Trong Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội quyết nghị một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Cụ thể, Quốc hội quyết nghị 8 cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ nhất là cơ chế, chính sách đặc thù về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm.
Theo đó, Quốc hội quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm cho từng địa phương theo tổng mức kinh phí của từng chương trình mục tiêu quốc gia. Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm cho từng địa phương theo tổng kinh phí chi thường xuyên của từng chương trình mục tiêu quốc gia. HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ hoặc phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.
Thứ hai là cơ chế, chính sách đặc thù về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm.
HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 (chi thường xuyên) và dự toán ngân sách nhà nước chưa giải ngân hết trong năm 2023 (bao gồm chi đầu tư, chi thường xuyên) của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được chuyển sang năm 2024 theo quy định của Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10.11.2023 và Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29.11.2023 của Quốc hội.
Theo thẩm quyền được phân cấp, UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển sang năm 2024 theo quy định của Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10.11.2023 và Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29.11.2023 của Quốc hội.
Nguyên tắc điều chỉnh: Việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước từ dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ hoặc không đủ điều kiện để giải ngân kinh phí theo quy định hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung dự toán thực hiện cho các dự án thành phần khác trong cùng chương trình mục tiêu quốc gia phải bảo đảm không vượt quá tổng dự toán ngân sách nhà nước và không thay đổi cơ cấu chi đầu tư, chi thường xuyên của từng chương trình mục tiêu quốc gia đã được cấp có thẩm quyền giao.
Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm giữa các dự án đầu tư trong danh mục dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trong cùng chương trình mục tiêu quốc gia phải bảo đảm không vượt quá tổng mức vốn đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của từng dự án, tổng mức vốn trong năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ ba là cơ chế, chính sách đặc thù về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất.
UBND cấp tỉnh được quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án trong hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia trong trường hợp HĐND cấp tỉnh chưa ban hành quy định về các nội dung này.
Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án trong hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia đã được HĐND cấp tỉnh ban hành, UBND cấp tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung sau khi được sự đồng ý của Thường trực HĐND cấp tỉnh và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
Thứ tư là cơ chế, chính sách đặc thù về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ để thực hiện dự án phát triển sản xuất.
Chủ dự án quyết định mua sắm hàng hóa, dịch vụ trong nội dung của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Căn cứ quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án thanh toán tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho chủ dự án thực hiện việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ như sau: Trường hợp chủ dự án trực tiếp sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành nghề kinh doanh của mình, cơ quan quản lý dự án thanh toán trực tiếp chi phí sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho chủ dự án theo định mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quy định. Trường hợp chưa có quy định của HĐND cấp tỉnh về định mức hỗ trợ, cơ quan quản lý dự án thanh toán theo giá của hàng hóa, dịch vụ được phê duyệt tại quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền; cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định giá hàng hóa, dịch vụ trên cơ sở giá của hàng hóa, dịch vụ cùng loại được mua bán tại địa bàn thực hiện dự án do cơ quan chuyên môn về tài chính thuộc UBND cùng cấp đề xuất; trường hợp tại địa bàn thực hiện dự án chưa có hàng hóa, dịch vụ cùng loại được mua bán thì cơ quan chuyên môn về tài chính thuộc UBND cùng cấp tham chiếu giá bán hàng hóa, dịch vụ cùng loại trên địa bàn tỉnh để đề xuất; đối với dự án do Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt thì cơ quan chuyên môn về tài chính thuộc UBND cấp huyện đề xuất.
Trường hợp sử dụng hàng hóa, dịch vụ do người dân trực tiếp sản xuất, cung ứng tại địa bàn thực hiện dự án, cơ quan quản lý dự án thanh toán trực tiếp chi phí sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho chủ dự án theo giá hàng hóa, dịch vụ được mua bán tại địa bàn cấp xã, được UBND cấp xã xác nhận. Trường hợp tại địa bàn thực hiện dự án chưa có hàng hóa, dịch vụ cùng loại được mua bán, cơ quan quản lý dự án tham chiếu giá bán hàng hóa, dịch vụ cùng loại trên địa bàn tỉnh để quyết định thanh toán hỗ trợ cho chủ dự án.
Trường hợp chủ dự án ký kết hợp đồng mua sắm hàng hóa, dịch vụ với bên cung cấp không phải là thành viên tham gia dự án phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án thanh toán cho bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng mua bán có xác nhận ba bên, bao gồm chủ dự án, bên cung cấp dịch vụ, hàng hóa và cơ quan quản lý dự án. Chủ dự án có trách nhiệm cung cấp đầy đủ chứng từ chứng minh hoạt động mua sắm, bao gồm hóa đơn bán hàng và chứng từ khác (nếu có) cho cơ quan quản lý dự án chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận hàng hóa, dịch vụ từ bên cung cấp.
Thứ năm là cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý, sử dụng tài sản hình thành trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất không áp dụng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong trường hợp sau đây: Tài sản có giá trị dưới 500 triệu đồng được hỗ trợ toàn bộ vốn hoặc một phần vốn từ ngân sách nhà nước.
Tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân tham gia thực hiện dự án.
Tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên được hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước không quá 20% giá trị tài sản.
Cơ quan quản lý dự án có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản trong quá trình thực hiện dự án.
Thứ sáu là cơ chế, chính sách đặc thù về ủy thác vốn của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trong Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu: Căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện được quyết định việc bố trí vốn ngân sách của địa phương bao gồm vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên, giao UBND cùng cấp ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương để hỗ trợ thực hiện một số hoạt động sau đây của các chương trình mục tiêu quốc gia: phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định sinh kế, hỗ trợ cải thiện nhà ở; phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm; duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống; phát triển du lịch nông thôn;
Đối tượng được hỗ trợ vay vốn ưu đãi bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng nông thôn, huyện nghèo; cá nhân người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, người lao động tại địa bàn thuộc phạm vi thực hiện của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Việc trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương không phải lập danh mục chương trình, dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.
UBND cấp tỉnh quy định điều kiện, nội dung, mức cho vay ưu đãi để thực hiện từng chính sách tín dụng hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
Thứ bảy là cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 - 2025.
HĐND cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. UBND cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia cho huyện được lựa chọn thí điểm.
HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Việc quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của huyện thực hiện cơ chế thí điểm được thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hàng năm, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đã được HĐND huyện điều chỉnh theo quy định tại điểm b khoản này.
Thứ tám là cơ chế, chính sách đặc thù về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hàng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.
Căn cứ danh mục dự án dự kiến đã báo cáo HĐND cấp huyện, UBND cùng cấp giao kế hoạch đầu tư công trung hạn thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp theo tổng vốn thực hiện các dự án; không bắt buộc giao danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn hàng năm thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp chi tiết đến từng dự án được thực hiện theo nguyên tắc tổng vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước lũy kế đến thời điểm giao vốn nhưng không được vượt quá tổng mức vốn thực hiện các dự án này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gồm 4 chương và 20 điều hướng dẫn Điều 37, Điều 43 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định của pháp luật có liên quan về việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, bao gồm: nguyên tắc, phạm vi giải trình; tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình, người được yêu cầu giải trình, người được yêu cầu tham gia giải trình; nguồn thông tin lựa chọn vấn đề được giải trình; trách nhiệm, quyền của người được yêu cầu giải trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; trình tự, thủ tục tổ chức hoạt động giải trình; thực hiện kết luận vấn đề được giải trình; theo dõi, đôn đốc, báo cáo việc thực hiện kết luận vấn đề được giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Về nguyên tắc hoạt động giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của người được yêu cầu giải trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Bảo đảm khách quan, minh bạch, hiệu quả, linh hoạt, kịp thời. Phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được tổ chức công khai, trừ trường hợp vấn đề được giải trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư, bí mật kinh doanh được pháp luật bảo vệ hoặc trường hợp khác do Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội quyết định. Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và pháp luật có liên quan về bảo vệ bí mật công tác, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư, bí mật kinh doanh.
Về phạm vi giải trình, Nghị quyết nêu rõ: Vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và có liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Ủy ban khác của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc.
Về tiêu chí, vấn đề được giải trình được lựa chọn theo một trong các tiêu chí sau đây:
Vấn đề cụ thể, vụ việc xảy ra có tính thời sự, bức xúc, nổi lên trong thực tiễn đời sống xã hội; vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Ủy ban của Quốc hội, dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm, đòi hỏi phải được làm rõ, giải quyết kịp thời để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Vấn đề xảy ra vi phạm pháp luật hoặc có nhiều hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục.
Vấn đề đã ghi trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề hoặc kết luận vấn đề được giải trình, kiến nghị giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nhưng thực hiện chưa hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Người được yêu cầu giải trình là thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Việc lựa chọn người được yêu cầu giải trình đối với phiên giải trình cụ thể phải là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trực tiếp hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được giải trình.
Người được yêu cầu tham gia giải trình là đại diện lãnh đạo Bộ, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cá nhân khác có liên quan đến thẩm quyền quản lý nhà nước hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được giải trình.
Trong Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quy định cụ thể về: Nguồn thông tin lựa chọn vấn đề được giải trình; trách nhiệm của người được yêu cầu giải trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; quyền của người được yêu cầu giải trình, của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến trách nhiệm giải trình.
Nghị quyết cũng quy định rõ về trình tự, thủ tục tổ chức hoạt động giải trình; thực hiện kết luận vấn đề được giải trình, theo dõi, đôn đốc, báo cáo việc thực hiện kết luận...
Toàn văn 3 Nghị quyết nêu trên được đăng tải toàn văn trên Báo điện tử Đại biểu Nhân dân: http//daibieunhandan.vn.