Theo tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong thời gian qua, đã có những đảng bộ tổ chức Đại hội điểm bầu trực tiếp Bí thư với số phiếu tập trung cao.
Có thể nói, việc bầu Bí thư cấp ủy tại Đại hội là việc làm mới. Theo quy định hiện hành của Đảng, chúng ta vẫn bầu Bí thư, Phó Bí thư sau khi Đại hội bầu cấp ủy, cấp ủy mới bầu Ban thường vụ. Nhân sự Bí thư, Phó Bí thư được lựa chọn trong danh sách vừa trúng cử vào Ban thường vụ.
Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thái Tân nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Ảnh: tinhuyhaiduong.vn)
Nhân sự Bí thư phải được thực tiễn công nhận
Theo cách làm mới như Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thái Tân (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) vừa tiến hành, Đại hội tiến hành bầu một lần đủ thành viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã theo đúng cơ cấu. Sau đó, Đại hội thảo luận và tiến hành lấy phiếu giới thiệu nhân sự Bí thư Đảng ủy xã. Đại hội chia tổ thảo luận, thực hiện ứng cử, đề cử nhân sự Bí thư Đảng ủy xã. Ban Chấp hành Đảng bộ xã lấy phiếu giới thiệu nhân sự Bí thư Đảng ủy; nghe báo cáo tổng hợp kết quả ứng cử, đề cử nhân sự Bí thư Đảng ủy xã tại các tổ, sau đó đưa ra Đại hội bầu.
Là đảng viên Đảng bộ xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), Đảng bộ vừa tổ chức thành công Đại hội điểm của tỉnh, ông Nguyễn Quang Hà, chi bộ thôn Đông Thanh, cho biết việc bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội là cách làm rất mới, khách quan. Từng đảng viên đều được tham gia bầu, không qua Ban Chấp hành như cũ. Qua đó, từng đảng viên được đóng góp ý kiến và nhận thức của mình để bầu Bí thư. Khi đó cũng đòi hỏi vai trò trách nhiệm của Bí thư phải cao hơn, có năng lực đầy đủ, tinh nhuệ hơn.
Nhận xét về việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những ưu điểm nổi trội của cách làm này là phát huy được vai trò trực tiếp của đảng viên tham dự đại hội. Để việc bầu trực tiếp ở Đại hội thành công, công tác nhân sự phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, mới đảm bảo nhân sự là người thực sự tiêu biểu cho trí tuệ tập thể, trung tâm đoàn kết.
Trong quá trình chuẩn bị, nhân sự phải có sự tín nhiệm qua các bước ở dưới cũng như sự tin tưởng của cấp trên. Chính vì thế, Chỉ thị 35 mới chủ trương thực hiện bầu trực tiếp Bí thư ở những nơi có điều kiện bầu trực tiếp. Có thể hiểu đó là những nơi việc lựa chọn người đứng đầu phải được thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch, công phu. Nhân sự được lựa chọn phải là người được thực tiễn thừa nhận, khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, nếu coi cách làm trước đây là dân chủ đại diện, thì việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội chính là dân chủ trực tiếp, phát huy được vai trò trực tiếp của đảng viên. “Đại hội trực tiếp bầu Bí thư, có nghĩa là từng đảng viên bỏ phiếu bầu, như thế chính là thực hiện cơ chế dân chủ trực tiếp mà dân chủ trực tiếp bao giờ cũng dân chủ hơn dân chủ đại diện”, ông Hà lý giải.
Bước tiến lớn về dân chủ trong Đảng
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ cách làm mới này. “Cách làm này hay hơn rất nhiều so với việc Đại hội chỉ bầu được Ban Chấp hành, rồi Ban Chấp hành mới bầu Thường vụ, Thường vụ bầu Bí thư, phải qua nhiều tầng nấc. Bí thư là người đứng đầu cấp ủy đó thì phải do chính đảng viên cấp ủy đó trực tiếp lựa chọn, bầu ra như vậy mới là dân chủ. Tôi cho đó là một dấu hiệu rất tốt về sự dân chủ trong Đảng”, ông Tiến bày tỏ.
Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), 1 trong 4 đảng bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh chọn tổ chức đại hội điểm cấp cơ sở, cũng là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh tổ chức đại hội. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Hà Tĩnh)
Đã từng làm 2 nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội, ông Tiến cho rằng, Quốc hội cũng đã thực hiện dân chủ từ lâu khi bầu trực tiếp Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao thì Đảng cũng nên để Đại hội bầu ra người đứng đầu cấp ủy mà không phải qua bất cứ khâu trung gian nào.
Khi đó, người được bầu không chỉ tự hào khi được toàn thể Đại hội tín nhiệm lựa chọn, bầu cho mình. Bản thân họ cũng thấy được trách nhiệm của mình một cách rõ ràng hơn, đó là trách nhiệm trước toàn thể Đại hội, cơ quan cao nhất của Đảng, chứ không chỉ trước cấp ủy.
Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh như trên, đồng thời cho rằng, khi Đại hội đã có quyền bầu ra thì nếu như nhân sự đó không xứng đáng, Đại hội hoàn toàn có thể tổ chức đại hội bất thường để bỏ phiếu bãi nhiệm, miễn nhiệm cũng giống như Quốc hội.
Vì bầu trực tiếp nên công tác lựa chọn nhân sự rất quan trọng. Làm sao để khi đưa nhân sự ra Đại hội bầu sẽ nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao. Để làm được điều đó, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh tới việc phải cung cấp đầy đủ thông tin người được đưa ra lựa chọn để các đảng viên nghiên cứu, xem xét, đánh giá. Không chỉ thông tin của nhân thân người đó mà thậm chí cả thông tin người thân của họ. Có như vậy mới hy vọng đảng viên lựa chọn được người tinh hoa nhất trong những tinh hoa của Đảng. Công tác chuẩn bị này phải được làm từ nhiệm kỳ trước, cán bộ có tâm, có tầm, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng hay không, đảng viên đều biết hết. Làm tốt công tác nhân sự bao nhiêu chúng ta sẽ tránh được bài học kinh nghiệm đau xót thời gian qua khi có những người đứng đầu tỉnh, thành, một số bộ, ngành là đối tượng của cơ quan điều tra, thậm chí có người phải vào vòng lao lý./.
Theo VOV.VN