Xử lý chồng chéo, trùng lặp từ khâu phối hợp xây dựng đến thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán

Thứ ba, 06/06/2023 16:09
(ThanhtraVietNam) – Trong nhiều nhiệm vụ phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ, thì việc phối hợp xử lý chồng chéo, trùng lặp ngay từ khâu xây dựng kế hoạch cho đến thực hiện thanh tra, kiểm toán đã đem lại hiệu quả thực tế.

Qua những năm thực hiện phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thu lại được một số kết quả tích cực, nổi bật nhất là khắc phục được sự chồng chéo, trùng lặp giữa kế hoạch thanh tra và kế hoạch kiểm toán. Từng bước khắc phục sự chồng chéo giữa kế hoạch kiểm toán của thanh tra bộ, ngành, địa phương. Kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan được thể hiện trên 04 mặt công tác: Việc phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm toán, thanh tra hàng năm; xử lý trùng lặp khi thực hiện kế hoạch kiểm toán, thanh tra; việc sử dụng kết quả kiểm toán, thanh tra; cung cấp thông tin và cơ sở dữ liệu về kiểm toán, thanh tra.

Đáng chú ý, ở việc phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm toán, thanh tra hàng năm: Để tránh chồng chéo, trùng lặp về đối tượng và nội dung thanh tra, kiểm toán nhằm đảo bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, trong quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán, KTNN lấy ý kiến tham gia của TTCP và một số bộ, ngành.

Sau khi nhận dự thảo kế hoạch kiểm toán của KTNN, Tổng Thanh tra Chính phủ đều chỉ đạo các cục, vụ tránh chồng chéo khi xây dựng kế hoạch thanh tra và tham mưu cho Tổng Thanh tra Chính phủ có ý kiến với KTNN; đặc biệt những năm gần đây, ngoài việc xin ý kiến bằng văn bản, KTNN và TTCP đều tổ chức họp để phối hợp rà soát chi tiết từng cuộc thanh tra, kiểm toán để loại bỏ, khắc phục sự chồng chéo giữa kế hoạch kiểm toán của KTNN với kế hoạch thanh tra của TTCP. Thanh tra một số một ngành đã rà soát, trao đổi, tham gia góp ý kiến kế hoạch kiểm toán của KTNN để hạn chế sự chồng chéo trong kế hoạch kiểm toán, thanh tra như: Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Qua công tác phối hợp, trao đổi, KTNN và TTCP đã thống nhất các quan điểm chỉ đạo nhằm giảm trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và hoạt động thanh tra, nhất là thanh tra bộ với thanh tra địa phương.

Trên cơ sở đó, hai cơ quan đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành để các đơn vị trong nội bộ triển khai thực hiện. Do làm tốt công tác phối hợp giữa KTNN và TTCP trong lập kế hoạch kiểm toán và kế hoạch thanh tra hàng năm nên việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán cơ bản được giải quyết theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 98/TB-VPCP và Chỉ thị số 20/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 

Mặt nổi bật thứ hai trong phối hợp đó là xử lý trùng lặp khi thực hiện kế hoạch kiểm toán, thanh tra. Cụ thể, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm toán, khi phát sinh có sự chồng chéo, KTNN và TTCP đã phối hợp chặt chẽ để trao đổi, thống nhất các phương án để xử lý dứt điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp phát sinh trong hoạt động của hai cơ quan. Tiêu biểu như: Xử lý trùng lặp giữa kế hoạch thanh tra và kế hoạch kiểm toán tại thành phố Hà Nội (giữa KTNN khu vực I và Cục I, TTCP), tại thành phố Hải Phòng (giữa KTNN khu vực VI và Cục I, TTCP); tại thành phố Cần Thơ (giữa KTNN khu vực V và Cục III, TTCP); tại Khánh Hòa (giữa KTNN khu vực VIII và Cục II, TTCP); tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (giữa KTNN khu vực XIII và Cục III, TTCP)…

Thực tế tháng 3/2015 KTNN và TTCP đã ký quy chế phối hợp, tiếp đó, tháng 9/2021, KTNN và TTCP ký quy chế phối hợp giữa hai cơ quan. Trong đó, quy định nguyên tắc, nội dung, cơ chế phối hợp giữa KTNN và TTCP trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán, kế hoạch thanh tra; phối hợp xử lý trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán; việc sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán; phối hợp trong việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra của TTCP, kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN; phối hợp trong việc đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra, kiểm toán.

Đáng chú ý, quy chế quy định rõ, chậm nhất vào ngày 30/9 hằng năm, KTNN và TTCP tổ chức họp trao đổi ý kiến, dự kiến kế hoạch thanh tra và kế hoạch kiểm toán hằng năm để xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Thanh tra.

Trên thực tế, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ của hai cơ quan, có thể không trùng lặp về nội dung nhưng có thể trùng về địa bàn. Do vậy, trong quá trình triển khai, lãnh đạo phụ trách và lãnh đạo cục, vụ, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời cung cấp thông tin với bộ, ngành, địa phương. Nhất là kế thừa kết quả đã có hiệu lực cho cơ quan thanh tra Nhà nước và KTNN đã tiến hành, không để trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm toán và làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra, kiểm toán.

Theo ý kiến chuyên gia, để tiếp tục tăng cường công tác phối hợp nhằm tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp. Thứ nhất, phân định rõ phạm vi giữa hoạt động KTNN và TTCP. Trong đó, chú ý theo hướng: Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công là hoạt động thường niên thì sẽ do KTNN thực hiện kiểm toán theo quy định của Hiến pháp và Luật KTNN; các cơ quan thanh tra chỉ thanh tra các đối tượng này khi có những vụ việc mà Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thấy cần thiết phải làm rõ hoặc các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Thứ hai, bổ sung trách nhiệm của KTNN, TTCP và thanh tra các bộ, ngành, địa phương về xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, KTNN. Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa KTNN và TTCP.

Điều 110 Luật Thanh tra 2022 quy định về Tham khảo ý kiến, sử dụng kết quả trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước:

1. Trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước hoặc trước khi ban hành kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm toán nhà nước có thể tham khảo ý kiến của nhau về những nội dung cần thiết để bảo đảm cho kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán chính xác, khách quan, đầy đủ.

2. Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra có quyền sử dụng thông tin, số liệu, kết luận trong báo cáo kiểm toán của kiểm toán nhà nước để phục vụ cho việc kết luận thanh tra. Cơ quan kiểm toán nhà nước có trách nhiệm cung cấp kết quả kiểm toán, kết luận, kiến nghị kiểm toán cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu đã cung cấp.


Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra