Vụ Pháp chế: Nòng cốt trong công tác pháp chế của ngành Thanh tra

Thứ sáu, 13/12/2024 16:59
(ThanhtraVietNam) - Vượt qua nhiều thách thức, Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ đã khẳng định vai trò trụ cột trong công tác tham mưu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần quan trọng vào thành công của ngành Thanh tra năm 2024.

Kết quả nổi bật, khẳng định vị thế "lá cờ đầu"

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ của Vụ Pháp chế, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của Vụ trong năm qua. Trong năm vừa qua, với khối lượng công việc lớn nhưng Vụ Pháp chế đã phát huy truyền thống, nỗ lực không ngừng và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là thời gian xử lý được rút ngắn, chất lượng xây dựng văn bản ngày càng nâng cao, Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Đạt nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của Vụ Pháp chế. (Ảnh: Dương Nguyễn)

Công tác xây dựng pháp luật là một trong những điểm sáng của Vụ Pháp chế trong năm 2024. Vụ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, tham mưu Tổng Thanh tra Chính phủ trình Chính phủ ban hành Nghị định 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra.   

Bên cạnh đó, Vụ đã chủ trì xây dựng, trình Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành 03 Thông tư và phối hợp xây dựng, trình ban hành 05 Thông tư khác, góp phần kịp thời cụ thể hóa Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản pháp luật có liên quan. Vụ cũng phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các cục, vụ, đơn vị trong việc xây dựng, trình Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Quy định chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.

Vụ Pháp chế đã tham mưu Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ trình Ban cán sự đảng Chính phủ Báo cáo về thể chế hóa chính sách, của Đảng thành pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện rõ vai trò chủ chốt của Vụ trong việc tham mưu, hoạch định chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Trong lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật, Vụ Pháp chế được giao nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật của ngành Thanh tra. Vụ đã tham mưu lãnh đạo Thanh tra Chính phủ ban hành Báo cáo theo dõi thi hành pháp luật năm 2023 và Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm 2024 của Thanh tra Chính phủ, trong đó tập trung vào lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.

leftcenterrightdel
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ Trần Đăng Vinh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Dương Nguyễn)

Trong năm 2024, Vụ đã chủ trì, phối hợp với Cục IV và cục, vụ phụ trách địa bàn tiến hành kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại 7 bộ, ngành và 7 địa phương. Qua đó, Vụ đã ghi nhận những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, đồng thời hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế cũng đã tham gia Tổ biên tập và góp ý Đề án của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam…, khẳng định vai trò tích cực của Vụ trong công tác phối hợp liên ngành.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được Vụ Pháp chế triển khai hiệu quả. Vụ đã chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn ban hành; cử công chức tập huấn pháp luật về thanh tra cho các Bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, Vụ cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, cử công chức giảng dạy, phổ biến, quán triệt các nội dung của pháp luật về thanh tra tại Trường Cán bộ thanh tra và tại các Bộ, ngành, địa phương. Vụ cũng phối hợp với Trung tâm thông tin, Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, một số cơ quan báo chí tuyên truyền pháp luật về thanh tra.

Vụ đã thực hiện thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng Thanh tra Chính phủ, đảm bảo hồ sơ văn bản đầy đủ, chất lượng, tuân thủ đúng yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Vụ cũng tham gia ý kiến về dự thảo Kết luận Thanh tra, báo cáo kết quả xử lý sau thanh tra, báo cáo kết quả xác minh vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra.

Vụ Pháp chế cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật. Vụ đã tham mưu Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định 307/QĐ-TTCP ngày 29/5/2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ kỳ 2019-2023. Vụ cũng phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ban, ngành liên quan rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa, pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, theo chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ của Vụ Pháp chế (ảnh: Dương Nguyễn)

Hướng tới năm 2025: Tiếp tục nỗ lực, khẳng định vai trò

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt cũng lưu ý Vụ Pháp chế cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác, đặc biệt là việc thống kê số lượng các văn bản tham gia thẩm định; góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn nghiệp vụ.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Vụ Pháp chế cần chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, đặc biệt là kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Bước vào năm 2025, Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, khẳng định vai trò nòng cốt trong công tác pháp chế của ngành. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt đề nghị Vụ Pháp chế tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025, đặc biệt là bám sát chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 của Ban chỉ đạo tổng kết việc thực hiện NQ18.

Vụ cần tập trung rà soát toàn diện, tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật của ngành chịu tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để xử lý những vấn đề vướng mắc khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Trên cơ sở đó, tham mưu kế hoạch xây dựng thể chế năm 2025 sát với thực tiễn, Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Đạt cũng nhấn mạnh.

Với những nỗ lực và quyết tâm cao, Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thanh tra trong giai đoạn mới.

 

Dương Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra