Bí thư cấp uỷ không là người địa phương: Tránh tình trạng nể nang, bè phái

Thứ tư, 16/09/2020 07:00
Nhiều ý kiến đánh giá cho rằng, việc thực hiện bầu chọn bí thư cấp uỷ không là người địa phương có những ưu điểm như tránh được tình trạng nể nang, thân quen, quan hệ họ hàng, gia tộc, bè phái. Đây cũng là một trong những biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa “chạy chức, chạy quyền”.

40% bí thư cấp uỷ cấp trên cơ sở không là người địa phương

Ban Tổ chức Trung ương vừa có báo cáo tổng hợp kết quả Đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở (đảng bộ cấp huyện và tương đương) nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo đó, Đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ tháng 5.2020 đến hết tháng 8.2020. Đến nay đã có 1.298/1.311 đảng bộ đã hoàn thành đại hội (chiếm 99%). Qua số liệu tổng hợp cho thấy, tổng số Bí thư cấp uỷ bầu được là 1.141 đồng chí. Trong đó có 456 bí thư không phải người địa phương (chiếm 40%).

Là một trong những địa phương thực hiện Bí thư cấp huyện không là người địa phương với tỉ lệ cao, ông Bùi Văn Cường - Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk cho biết, có 15/15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh này đang thực hiện bí thư cấp huyện không là người địa phương. Việc này được thực hiện từ đầu nhiệm kỳ này.

leftcenterrightdel
 Ông Vũ Trọng Kim (ĐBQH đoàn Hải Dương). Ảnh: Q.H

Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường cho rằng, việc thực hiện bí thư cấp huyện không phải là người địa phương có những ưu điểm như không bị dòng họ thân quen sẽ tránh được việc xử lý công việc không đảm bảo đúng quy định.

“Đồng thời, nếu bí thư không phải là người địa phương, muốn tồn tại, phát triển được thì anh phải là người giỏi. Nếu không giỏi, nói sai, làm không đúng thì sẽ có ý kiến ngay” - ông Cường nói.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Vũ Trọng Kim (ĐBQH Đoàn Hải Dương) cho hay, những năm gần đây, chúng ta đang thực hiện chủ trương bố trí cán bộ, người đứng đầu cấp uỷ… không là người địa phương. Việc này nhằm tạo ra những sự thay đổi trong vị trí công tác, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công việc. Việc thực hiện bí thư cấp uỷ không là người địa phương có những ưu điểm như tránh được tình trạng nể nang, thân quen, quan hệ họ hàng, gia tộc.

Ngăn chặn, phòng ngừa tiêu cực

Đánh giá về con số 40% bí thư cấp uỷ cấp trên cơ sở không là người địa phương, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, đây là con số đáng ghi nhận. Tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn.

Theo ông Kim, quyết tâm thực hiện việc Bí thư không là người địa phương cần phải được thực hiện một cách mạnh mẽ hơn nữa ở các cấp, kể cả cấp tỉnh chứ không phải chỉ ở cấp huyện, cấp cơ sở. Việc này cần được thực hiện một cách quyết tâm và mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra những bước chuyển biến cơ bản về vấn đề này.

“Có những vấn đề mà dư luận lo ngại như tình trạng người đứng đầu bị ảnh hưởng bởi người thân, người quen dẫn tới những quyết sách không đúng, hoặc tình trạng lợi ích nhóm, bè cánh, tiêu cực, không trong sáng… thì việc xem xét, bố trí Bí thư không là người địa phương sẽ hạn chế được phần lớn điều này” - ông Kim nói và cho rằng việc này cũng góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn, phòng ngừa tiêu cực.

Cùng trao đổi về việc này, nhà sử học Dương Trung Quốc (ĐBQH Đoàn Đồng Nai) cho hay, việc bố trí cán bộ không phải là người địa phương đã được thực hiện từ thời xa xưa. Ở các triều đại phong kiến cũng đã có áp dụng Luật hồi tỵ. Có nghĩa là người làm quan, ai quê ở phủ, huyện nào thì cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy. Quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ… Những quy định này nhằm tránh được tình trạng cục bộ, bè phái, địa phương chủ nghĩa…

Theo ông Quốc, thực tế cho thấy, có việc có người lợi dụng vị thế quan chức của mình để khai thác lợi ích, lợi ích nhóm, lợi ích dòng tộc… Cũng từ đó xuất hiện nhiều vấn đề mà dư luận bức xúc như cả họ làm quan, trọng người nhà chứ không trọng người tài… Và việc thực hiện luân chuyển cán bộ, bố trí cán bộ không là người địa phương… cũng áp dụng nguyên tắc “hồi tỵ” này. Việc này nhằm ngăn chặn những tiêu cực, ngăn chặn tình trạng bè phái, phe cánh, lợi ích nhóm…

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho biết, liên quan tới công tác cán bộ là vấn đề rất nhiều điểm phức tạp. Do đó, công tác này cũng cần phải nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng. Việc bố trí cán bộ cũng phải có sự tương đồng, có tính đến những yếu tố đặc thù, chính sách công tác… để tạo hiệu quả nhất.

 Theo Vương Trần/Báo Lao động



Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra