Ngày 25-1, Thượng tá Trần Bá Sơn, Trưởng Công an huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, tiếp tục triệu tập ông Lê Hữu Khang, kiểm lâm viên của Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Bắc, phụ trách xã La Dạ và ông Nguyễn Thành Trung, kiểm lâm phụ trách xã Đông Giang, để làm rõ hành vi bảo kê, “bán rừng” cho lâm tặc.
Lấy tiền, chỉ điểm, xúi lâm tặc bỏ trốn
Như chúng tôi đã thông tin, tại phiên xử ngày 12-12-2012, TAND huyện Hàm Thuận Bắc đã phạt 13 lâm tặc từ chín tháng tù treo đến năm năm tù giam về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Ngay sau khi tòa tuyên án, gần 100 người là thân nhân của các lâm tặc đã “bao vây” tòa án, cho rằng tòa xử không công bằng vì không xử lý hai cán bộ kiểm lâm đã nhận tiền bán rừng, chỉ điểm khu vực có gỗ nhiều cho lâm tặc phá.
Trước đó, các lâm tặc đã triệt hạ hơn 500 cây gỗ bằng lăng (gần 150 m3) tại rừng Đông Giang, La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận). Sau khi báo PL TP.HCM phản ánh vụ việc này, Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã vào cuộc và lần lượt khởi tố 13 lâm tặc do Bùi Văn Phượng ngụ Hàm Thuận Nam cầm đầu.
|
Sau khi phá rừng bằng lăng ở La Dạ vào cuối năm 2010, lâm tặc phóng hỏa để phi tang. Ảnh: PN |
Trong quá trình điều tra, các lâm tặc khai rõ: để phá được rừng và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng tại xã La Dạ, Phượng đã bảy lần đưa tiền (tổng cộng 20,1 triệu đồng) cho ông Lê Hữu Khang, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã La Dạ. Khi thấy rừng ở khu vực mà Phượng vừa triệt phá hết, ông Khang chỉ điểm để Phượng đưa người đến khu vực cầu treo La Dạ để… phá. Phượng còn khai khi chỉ khu vực rừng cầu treo La Dạ, ông Khang còn dặn: “Đây là đất lâm nghiệp, khi hạ cây phải cử người cảnh giới, canh đường...”.
“Có lần ông Khang còn vào hiện trường phá rừng để nhận tiền bảo kê. Lần nhận tiền này có nhiều lâm tặc khác chứng kiến. Ngoài ra vào tháng 10-2010, ông Khang còn đến tận nhà tôi ăn nhậu, nhận 1,5 triệu đồng. Lần đưa tiền có một công an viên xã Tân Lập chứng kiến” - Phượng khai.
Đối với các vụ phá rừng tại xã Đông Giang, Phượng khai là đã bốn lần chung tiền (tổng cộng 12 triệu đồng) cho kiểm lâm Nguyễn Thành Trung.
Theo Phượng, trong các lần nhận tiền thì có lần ông Trung nhận tiền tại nhà riêng của Phượng. Đặc biệt, khi vụ phá rừng bị cơ quan điều tra khởi tố vụ án, triệu tập Phượng lên làm việc thì ông Trung hai lần điện thoại yêu cầu Phượng bỏ trốn. Trong hai cuộc điện thoại này thì cuộc điện thoại ngày 24-8-2011 có nội dung ông Trung dặn Phượng không được khai đã đưa hối lộ và khuyên Phượng nên bỏ trốn khỏi địa phương khoảng bốn tháng, Trung sẽ lo cho vợ con Phượng đến khi nào tình hình lắng xuống mới được quay về. Nội dung cuộc gọi này, Phượng đã nộp cho công an.
Nghe lời ông Trung, Phượng đã bỏ trốn vào Bà Rịa-Vũng Tàu một thời gian, khi quay về thì bị bắt giữ.
Sẽ xử lý nghiêm, không bỏ lọt tội phạm
Những lời khai của Phượng có dấu hiệu của tội đưa và nhận hối lộ nên công an đã tách việc này thành vụ án riêng để xử lý sau. Trong quá trình xét xử, luật sư bảo vệ cho bị cáo cho rằng việc tách vụ án là có dấu hiệu vi phạm pháp luật bởi hai kiểm lâm này có vai trò đồng phạm. Luật sư yêu cầu trả hồ sơ để điều tra lại nhưng tòa cho là không cần thiết nên mới có việc cả trăm người nhà lâm tặc “bao vây” tòa án.
Chưa nói đến chuyện có nhận tiền hối lộ của lâm tặc, chỉ riêng việc để mất rừng trên địa bàn mình phụ trách, hai kiểm lâm trên đã không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, cả hai người chẳng những không bị xử lý gì mà còn lên chức hoặc không hề hấn gì: ông Khang được rút về Đội Kiểm lâm cơ động huyện, còn ông Trung vẫn tiếp tục là kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Đông Giang.
Ngày 25-1, ông Nguyễn Thanh Đạt, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc, cho biết: Sau vụ thân nhân các lâm tặc “bao vây” tòa án, Huyện ủy, UBND huyện đã yêu cầu Công an huyện Hàm Thuận Bắc khẩn trương làm rõ vai trò của hai kiểm lâm nói trên và xử lý nghiêm bất kể là ai.
Còn Thượng tá Trần Bá Sơn, Trưởng Công an huyện Hàm Thuận Bắc, khẳng định: Công an không hề bỏ lọt tội phạm đối với hai kiểm lâm nói trên, hiện vụ án vẫn đang tiếp tục điều tra…
Theo PHƯƠNG NAM (PL)