|
|
Nước lũ vẫn ngập sâu đến tận mái nhà |
4 thôn ngập úng, 2 thôn hoàn toàn bị cô lập, người mất chưa thể đi chôn
Báo cáo nhanh tình hình ảnh hưởng do cơn bão số 2 trên địa bàn xã Nam Phương Tiến cho thấy, nước đã tràn đê Bùi 1 và đê Bùi 2 với chiều dài 2.200 m khiến cho 04 thôn bị ngập. Đó là các thôn: Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ, Hạnh Côn; trong đó, có hai thôn vẫn đang bị cô lập hoàn toàn là Nhân Lý và Hạnh Bồ, với 798 hộ và gần 3.800 nhân khẩu.
Chưa thể thống kê hết các thiệt hại về vật chất của người dân, nhưng trước mắt chính quyền địa phương ghi nhận hơn 10,5 km đường giao thông nông thôn, hơn 18 km đường giao thông nội đồng bị ngập, 220m đường giao thông nội đồng bị sạt lở.
|
|
Người dân chèo thuyền trên các tuyến đường liên thôn, xóm |
Bên cạnh đó, có công trình thủy lợi ở Đồng Làng bị vỡ với chiều dài 30m, chiều rộng 4m; 03 nhà văn hóa, 03 trường học, 08 công trình tâm linh (03 di tích lịch sử cấp thành phố) bị ngập và ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Thanh tra, toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp của 04 thôn đã bị ngập sâu trong biển nước với 70 ha lúa, 10 ha rau màu các loại, 06 ha cây ăn quả, 135 ha thủy sản, hơn 17,3 km2 diện tích chuồng trại.
|
|
Anh Nguyễn Tựu Chung, Phó Chủ tịch Thường trực Mặt trận Tổ quốc, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân xã Nam Phương Tiến |
Anh Nguyễn Tựu Chung, Phó Chủ tịch Thường trực Mặt trận Tổ quốc, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân xã Nam Phương Tiến cho biết: Khi lũ tràn về, mặc dù đã được báo trước (từ đêm 24/7 các lực lượng bắt đầu trực chiến) nhưng do nước dâng lên cao quá, nước đầu nguồn dồn xuống rất nhanh và mạnh nên các hộ gia đình chỉ kịp di chuyển từ thấp lên cao là 1.567 con gia súc, hơn 10,8 vạn gia cầm. Còn lại thật đáng tiếc là 21 con gia súc, hơn 2 vạn gia cầm đã bị chết trôi theo lũ. Đó là những tài sản lớn của nhiều hộ gia đình, có những nhà phải vay mượn ngân hàng để đầu tư chăn nuôi nên vô cùng đau xót.
Mặc dù xã không có thiệt hại về người, nhưng sau 8 ngày nước lũ tràn về (kể từ ngày 25/8), ruộng đồng vẫn ngập mênh mông nên có trường hợp người dân mất mà chưa thể chôn cất, gia đình đã đưa đi hỏa táng và gửi lại ở nhà tang lễ.
|
|
Chị Nguyễn Thị Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, anh Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cùng đoàn cán bộ địa phương đi thăm hỏi và phát quà là nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ |
100% cán bộ xã túc trực, ứng cứu, hỗ trợ bà con Nhân dân
Ngay từ ngày 24/7/2024, Đảng ủy xã Nam Phương Tiến đã ban hành văn bản số 134-CV/ĐU về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ngập úng trên địa bàn xã.
Đồng thời, ngay sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, của Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và Đảng ủy huyện Chương Mỹ, Đảng ủy xã Nam Phương Tiến cũng đã kịp thời ban hành văn bản số 136-CV/ĐU, ngày 29/7/2024 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với tình hình ngập úng trên địa bàn xã.
Theo đó, UBND, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai xã đã bố trí trực ban 24/24h; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện ứng phó với ngập úng theo phương châm “4 tại chỗ”; liên tục thông báo diễn biến mực nước sông Bùi và hướng dẫn, hỗ trợ người dân di chuyển người, tài sản và vật nuôi đến nơi an toàn; có cảnh báo, rào chắn tại các tuyến đường và khu vực ngập sâu; phân công lực lượng Công an thường xuyên tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân.
|
|
Đoàn cán bộ địa phương thăm và tặng quà bà con |
Đồng thời, chính quyền xã cũng huy động lực lượng di chuyển Trạm y tế khu A (nằm ở khu vực ngập sâu) tới trụ sở UBND xã cũ tại thôn Nam Hài.
Theo ghi nhận của chúng tôi, người dân xã Nam Phương Tiến, nhất là những hộ ở bốn thôn chịu ảnh hưởng nặng của bão, lũ đều khẳng định và cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cũng như nhiều tổ chức xã hội ở các nơi đến thăm, tặng quà.
Chia sẻ với phóng viên, Bác Đỗ Văn Thế (thôn Nhân Lý) cho biết, ngay sau khi có lũ về, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể đã kịp thời vào cuộc, tuyên truyền cho bà con kê kích tài sản, sơ tán người già và trẻ nhỏ lên trên vùng cao, cơ bản mỗi hộ gia đình ở lại một người, rà soát, đảm bảo không có gia đình nào bị thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu (nhất là nước uống, nước sạch, gạo, mì, sữa, nến, … và nhiều loại thuốc liên quan đến các bệnh về mắt, da liễu, tiêu hóa,…
Mặc dù đang đối diện với nhiều khó khăn trong sinh hoạt và cuộc sống, nhưng chính nhờ sự sẻ chia, hướng dẫn, động viên mỗi ngày của chính quyền và các tổ chức, cá nhân, những người dân nơi đây đều hiểu rõ hoàn cảnh để chủ động sống chung với lũ.
|
|
Người dân vừa nhận hàng cứu trợ |
Những anh thanh tra nhân dân, cán bộ thôn, xóm đáng mến
Đến vùng rốn lũ của Thủ đô Hà Nội, chúng tôi thấy thật rõ tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Từ sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự chủ động tích cực của các thôn, xóm và Nhân dân, Nam Phương Tiến đã phát huy được vai trò và lòng nhiệt tình của cán bộ thôn, xóm địa phương.
Ở đây, thôn nào cũng thành lập tổ an ninh tự quản các ngõ, xóm. Các trưởng xóm, phó xóm có trách nhiệm đưa thuyền thúng đi chia các nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu cho từng hộ, đảm bảo không có gia đình nào bị đói, khát - anh Nguyễn Tựu Chung, Phó Chủ tịch Thường trực Mặt trận Tổ quốc, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân xã Nam Phương Tiến khẳng định.
Cũng chính anh Chung và các anh em cán bộ trong Ban Thanh tra Nhân dân sẵn sàng hàng ngày trực chiến, “nằm vùng” cùng Nhân dân, giám sát và điều phối, phân bổ hợp lý các nguồn hàng cứu trợ, ưu tiên các hộ gia đình gặp nhiều khó khăn hơn để không hộ nào bị thiệt thòi, thiếu thốn.
Chúng tôi may mắn được ngồi trên chiếc xe đặc biệt do gia đình anh Bình (Trưởng thôn Nam Hài) hỗ trợ đưa đón người dân đi ra, vào trên các tuyến đường bị ngập. Anh Bình cho biết, mỗi ngày có ít nhất 40 lượt xe, gia đình anh hỗ trợ phương tiện, xăng xe hoàn toàn miễn phí, một số anh em tự nguyện sắp xếp thời gian lái xe phục vụ bà con Nhân dân.
|
|
Chiếc xe đặc biệt của gia đình anh Bình (Trưởng thôn Nam Hài) |
Đi theo mỗi chuyến xe là nhiều câu chuyện nghĩa tình. Người dân ở đây vui vẻ chia nhau từng chai nước, mớ rau, túi thịt, sữa, mì, mắm, muối, nải chuối, quả mít, hay thậm chí cả quả dâu da,…
|
|
Những chuyến xe giúp người dân nơi đây tạm quên đi sự vất vả, lam lũ |
Rồi các tổ chức, cá nhân bảo nhau quyên góp, ủng hộ, phát quà tận tay các gia đình bị ngập nước, nhất là những hộ bị ngập sâu, thiệt hại nặng nề do bão lũ.
|
|
Nhiều tổ chức và cá nhân đến thăm hỏi, động viên và trao quà cứu trợ cho bà con vùng lũ |
Cô Vũ Thị Luyến, thôn Hạnh Côn cầm lấy tay tôi tâm sự: Năm nay là năm lũ vào mạnh nhất (kể từ sau năm 2018). Ngoài đường ngõ vào nhà cô ngập qua ngực, trong nhà thì ngập 4 hàng gạch. Đến bữa cô đi nấu nhờ và ăn nhờ nhà hàng xóm ở khu vực cao hơn. Chỉ tội chú đang ốm thì phải sang ở tạm nhà người thân,… “Nhưng cô thấy được chia sẻ nhiều lắm, anh Trưởng thôn ngày nào cũng vào tận nhà cô thăm hỏi, động viên, anh ấy chu đáo lắm, nhiều đoàn thể, tổ chức nữa nên cô cũng yên tâm bám trụ, vượt qua khó khăn”.
Có thể nói, những công việc còn phải làm trong và sau lũ là rất nhiều. Song phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, tình cảm ấm áp, nghĩa tình của chính quyền và Nhân dân, Nam Phương Tiến sẽ nhanh chóng khắc phục khó khăn để sớm trở lại cuộc sống bình thường./.