Còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Thứ bảy, 02/11/2024 13:30
(ThanhtraVietNam) - Ngày 01/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tại phiên thảo luận có 10 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; trong đó, các ý kiến cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: giải thích từ ngữ; thẩm tra, thẩm định thiết kế, nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; báo cháy, tình huống cần phải cứu nạn, cứu hộ; phương pháp xử lý báo cháy giả; phòng cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện; xây dựng, bố trí lực lượng và nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy; bảo đảm điều kiện hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; kinh phí cho phòng cháy, chữa cháy; hiệu lực thi hành. Kết thúc thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn 

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận có 10 đại biểu Quốc hội phát biểu có cơ sở chính trị, thực tiễn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thay mặt cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tiếp thu, giải trình vấn đề đại biểu nêu.

Về bảo đảm điều kiện hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn cần quy định rõ hơn các yêu cầu bắt buộc bố trí phương tiện, hạ tầng phòng cháy, chữa cháy. Cân nhắc về chi ngân sách quốc phòng, an ninh từ ngân sách địa phương. Các ý kiến cũng đề nghị phải phân cấp, phân quyền cho địa phương, chính quyền địa phương các cấp rà soát và có giải pháp phù hợp, có lộ trình và bảo đảm tính khả thi; thời điểm có hiệu lực của một số các điều chuyển tiếp .

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật do luật giao để có hiệu lực; đồng thời triển khai trong thực tiễn; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương có báo cáo tổng hợp để gửi đại biểu Quốc hội và chuyển cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình, trình với Quốc hội thông qua theo đúng chương trình của kỳ họp.

Tiếp tục phiên họp sáng 1/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường để nghe các nội dung sau: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Sau đó, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Tại phiên thảo luận có 12 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, đa số các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về các nội dung: các chỉ tiêu cụ thể trong từng dự án thành phần; công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, bố trí nhân lực; chính sách đãi ngộ cho nhân lực văn hóa làm việc tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc phân cấp cho địa phương trong bố trí nguồn lực; xây dựng các trung tâm văn hóa ở nước ngoài; phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc; giải pháp để thực hiện Chương trình; rà soát, bổ sung đối tượng thụ hưởng của Chương trình; sự thống nhất về nội dung thành phần; sử dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong phát triển văn hóa; nguồn vốn để phát triển văn hóa; xác định tỷ lệ vốn của địa phương; … Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Dự kiến, thứ hai, ngày 04/11/2024, Quốc hội dành cả ngày làm việc để thảo luận ở hội trường về các nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB)./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra