Luân chuyển, điều động cán bộ thanh tra, kiểm toán góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước trước nguy cơ tha hóa quyền lực, tiêu cực và luận điệu xuyên tạc hiện nay

Bài 2: Kinh nghiệm đột phá, tiên phong của Kiểm toán Nhà nước trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ

Thứ bảy, 27/04/2024 08:00
(ThanhtraVietNam) - Liên quan đến công tác luân chuyển, điều động cán bộ, những năm qua, Kiểm toán nhà nước đã có nhiều kinh nghiệm mang tính đột phá, tiên phong, chiến lược.
leftcenterrightdel
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh: N. Lộc 

Chúng ta hãy cùng nhìn lại những kinh nghiệm của Kiểm toán nhà nước (KTNN) từ những bước đi rất khoa học, bài bản và phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ công tác:

Cụ thể hóa từ Nghị quyết đến chương trình, hành động cụ thể

Tháng 7/2016, Ban cán sự đảng KTNN đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/BCS về luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đối với đảng viên, công chức, viên chức (gọi chung cán bộ) Kiểm toán nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 36).

Đây là Nghị quyết quan trọng, có tính đột phá nhằm phát huy những kết quả đạt được sau khi thực hiện Nghị quyết số 34-NQ/BCS ngày 25/11/2011 về luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức KTNN và Tổng KTNN.

Đồng thời, Nghị quyết 36 cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý; Hướng dẫn số 06-HD/TCTW ngày 02/4/2002 của Ban Tổ chức Trung ương về hướng dẫn thực hiện công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; Kết luận số 24-KL/TW ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Quy định số 98-QĐ/TW ngày 07/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về luân chuyển cán bộ; Luật Cán bộ, công chức năm 2019 và Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ về Quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; phù hợp với Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Nghị quyết 36 ra đời đã kịp thời đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, qua đó chủ động xây dựng và chuẩn bị đội ngũ cán bộ có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, có năng lực lãnh đạo, quản lý và có bản lĩnh để bố trí, bổ sung tăng cường cho các vị trí, các đơn vị còn thiếu, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của ngành KTNN.

Nghị quyết 36 cũng góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ, góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

leftcenterrightdel
 Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và các Phó Tổng kiểm toán nhà nước trao quyết định, tặng hoa, chúc mừng các công chức của Kiểm toán nhà nước trong đợt luân chuyển, điều động, tháng 01/2024. Ảnh: N. Lộc

Theo Nghị quyết 36, các cấp ủy đảng, chính quyền của KTNN chỉ đạo thực hiện tốt quy định và xây dựng kế hoạch, phương án, tổ chức thực hiện về luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trị công tác và biệt phái cán bộ của KTNN theo hướng:

Thứ nhất, luân chuyển để đào tạo đối với những công chức lãnh đạo trẻ, có triển vọng phát triển và công chức lãnh đạo trong quy hoạch giữa các đơn vị trực thuộc.

Cụ thể đối với các công chức lãnh đạo sau: (1) Đối với lãnh đạo cấp Vụ không quá 45 tuổi, trường hợp đặc biệt, không quá 52 tuổi (đối với nam) và không quá 48 tuổi (đối với nữ), gồm: Vụ trưởng và tương đương quy hoạch chức danh Phó Tổng KTNN, Phó Vụ trưởng và tương đương quy hoạch chức danh Vụ trưởng và tương đương; (2) Đối với công chức lãnh đạo cấp Phòng không quá 40 tuổi, trường hợp đặc biệt, không quá 45 tuổi; (3) Thời gian luân chuyển từ 03 đến 05 năm; trường hợp lãnh đạo nữ tối thiểu phải là 02 năm.

Thứ hai, điều động đối với công chức trong toàn ngành để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức.

Thứ ba, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức có thời hạn công tác từ 02 năm (đủ 24 tháng) đến 05 năm (đủ 60 tháng); công chức, viên chức có thời gian công tác còn lại dưới 24 tháng trước khi đủ tuổi nghỉ hưu không thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.

Thứ tư, biệt phái một số công chức từ các đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành tăng cường cho các đơn vị sự nghiệp và các KTNN khu vực có khó khăn về năng lực đội ngũ cán bộ. Thời hạn biệt phái không quá 03 (ba) năm. Trường hợp biệt phái cán bộ đến các đơn vị khác trực thuộc KTNN để tham gia cuộc kiểm toán thì thời hạn không quá 01 (một) năm.

Đưa công tác luân chuyển, điều động đi vào nề nếp

Qua 07 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36, đặc biệt, giai đoạn 2022-2024, Ban cán sự đảng KTNN đã quyết liệt đưa công tác luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái cán bộ đi vào nề nếp, trở thành công việc thường xuyên, có tính chất lâu dài.

Từ năm 2016 đến nay, KTNN đã luân chuyển, điều động 183 công chức là lãnh đạo cấp cấp vụ (đặc biệt, có 03 công chức được luân chuyển, điều động để đào tạo, bồi dưỡng và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng KTNN); 262 công chức là lãnh đạo cấp phòng (trong đó, 69 công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn, 193 công chức được điều động ngang chức) và 147 công chức chuyên môn.

1.500 công chức, viên chức thực hiện công tác chuyển đổi vị trí công tác trong nội bộ các đơn vị trực thuộc. Riêng giai đoạn từ năm 2022 đến nay là 404 công chức (chiếm gần 27% tổng số công chức được chuyển đổi vị trí công tác).

Bên cạnh đó, 28 công chức đã thực hiện biệt phái. Trong đó 21 công chức đã được điều động trở lại đơn vị cũ, 01 công chức được điều động trở lại đơn vị KTNN chuyên ngành và 02 công chức được điều động đến đơn vị biệt phái.

Qua công tác biệt phái, KTNN đã kịp thời tăng cường đội ngũ công chức có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tại một số đơn vị khó khăn trong công tác tuyển dụng, như: KTNN khu vực VII, IX và đơn vị có nhu cầu tăng cường nhân sự do khó khăn về năng lực đội ngũ (ví dụ: Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành).

Các công chức biệt phái đều có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn tốt, đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đơn vị và hiệu quả thực thi nhiệm vụ.

Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc đã triển khai thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, điều động nội bộ trong đơn vị nhằm chủ động trong công tác phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng và bố trí, phân công công tác đối với đội ngũ công chức.

Theo đó, công tác định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đã được một số đơn vị thực hiện thường xuyên, như: KTNN chuyên ngành Ia, Ib, II, III, VI, VII, KTNN khu vực II, IV, VII, VIII, IX, X, XII, XIII,... tạo động lực mới, môi trường mới cho công chức thử sức và cống hiến.

Công tác luân chuyển, điều động đã đạt được mục tiêu về chất

Tại KTNN, việc luân chuyển, điều động cán bộ trong diện quy hoạch một cách chặt chẽ, bài bản, khoa học đã tạo được những kết quả nổi bật nhất định trong công tác cán bộ.

Điều này góp phần chứng minh KTNN là một trong những lá cờ đầu thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nói chung và công tác luân chuyển, điều động cán bộ nói riêng.

Bởi vì, công tác luân chuyển, điều động cán bộ tại KTNN đã đạt được mục tiêu về chất khi tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, giúp cho cán bộ có thêm kiến thức thực tế và phát triển nhanh, toàn diện hơn từ bản lĩnh chính trị, phẩm chất, chuyên môn nghiệp vụ cũng như mối quan hệ công tác, ứng xử với địa phương và đơn vị được kiểm toán.

Những đơn vị mới, địa bàn mới sẽ là môi trường thử thách, rèn luyện trong thực tiễn, nhất là thực tiễn kiểm toán, cũng là cơ hội, điều kiện để công chức trẻ có triển vọng phát huy kinh nghiệm, sở trường để trưởng thành nhanh hơn, toàn diện và vững chắc hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của toàn Ngành.

Mặt khác, khi công tác này được tiến hành bài bản, thường xuyên sẽ định hình được tính chủ động cao ở tất cả các đơn vị, địa bàn, lĩnh vực công tác. Vì hầu hết thủ trưởng các đơn vị KTNN chuyên ngành đã kinh qua vị trí công tác tại KTNN khu vực và ngược lại.

Tính chủ động cao còn được thể hiện trong công tác quản lý, sử dụng công chức, bảo đảm sự kế thừa, phát triển và chuyển tiếp giữa các thế hệ, không những khắc phục tình trạng hẫng hụt đội ngũ kế cận mà còn đảm bảo sự ổn định và phát triển của ngành KTNN, nâng cao chất lượng và hiệu quả thực thi công vụ.

Ngoài việc tăng cường được số lượng, cơ cấu công chức hợp lý cho những đơn vị có khó khăn trong tuyển dụng những năm trước đây. Những đơn vị còn thiếu công chức chuyên môn theo từng lĩnh vực, tác động tích cực từ sự bài bản, nề nếp trong luân chuyển, điều động cán bộ còn góp phần thay đổi cách thức, phương pháp làm việc theo lối mòn, kinh nghiệm của một số công chức.

Đặc biệt, tại KTNN, công tác luân chuyển, điều động, biệt phái, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác cán bộ đã quan tâm đến yếu tố điều kiện, hoàn cảnh gia đình công chức, viên chức. Các cán bộ, công chức được tạo môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi để yên tâm công tác, phát huy hết năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời nêu cao tính đoàn kết, gương mẫu, trách nhiệm trong công việc.

Ông Ngô Minh Kiểm, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực VII, sau 03 lần được luân chuyển đã chia sẻ: “Việc luân chuyển ở KTNN đến nay đã có nề nếp. Luân chuyển cán bộ trong các đợt đảm bảo công bằng, hợp lý, khách quan. Cán bộ được điều động luân chuyển với tinh thần thoải mái do mọi người đều xác định rõ tư tưởng.

Mặc dù được luân chuyển gặp những khó khăn nhất định như phải có thời gian thích ứng với lĩnh vực, môi trường mới, con người mới, địa bàn mới; đồng thời, phải xa gia đình với những điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn nhưng bản thân tôi cho rằng phải nhanh chóng nghiên cứu các lĩnh lực, môi trường của đơn vị mới, phải thật công bằng trong các quyết định, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo và phải sắp xếp công việc gia đình hợp lý. Đến nay, bản thân tôi luôn sẵn sàng cho các đợt luân chuyển tiếp theo!”

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI, sau hai lần được điều động, bổ nhiệm trong Ngành bày tỏ: “Khi được luân chuyển/điều động/chuyển đổi vị trí công tác/biệt phái, nhìn chung bước đầu chúng tôi cũng gặp một số khó khăn nhất định khi tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, các đặc thù lĩnh vực hoạt động của các đơn vị được kiểm toán liên quan tại đơn vị mới,… Có lẽ đây là khó khăn, thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối diện, nhất là đối với nghề đòi hỏi cao về chuyên môn như nghề kiểm toán.

Nhưng những khó khăn này nhanh chóng được khắc phục bằng sự nỗ lực của bản thân từng kiểm toán viên, sự hỗ trợ tạo điều kiện của tập thể đơn vị nơi đến, sự tạo điều kiện về đào tạo chuyên môn nghiệp vụ của Ngành và từ việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, các phần mềm hỗ trợ trong hoạt động kiểm toán theo chủ trương của Tổng KTNN (…)

Về cơ bản chúng tôi được luân chuyển/điều động/chuyển đổi vị trí công tác/biệt phái vào các vị trí có thể phát huy được năng lực, sở trường, kinh nghiệm tích lũy trong hoạt động kiểm toán. (…)

Đồng thời, được tôi luyện, bổ sung kinh nghiệm, kiến thức phục vụ cho hoạt động kiểm toán, được thêm trải nghiệm khi công tác trong môi trường mới, lĩnh vực mới cũng là những giá trị cuộc sống mà chúng tôi có được sau những lần luân chuyển/điều động/chuyển đổi vị trí công tác/biệt phái.

Với một chủ trương đúng đắn, phù hợp của tập thể Ban cán sự đảng KTNN về luân chuyển/điều động/chuyển đổi vị trí công tác/biệt phái, bản thân tôi sẵn sàng cho những lần luân chuyển/điều động/chuyển đổi vị trí công tác/biệt phái tiếp theo.”

 Có thể nói, việc thực hiện Nghị quyết 36 của KTNN đến nay cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra. Công tác triển khai thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định; bảo mật về thông tin, không gây tâm lý hoang mang và bất ổn cho công chức thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái.

Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị và công chức phát huy vai trò trách nhiệm trong triển khai thực hiện chủ trương của Ban Cán sự đảng, lãnh đạo KTNN. Đặc biệt, các đảng viên, công chức luôn chấp hành đúng quyết định của cấp trên, khắc phục khó khăn, yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, địa bàn và vị trí công tác được phân công, tạo động lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Kết quả đáng kể nhất đó là tạo dựng được nề nếp, nguyên tắc quản lý cán bộ trong công tác luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác của KTNN, vừa đảm bảo nguyên tắc của Đảng, Nhà nước, vừa phù hợp với đặc thù của Ngành.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thanh tra về những kinh nghiệm trong thực hiện công tác luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái sau 07 năm thực hiện Nghị quyết 36, ông Đỗ Văn Tạo, Vụ trưởng vụ Tổ chức Cán bộ, KTNN cho biết: Có được những kết quả như trên là do Ban cán sự đảng đã cụ thể hóa các quy định của Đảng và Nhà nước vào điều kiện đặc thù của từng đơn vị, đáp ứng yêu cầu và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành.

Các biện pháp đưa ra và tổ chức thực hiện của Ban cán sự đảng KTNN là khoa học, phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ công tác; là một bước đột phá, có tính tiên phong, chiến lược trong công tác cán bộ của ngành, góp phần đổi mới công tác quy hoạch, đánh giá, nhận xét và đào tạo, bồi dưỡng công chức.

(còn nữa)

Kim Dung - Trung Kiên

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra