Nhân sự kiện Đoàn đại biểu Đảng ta dự Đại hội 39 Đảng Cộng sản Pháp

Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ ba, 18/04/2023 00:34
(ThanhtraVietNam) - Khi đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin trên báo Nhân đạo (7/1920), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc thế thứ ba” (1). Người đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp vào ngày 30/12/1920 và sau đó tích cực chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3/2/1930).

Tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp

Năm 1919, trên hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Đảng Xã hội Pháp. Đảng Xã hội Pháp lúc đó đang diễn ra sự tranh luận hết sức sôi nổi về hướng đi trong tương lai là nên ở lại trong Quốc tế II hay tham gia Quốc tế III. Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (năm 1960), Người nhớ lại: “Điều mà tôi muốn biết hơn cả - và cũng chính là điều mà người ta không thảo luận trong cuộc họp là: Vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa?... Có mấy đồng chí đã trả lời: Đó là quốc tế thứ ba, chứ không phải Quốc tế thứ hai. Và một đồng chí đã đưa cho tôi đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo” (2). Từ đó, trong các cuộc họp, Người đáp trả mạnh mẽ những lời lẽ chống lại V.I.Lênin, chống lại Quốc tế III với lý lẽ duy nhất là: “Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực cho các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì?” (3).

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh (người đứng) tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp (năm 1920) và Người đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh tư liệu lịch sử.

Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tours diễn ra từ ngày 25 đến ngày 30/12/1920. Ngày 29/12/1920, Đại hội tiến hành bỏ phiếu quyết định việc Đảng ở lại Quốc tế II hay gia nhập Quốc tế III. Với đa số phiếu tuyệt đối (3252 tán thành, 1022 phiếu chống), Đảng Xã hội Pháp tán thành gia nhập Quốc tế III. Ngày 30/12/1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những người chủ trương gia nhập Quốc tế Cộng sản của Đảng Xã hội Pháp tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản. Từ giây phút ấy, Người đã trở thành một người cộng sản. Chính Người đã nói rõ điều đó khi trả lời câu hỏi vì sao lại bỏ phiếu cho Quốc tế III của nữ đồng chí Rose, người ghi biên bản tốc ký Đại hội: “Tôi hiểu rõ một điều Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Quốc tế III nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ. Còn Quốc tế II không hề nhắc tới vận mệnh các thuộc địa vì vậy tôi bỏ phiếu tán thành Quốc tế III” (4).

Nhắc lại bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, nhà sử học người Pháp Alain Ruscio viết: “Cần phải nói rằng, vấn đề thuộc địa chỉ mới được bàn tới một cách rất yếu ớt và khá hiếm hoi trong thời kỳ có cuộc tranh luận lớn năm 1919-1920. Chỉ có một ngoại lệ, nhưng nó lại có tầm cỡ, đó là một thanh niên có ánh mắt sáng ngời mà báo cáo của Đại hội đã giới thiệu là “đại biểu của Đông Dương”. Hồi đó nhiều người đã biết đến tên Anh là Nguyễn Ái Quốc. Anh đã nói gì? Anh nói: “'Chúng tôi thấy rằng, việc Đảng Xã hội gia nhập Quốc tế III có nghĩa là Đảng hứa một cách cụ thể rằng từ nay, Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa”.

Nhà sử học người Pháp Charles Fourniau thì nhận xét: “Nguyễn Ái Quốc đã có đóng góp quan trọng vào việc hình thành truyền thống chống chủ nghĩa thực dân, một truyền thống làm vẻ vang cho Đảng Cộng sản Pháp... Vậy thì hẳn rằng, người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam sau đó phải được coi là một trong những người thầy của Đảng Cộng sản Pháp về những vấn đề thuộc địa”.

Sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ năm 1921 đến tháng 6/1923, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia dự Đại hội lần thứ I và lần thứ II của Đảng Cộng sản Pháp, tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa (năm 1921) và đến năm 1922 ra tờ báo Người cùng khổ làm cơ quan ngôn luận hội này. Sau đó, vào năm 1923, Người tìm đường sang Liên Xô và theo học trường Đại học Cộng sản của những người lao động Phương Đông.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh (người đứng) sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Tranh minh họa của họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Trường Đại học Cộng sản của những người lao động Phương Đông thành lập tại Mátxcơva của nước Nga Xô viết năm 1921 theo quyết định của Quốc tế Cộng sản nhằm mục đích đào tạo cán bộ cách mạng trước hết cho các nước phương Đông thuộc nước Nga Xô viết và các nước thuộc địa và phụ thuộc. Tại đây, các học viên được trang bị những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, phương pháp tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng. Trong thời gian học tập, học viên sẽ được học các môn quan trọng như chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, kinh tế chính trị, lịch sử phong trào công nhân quốc tế, lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc, v.v.. Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (năm 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại: “Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” (5).

Vào tháng 6/1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Tiếp đó, Quốc tế Cộng sản đã cử Người tới Quảng Châu (Trung Quốc) công tác nhằm xúc tiến mọi điều kiện để xây dựng một tổ chức cộng sản ở Đông Dương và giúp đỡ các đại biểu cách mạng ở các nước Đông Nam Á.

Sau khi về hoạt động ở Trung Quốc vào tháng 11/1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn và cử nhiều cán bộ Việt Nam sang học tại Trường Đại học Phương Đông. Dưới sự giới thiệu của Người, từ 1925 đến cuối những năm 1930 đã có hơn 60 sinh viên Đông Dương sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông. Theo một số tài liệu, tới năm 1935, đã có 47 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp. Những sinh viên Việt Nam được đào tạo tại Trường Đại học Phương Đông trở về Tổ quốc hoạt động đã trở thành nòng cốt của cách mạng, nhiều người đã trở thành lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta, trong đó các Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925). Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), tài liệu giảng dạy cho những hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Người chỉ rõ: “Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc. Phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin…” (6). Đảng cách mạng đó được Người sáng lập ngày 3/2/1930. Đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản (1931) đã kết nạp Đảng ta làm thành viên chính thức.

Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 9/9/1969) đã nhấn mạnh: “Hồ Chủ tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam và Mặt trận Dân tộc thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta… Là người học trò trung thành của Các Mác và Lênin, Hồ Chủ tịch chẳng những là một nhà yêu nước vĩ đại, mà còn là một chiến sĩ xuất sắc trong phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc của thế kỷ XX”.

Chú thích:

(1), (2), (3), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập,  tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 127;

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 219;

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 304.

NGUYỄN VĂN TOÀN
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra