Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024):

Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ tư, 17/04/2024 18:04
(ThanhtraVietNam) - Điện Biên Phủ, một địa danh hẻo lánh ở vùng núi rừng Tây Bắc Việt Nam bỗng trở thành cái tên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” từ tháng 5 năm 1954.

Với Nhân dân ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử chống ngoại xâm. Với đối phương, đây là một thảm bại trước một đối thủ chỉ trước đó ít lâu họ tưởng rằng có thể bóp chết được bằng “con nhím Điện Biên Phủ”. Với thế giới, Điện Biên Phủ được biết đến như một đòn chí mạng giáng vào chủ nghĩa thực dân cũ và dẫn đến sự sụp đổ của nó trên phạm vi châu lục.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Để chuẩn bị cho kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa nhiều cuộc họp nhằm nhận định, đánh giá diễn biến tình hình, vạch ra đường lối, chủ trương đánh giặc. Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng phê chuẩn phương án tác chiến do Tổng quân ủy trình bày với các hướng tấn công chiến lược. Bác kết luận: về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp, phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa. Đầu tháng 10/1953, tại Khuổi Tát, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng để nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình địch và sự chuẩn bị lực lượng của ta cho chiến dịch sắp tới. Sau khi nghe báo cáo, Người nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn” (1).

Về phía địch, trong Đông Xuân 1953-1954, tướng Nava chủ trương đánh giao chiến với chủ lực ta trên chiến trường miền Bắc. Nava ra sức giành ưu thế về lực lượng cơ động chiến lược để thực hiện một trận “tổng giao chiến” vào mùa khô năm sau, trên chiến trường do mình lựa chọn. Thực hiện mưu kế chiến lược căng địch ra mà đánh - trói địch lại mà diệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta đã dùng một bộ phận quân chủ lực mở những cuộc tấn công lên các hướng chiến lược mà địch tương đối yếu nhưng chúng không thể bỏ được, buộc chúng phải phân tán khối quân cơ động lớn tại đồng bằng Bắc Bộ. Bằng cuộc tiến quân lên Tây Bắc, ta buộc địch phải vội vã ném những đơn vị tinh nhuệ nhất của chúng xuống Điện Biên Phủ, xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh để rồi bị giam chân vào cô lập trong một lòng chảo trên chiến trường rừng núi, địa hình và thời tiết đều không thuận lợi. Như vậy là ta đã chủ động tạo ra và mau lẹ nắm lấy thời cơ, buộc chủ lực địch phải chấp nhận quyết chiến sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu, trên một chiến trường bất lợi cho chúng. Chính tướng Nava cũng phải thừa nhận rằng, hơn 80% lực lượng cơ động của quân Pháp đã bị phân chia ra các chiến trường Đông Dương. Và khi ta tiến công Điện Biên Phủ thì lực lượng cơ động không thể tập trung lớn để đối phó được nữa.

Ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Người chỉ thị cho Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được...” (2).

Nhân ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bác trao cho mỗi đại đoàn, mỗi quân khu một lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng làm giải thưởng luân lưu. Các chi bộ đều mở hội nghị xác định thái độ đảng viên, kêu gọi đảng viên dẫn đầu trong chiến đấu, cắm bằng được lá cờ của Bác trên nóc sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Lá cờ đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng trong chiến dịch, thành ngọn đuốc dẫn đường đi tới chiến thắng trong mỗi trận đánh.

Trước khi lên đường đi chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Khuổi Tát chào Bác. Bác hỏi: “Chú đi xa vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thưa: “Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”. Bác nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Bác nhắc: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” (3). Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lấy lời căn dặn của Bác làm kim chỉ nam hành động. Ngày 26/1/1954, Đại tướng đã có một quyết định táo bạo và khó khăn trong cuộc đời binh nghiệp của mình khi quyết định chuyển phương án tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc". Ông quyết định “kéo pháo ra” khi mọi lực lượng đã sẵn sàng chỉ còn chờ hiệu lệnh tiến công. Trong cuốn hồi ký về Điện Biên Phủ, Đại tướng coi quyết định này là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình. Sau khi gửi thư hỏa tốc về báo cáo Bác và Bộ Chính trị, Đại tướng biết rằng, Bác và Bộ Chính trị nhất trí cho rằng quyết định thay đổi phương châm là hoàn toàn đúng đắn.

Bác viết thư, gửi điện căn dặn, động viên bộ đội, dân công quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang. Quan tâm đến sức khỏe thương binh, ngày 22/3/1954, Bác cử bác sĩ Vũ Đình Tụng và giáo sư Tôn Thất Tùng trực tiếp ra mặt trận phục vụ chiến dịch. Trong quá trình mở đường thắng lợi, Đội trưởng Đội phá bom 83 Nguyễn Phú Xuyên Khung đã chỉ huy đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vinh dự được nhận phần thưởng là chiếc áo lụa của Bác Hồ do Trung đoàn tặng.

Cũng tại chiến khu Việt Bắc, cuối tháng 4/1954, nhà báo Ôxtrâylia Uyn-phrết Bớc-sét đã đến gặp Bác. Nhà báo viết: “Không thể nào quên được buổi gặp gỡ đầu tiên đó, với vẻ ấm cúng và thông minh trong đôi mắt nâu thẫm của Người. Đầu tiên, Cụ Hồ Chí Minh ân cần hỏi thăm về sức khoẻ của tôi. Trên đường đến Việt Nam, tôi nghe đài sóng ngắn và thấy rằng phần nhiều tin từ Hà Nội bị Pháp chiếm đóng, đều nói về một địa điểm gọi là Điện Biên Phủ. Người Pháp đã chiếm được địa điểm này, làm một căn cứ để tấn công Việt Minh từ phía sau và để quét sạch các sở chỉ huy của họ. Câu hỏi đầu tiên của tôi là điều gì đang xảy ra ở Điện Biên Phủ? Cụ Hồ lật ngửa chiếc mũ lưỡi trai che nắng của Người xuống bàn, đưa mấy ngón tay mảnh khảnh vòng quanh vành mũ và nói: “Đây là rừng núi, nơi có các lực lượng của chúng tôi. Dưới kia là thung lũng Điện Biên Phủ, ở đó là người Pháp với những đội quân tinh nhuệ nhất. Họ sẽ không bao giờ ra được, tuy có thể mất một ít thời gian”.

- Một Xta-lin-grát ở Đông Dương?

- Trên một phạm vi khiêm tốn, vâng, hơi giống Xta-lin-grát!” (4).

Tháng 4/1954, khi cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ đang diễn ra ác liệt, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và phái đoàn lên đường đi dự Hội nghị Giơnevơ. Ngày 7/5/1954, trải qua 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, những chiến sĩ Điện Biên gan không núng, chí không mòn đã kiên cường, dũng cảm vượt lên bao mưa bom bão đạn, cắm lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao trên nóc hầm Đờ Cát, vào giữa trái tim con nhím Điện Biên Phủ, kết liễu số phận của nó. Tin chiến thắng đến ngay trước thềm hội nghị, góp phần quan trọng vào thành công của Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương ngày 20/7/1954.

Ngày 8/5/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ. Người nhắc nhở quân và dân ta: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời ngợi khen cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để giành độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn...” (5). Bác thăm hỏi thương binh và thưởng cho tất cả bộ đội tham gia chiến dịch huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ. Người sáng tác bài thơ “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” đăng báo Nhân dân số 184 từ ngày 12-15/5/1954 với bút danh CB để chào mừng chiến thắng vĩ đại, ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân dân ta và bài thơ “Nava Chinh phu ngâm” để tống tiễn Nava.

Mười năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 12/11/1964, trên báo Nhân dân số 3878, với bút danh “Chiến sĩ”, Bác viết bài “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu”, trong đó có bốn câu thơ dự báo sự thất bại của Đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam:

                                         Uy danh lừng lẫy khắp năm châu

                                        Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu

                                 Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng

                                        Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu.

70 năm đã qua (1954-2024), kể từ ngày Lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, vết tích chiến tranh đã được hàn gắn, mảnh đất Điện Biên “hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng” nhưng ý nghĩa, tầm vóc của sự kiện trọng đại này không hề phai mờ. Tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tên tuổi của những chiến sĩ Điện Biên chưa bao giờ khuất, vẫn mãi còn lưu danh sử sách, vẫn sống mãi trong niềm vinh dự, tự hào của đất nước, Nhân dân.

Chú thích:

(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.24-25;

(2)Https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/book/ho-chi-minh/tieu-su-cuoc-doi-va-su-nghiep/ho-chi-minh-bien-nien-tieu-su-tap-5-11951-121954-25;

(3) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, 2011, tr.900;

(4) Hồi ký Bớc-sét, NXB Thông tin lý luận, H.1985, tr.254-255;

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.8, tr.466.

Nguyễn Thị Thu Hằng

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra