Công tác cải cách hành chính của Thanh tra Chính phủ phù hợp với đặc thù các nhiệm vụ của ngành

Thứ sáu, 10/11/2023 03:15
(ThanhtraVietNam) – Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) và Thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị, kế hoạch CCHC Quý III/2023 của Thanh tra Chính phủ được đánh giá đã bám sát chương trình CCHC của Chính phủ và phù hợp với đặc thù các nhiệm vụ của ngành trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.

Trong Quý III, Thanh tra Chính phủ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch CCHC năm 2023 trên 07 lĩnh vực đó là: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng, hoàn thiện thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Hết quý III/2023, Thanh tra Chính phủ báo cáo đã triển khai được 26/38 nhiệm vụ theo đúng nội dung và thời hạn Kế hoạch CCHC năm 2023.

Công tác CCHC triển khai theo đúng nội dung và thời hạn

Trong Quý III/2023, Thanh tra Chính phủ đã triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Thanh tra để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền như: Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước; Xây dựng, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 50/2018/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ; Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành; Xây dựng Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; Xây dựng Thông tư hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Thanh tra và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra; Thông tư quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng...

Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Thanh tra Chính phủ đã theo dõi, thực hiện các TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý (gồm 27 TTHC) và cập nhật trên cơ sở dữ liệu Cổng dịch vụ công quốc gia. Công bố 46 thủ tục hành chính nội bộ trong cơ quan Thanh tra Chính phủ và 11 thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Thanh tra Chính phủ. 100% số TTHC tiếp công dân thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra Chính phủ đã thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả tại Bộ phận Một cửa, được phê duyệt quy trình nội bộ và điện tử hóa. Việc số hóa hồ sơ, tài liệu, thực hiện đánh giá chất lượng giải quyết TTHC được Trung tâm Thông tin phối hợp với Ban Tiếp công dân trung ương triển khai thực hiện theo kế hoạch.

Theo số liệu báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong quý III, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương do Thanh tra Chính phủ phụ trách đã tiếp 1.040 lượt với 3.141 công dân đến trình bày 959 vụ việc (khiếu nại 466 việc, tố cáo 111 việc, kiến nghị và phản ánh 382 việc); 90 lượt đoàn đông người. Trụ sở đã phát hành 572 văn bản hướng dẫn công dân và 87 văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Thanh tra Chính phủ đã xử lý 4.250/4.347 đơn thư, trong đó có 1.784 đơn đủ điều kiện xử lý (khiếu nại 1.677 đơn, tố cáo 26 đơn, kiến nghị và phản ánh 81), chiếm 42% và 2.466 đơn đã được xử lý trước đó thực hiện phân loại và lưu theo dõi, chiếm 58%. đã phát hành 1.699 văn bản hướng dẫn, 99 văn bản chuyển đơn.

Thanh tra Chính cũng đã tiếp nhận 105 phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên hệ thống phản ánh kiến nghị Cổng dịch vụ công quốc gia, đã xử lý và trả lời được 104 đơn phản ánh kiến nghị, tất cả phản ánh kiến nghị đã xử lý, trả lời đều được công khai theo quy định.

Đối với việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, Thanh tra Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc sử dụng Kênh truyền thông “Chuyển đổi số quốc gia” trên Zalo; rà soát việc sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; tập huấn sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp và chữ ký số; hoàn thành phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn đối với 05 hệ thống thông tin; triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ an toàn thông tin; chuyển đổi IPv6 và lập chuyên mục chuyển đổi số trên Cổng Thông tin điện tử; xây dựng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành dự án “Xây dựng hệ thống báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng” trong năm 2020 và chính thức đưa vào sử dụng theo Văn bản số 882/TTCP-TTTT ngày 02/6/2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc cung cấp tài khoản, mật khẩu sử dụng phần mềm gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Văn bản Thanh tra Chính phủ tiếp nhận đều được gửi lên phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp cho các vụ, cục, đơn vị có liên quan. Các văn bản đi cơ bản được gửi qua Trục liên thông văn bản quốc gia (trừ văn bản mật). 100% Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp. Thanh tra Chính phủ cũng đã xây dựng, ban hành và kiểm soát hệ thống tài liệu, các quy trình giải quyết công việc theo đúng quy định; ban hành và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (QLCL) phù hợp với TCVN ISO 9001:2015 của Thanh tra Chính phủ.

Ngoài ra các nội dung về cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công cũng được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực.

Tiếp tục tăng cường chỉ đạo, điều hành đối với công tác CCHC

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, trong quý IV/2023, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành đối với công tác CCHC, quan tâm đến chất lượng, hiệu quả, gắn trách nhiệm của Thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị trong việc triển khai các nhiệm vụ CCHC

Thanh tra Chính phủ cũng sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện dự thảo các Nghị định để trình Chính phủ ban hành như: Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành; Nghị định thay thế Nghị định số 50/2018/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ; Trình Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng cùng một số thông tư hướng dẫn thuộc thẩm quyền ban hành của Thanh tra Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Luật thanh tra năm 2022 và các nghị định hướng dẫn thi hành: tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tuyến tới các bộ, ngành, địa phương; tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ, Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, trang thông tin điện tử của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Trường Cán bộ Thanh tra… và tiếp tục tổ chức kiểm tra tại một số cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, đào tạo về việc thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào các cơ sở giáo dục, đào tạo. Tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm việc thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg trong phạm vi cả nước, kiểm tra việc thi hành pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân tại một số bộ, ngành, địa phương. Xây dựng báo cáo theo dõi thi hành pháp luật năm 2023, gửi Bộ Tư pháp.

Thanh tra Chính phủ cũng sẽ kiểm tra, giám sát, đôn đốc và đánh giá hiệu quả việc sử dụng nguồn kinh phí được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách nhà nước của Thanh tra Chính phủ. Tiếp tục thực hiện việc phân cấp, ủy quyền và tổ chức thực hiện trong quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng công nghệ thông tin, đấu thầu mua sắm và kiểm tra nội bộ tại Thanh tra Chính phủ theo quy định. Kiểm tra, giám sát về quản lý tài chính, tài sản đối với các đơn vị trực thuộc cơ quan Thanh tra Chính phủ theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và các quy chế, quy định của cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Đồng thời, tiến hành kiểm tra công tác CCHC đối với các cục, vụ, đơn vị theo kế hoạch; kiểm tra công tác CCHC đối với một số địa phương theo Kế hoạch của Thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ; Tổ chức tọa đàm sửa đổi Bộ Chỉ số của Thanh tra Chính phủ và một số nhiệm vụ khác./.

Đỗ Quyên
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra