Chủ tịch QH: Nếu là DN, đọc dự thảo luật tôi chưa bỏ tiền ra đâu

Thứ tư, 25/03/2020 07:06
Góp ý dự thảo luật Đối tác công tư (PPP) tại phiên họp UB Thường vụ QH chiều nay, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói: Nếu tôi là DN, đọc dự thảo luật này thì tôi chưa bỏ tiền ra đâu.

Góp ý về cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các DN tham gia dự án PPP, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển lưu ý phải xác định rõ DN rủi ro tới mức độ nào thì nhà nước mới cần can thiệp, hỗ trợ. Ông không đồng tình với quy định nhà nước hỗ trợ, chia sẻ rủi ro khi DN giảm doanh thu như dự thảo.

Không cẩn thận Nhà nước thành con nợ

Theo ông, DN giảm doanh thu là rủi ro khi đầu tư, DN phải chấp nhận chứ không thể đòi hỏi Nhà nước chia sẻ.

“Nếu nhà nước chia sẻ rủi ro khi DN giảm doanh thu thì nguy hiểm, không cẩn thận nhà nước thành con nợ, nhất là khi không xác định chặt chẽ giá ban đầu. Rộng tay một chút thì sẽ rất khó khăn cho ngân sách nhà nước”, ông Hiển cảnh báo và đề nghị nhà nước chỉ chia sẻ rủi ro khi DN lỗ, mất vốn.  

leftcenterrightdel
 Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển: Nếu nhà nước chia sẻ rủi ro khi DN giảm doanh thu thì nguy hiểm

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng nhà nước không nên bao sân quá nhiều. “Anh đầu tư thì anh phải tính toán”.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, DN khi tham gia đầu tư bị giảm doanh thu lại được nhà nước chia sẻ rủi ro thì không ổn. 

Về các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, dự luật quy định 6 lĩnh vực gồm: Giao thông vận tải; nhà máy điện, lưới điện; cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; trụ sở cơ quan nhà nước; y tế; giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.

Trường hợp phát sinh dự án ngoài các lĩnh vực nêu trên thì báo cáo Thủ tướng quyết định với điều kiện cụ thể.

Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng quy định như vậy vẫn rộng và sẽ đi theo hướng ngân sách tham gia nhiều lĩnh vực hoạt động của tư nhân. 

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng quy định như vậy là quá rộng và không hiểu căn cứ nào để lựa chon 6 lĩnh vực trong dự thảo. 

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng luật này ra đời là để khuyến khích DN tư nhân tham gia vào đầu tư các dự án đối tác công tư. Trước khi có luật này, chúng ta đã thu hút nhiều DN tham gia các dự án BOT nhưng sau đó do quản lý yếu kém dẫn đến nhiều vướng mắc.

“Ra luật này có thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án đối tác công tư hay không. Đó mới là vấn đề. Nhưng nếu tôi là DN, đọc dự thảo luật này thì tôi chưa bỏ tiền ra đâu”, bà nói.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Ra luật có thu hút được khu vực tư nhân?

Cần tiếp tục rà soát tính hợp hiến hợp pháp

Kết luận phần thảo luận dự luật này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng đây là luật khó và còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, cần thận trọng và tiếp tục thảo luận.

“Cần tiếp tục rà soát tính hợp hiến hợp pháp, có tính đặc thù nhưng phải đảm bảo được sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Nếu không tính toàn kỹ đến nguồn lực Nhà nước thì rất khó, cái nào tư nhân làm được thì để tư nhân làm", ông lưu ý.

Theo Phó Chủ tịch QH, cần phải làm rõ chính sách của Nhà nước có tác động như thế nào đến các dự án PPP, nhất là những dự án mà Nhà nước tham gia; dự án nào Nhà nước hỗ trợ, dự án nào có sự góp vốn của nhà nước thì tài sản như thế nào, thu hồi vốn ra sao… 

Phó Chủ tịch QH đề nghị rà soát lại các dự án ưu đãi, quyền lợi của người dân. Khi nào chia sẻ rủi ro, chia sẻ đến mức nào, rủi ro nào nhà nước chịu và rủi ro nào nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó vấn đề đấu thầu cần phải rà soát lại, nhất là những vấn đề liên quan đến đất đai, quốc phòng an ninh.

leftcenterrightdel

Về mức đầu tư, ông lưu ý cần tính toán có một mức tối thiểu, nhưng cần căn cứ đến vùng sâu, vùng xa thì vốn đầu tư như thế nào. Nghiên cứu kỹ đến trật tự ưu tiên trong đầu tư. Thẩm quyền quyết định thuộc QH hay Chính phủ khi quyết định đầu tư. 

Ông Hiển yêu cầu ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến của Thường vụ, tiếp tục rà soát lại để chuẩn bị đưa ra hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận, cần thiết thì xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi đưa ra QH thảo luận.

Theo Thu Hằng/Vietnamnet

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/chu-tich-qh-neu-la-dn-doc-du-thao-luat-toi-chua-bo-tien-ra-dau-627852.html

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra