Chiều 22/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật TTQT. (Ảnh: TTXVN)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, chiều 22/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế.
Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp thứ 46. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 gồm 7 chương, 52 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội, đa số đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế là hết sức cần thiết nhằm góp phần tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, bảo đảm thực thi Hiến pháp năm 2013, đồng bộ với Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và đáp ứng nhu cầu ký kết TTQT, góp phần giữ vững ổn định chính trị và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, nhất trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới... Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của dự thảo Luật cho phù hợp với thực tiễn như: Về cơ quan quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế; Về bên ký kết Việt Nam; Về ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế …
Về bên ký kết Việt Nam, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc không nên mở rộng chủ thể ký kết TTQT đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Một số ý kiến cho rằng, nếu mở rộng đến cấp huyện, cấp xã thì chỉ nên khoanh lại đối với các huyện ở khu vực biên giới, các xã ở khu vực biên giới và có giới hạn phạm vi lĩnh vực cụ thể được ký kết. Có ý kiến đề nghị chỉ nên mở rộng đến cấp huyện, vì băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp xã.
Theo UBTVQH, việc ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện và UBND cấp xã , trong đó có các xã ở khu vực biên giới thời gian qua đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu, trao đổi văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.
Từ thực tiễn nhu cầu ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện, UBND cấp xã, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế, dự thảo Luật quy định việc mở rộng chủ thể ký kết TTQT đến UBND cấp huyện. Đối với UBND cấp xã chỉ mở rộng đến UBND cấp xã ở khu vực biên giới; đồng thời để bảo đảm phù hợp với năng lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, dự thảo Luật giới hạn một số nội dung UBND cấp xã ở khu vực biên giới được ký như: về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định về việc ký kết TTQT đối với UBND cấp huyện và UBND cấp xã ở khu vực biên giới.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị, không nên giao cho cấp xã tiến hành ký kết các thỏa thuận quốc tế. “Theo như báo cáo 10 năm chúng ta có 67 xã có thỏa thuận, tuy nhiên như ban đầu tôi đã nói là thỏa thuận quốc tế chúng ta không nên đơn giản hóa vấn đề này. Hai là năng lực của cấp xã, đặc biệt là các xã biên giới có thể nói rằng chưa đảm bảo tham gia sâu vào các thỏa thuận quốc tế”, đại biểu lý giải.
Đại biểu Nhưỡng cũng cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến chi phí, ngân sách, tài chính. Cấp xã không đủ năng lực tài chính để có thể tiến hành đứng ra làm việc này. Theo đại biểu, nên giao cho cấp huyện ký kết các thỏa thuận quốc tế này và chỉ định 2 huyện giáp biên giới sẽ chỉ định xã nào để đứng ra thực hiện thì đảm bảo sự an toàn hơn.
“Thực tế, tôi thấy rằng cấp xã như chúng tôi đã từng đi cùng với Ủy ban Đối ngoại để khảo sát, giám sát thì cơ bản là ngoại giao nhân dân, những vấn đề về an sinh…nhưng nếu là những thỏa thuận quốc tế nghiêm túc, có liên quan đến vấn đề, kể cả công việc, các hoạt động, liên quan cả đến những vấn đề kinh tế, chính trị thì theo tôi nên để cho cấp huyện”, đại biểu cho biết.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho hay, trong khoản 6 Điều 3 cũng đã nêu rõ, giao thẩm quyền cho cấp xã chỉ ký kết thỏa thuận quốc tế về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa giữa chính quyền địa phương cấp xã. “Có thể hiểu đây là những việc phù hợp với khả năng của địa phương, chuyện đó rất bình thường cho nên tôi hết sức ủng hộ quan điểm này cũng như ý kiến của một số đại biểu khác, cần thiết phải đưa quy định này vào trong dự thảo luật”, đại biểu cho hay.
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), mở rộng chủ thể ký thỏa thuận quốc tế tới cấp xã sẽ rất khó, bởi quan hệ quốc tế là vấn đề lớn, các văn bản phải thiết kế chặt chẽ, chính xác, khoa học. Trong khi đó, ở cấp xã, năng lực, kiến thức, cũng như trình độ tham mưu cho lãnh đạo của bộ máy giúp việc về công tác đối ngoại còn nhiều hạn chế". Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này đối với UBND cấp xã trong việc ký kết thỏa thuận quốc tế.
Về ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị cân nhắc xem xét, sửa đổi quy định theo hướng ngôn ngữ được ký kết trong các thỏa thuận quốc tế phải được thực hiện song ngữ, bằng tiếng Việt và ngôn ngữ của bên ký kết nước ngoài. “Trường hợp hai bên thỏa thuận ký kết bằng ngôn ngữ thứ 3, phải có văn bản bằng tiếng Việt, đảm bảo chính xác về nội dung, thống nhất về hình thức với văn bản bằng tiếng nước ngoài của thỏa thuận quốc tế”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề xuất.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét kỹ vấn đề ngôn ngữ trong thỏa thuận quốc tế và không đồng ý bản tiếng Việt chỉ là bản dịch lại từ bản tiếng nước ngoài. Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho rằng, cần quy định rõ, văn bản thỏa thuận được lập, ký kết bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; hai bản có giá trị pháp lý ngang nhau; từ đó thể hiện lòng tự tôn ngôn ngữ của dân tộc.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Đối ngoại tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào đợt 2 của kỳ họp này./.
Theo Dangcongsan.vn