, truy thu tiền sử dụng đất (nếu có)... theo đúng quy định), gồm các cơ sở nhà, đất sau:

Thứ nhất: 04 cơ sở nhà, đất của Công ty Tranco:

- Cơ sở nhà, đất K1 Thành Công, phường Thành Công, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội với diện tích 470 m², không có hợp đồng thuê đất, không nộp tiền thuê đất từ tháng 5/2010 đến nay.

- Cơ sở nhà, đất tại 282 Lạc Long Quân, Trích Sài, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội với diện tích 2.000 m², chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về cơ sở nhà đất nên chưa ký lại được hợp đồng thuê đất.

- Cơ sở nhà, đất tại 117 Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội với diện tích 96,3 m², chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất.

- Cơ sở nhà, đất tại dự án Trung tâm đào tạo nghề cơ khí và lái xe ô tô xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội với diện tích 15.036 m², chậm triển khai dự án, chưa hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

leftcenterrightdel
 Đại diện UBND Thành phố Hà Nội. Ảnh: K. Dung

Thứ hai: 01 cơ sở nhà, đất của của Công ty Vận tải số 2 (nay đã giao đất cho Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải): Cơ sở nhà đất tại Cụm 9, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội, với diện tích 11.276 m² thu hồi, giao đất chưa đúng trình tự, thủ tục.

Thứ ba: 01 cơ sở nhà, đất của của VNR: Cơ sở nhà đất tại 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội diện tích 2.800 m² của VNR, không có nhu cầu sử dụng.

leftcenterrightdel
 Đại diện UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: K. Dung

Thứ tư: 02 cơ sở nhà, đất của Cienco 8:

- Cơ sở nhà, đất tại số 8 Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội với diện tích 3.511 m², sử dụng chưa đúng phương án cổ phần hóa phê duyệt.

- Cơ sở nhà, đất tại 222 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội diện tích 1.306 m² chưa làm thủ tục gia hạn thuê đất và sử dụng chưa đúng phương án cổ phần hóa được phê duyệt.

leftcenterrightdel
 Đại diện Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: K. Dung

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh: Rà soát lại giá trị quyền sử dụng đất (khi giao đất, chuyển nhượng, thoái vốn) đối với cơ sở nhà đất 430 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 3624,8 m². Cơ sở nhà đất 428 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 2.165,9 m² đã được Kiểm toán nhà nước kiểm toán dự án và đã truy thu tiền sử dụng đất, UBND Thành phố Hồ Chí Minh rà soát trình tự, thủ tục dự án để thực hiện theo đúng quy định;

Đồng thời kiểm tra, rà soát trình tự, thủ tục thực hiện dự án, xác định tiền sử dụng đất để thu về ngân sách nhà nước đối với cơ sở nhà đất tại số 108-112B-114 đường Hồng Hà, Phường 2, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 16.330 m² và cơ sở nhà đất tại số 1 Bến Vân Đồn, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 1.836 m².

Yêu cầu các đơn vị VNR, ACV-CTCP, Cienco 8-CTCP, VIMC: Rà soát, tính toán theo quy định của pháp luật để nộp về ngân sách nhà nước với số tiền gần 338 tỷ đồng, gồm: (1) VNR còn nợ tiền thuê đất hơn 324 tỷ đồng của hợp đồng thuê đất: (2) ACV - CTCP xác định thiếu giá trị lợi thế kinh doanh theo quy định số tiền 581 triệu đồng; (3) Cienco 8-CTCP còn nợ thuế sử dụng đất là hơn 13 tỷ đồng tại cơ sở nhà đất số 8 Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Ngoài kiến nghị xử lý về kinh tế, Thanh tra Chính phủ đã kiến Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An, kiểm điểm để xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm về việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải.

Phát biểu tại buổi công bố Kết luận thanh tra, đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ khẳng định: Đây là kết luận thanh tra có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân và có nhiều vi phạm về kinh tế, nhiều nội dung liên quan đến các vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do đó, đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện.

Quá trình thực hiện Kết luận thanh tra: (1) trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước thì cơ quan, đơn vị có chức năng (Bộ GTVT, UBND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên...) chuyển thông tin, hồ sơ sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định của pháp luật (2) đối với các cơ sở nhà đất được giao kiểm tra, rà soát mà không gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền chỉ đạo chủ đầu tư triển khai thực hiện hoặc kết thúc dự án đảm bảo theo đúng quy định, tránh lãng phí nguồn lực về đất đai.

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra