Công tác phòng, chống tham nhũng có bước đột phá mới

Thứ năm, 14/09/2023 09:13
(ThanhtraVietNam) - Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2023, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, có bước đột phá mới, nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh PCTN, tiêu cực được quyết liệt triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh; qua đó đã góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành.

Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, năm 2023, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 8.150 văn bản; huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 1.938 văn bản về định mức, tiêu chuẩn, chế độ, chủ động và rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền, lĩnh vực quản lý. Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được tăng cường, đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, kể cả đối tượng là lãnh đạo quản lý cấp cao ở địa phương; việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được quan tâm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án 06/CP của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn quốc gia. Tích cực thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được duy trì; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tiếp tục được chú trọng.

Công tác PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước từng bước đi vào nề nếp. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã xây dựng, ban hành và thực hiện quy định về chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử nghề nghiệp. Một số cơ quan, tổ chức đã thực hiện việc công khai thông tin về các khoản đóng góp trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện kiểm toán các khoản thu, chi của tổ chức. Việc thực hiện công khai (công bố thông tin) của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được niêm yết trên thị trường chứng khoán đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và chặt chẽ hơn; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTN tại các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… bước đầu được quan tâm triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế và đều là những hạn chế không mới, đã tồn tại kéo dài qua nhiều năm nhưng Chính phủ vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Đó là, việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có nhiều cải thiện, nhất là ở địa phương; tình trạng vi phạm việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, vi phạm việc thực hiện quy tắc ứng xử diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tuy đã bước đầu phát huy được hiệu quả nhưng kết quả vẫn còn có những hạn chế; thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu…

leftcenterrightdel
Phiên họp  26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/9 . Ảnh:VOV

Đẩy mạnh phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng nêu rõ, năm 2023, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, xử lý toàn diện, nghiêm minh, bảo đảm đồng bộ giữa xử lý cán bộ (thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác) với kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, thi hành kỷ luật, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở có nhiều chuyển biến rõ rệt; hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh từng bước đi vào nề nếp. Các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã khởi tố mới 620 vụ án/1.749 bị can; đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 377 vụ án/997 bị can. Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết trong giai đoạn truy tố 591 vụ/1.640 bị can (trong đó án mới 538 vụ/1.499 bị can); đã giải quyết 503 vụ/1.296 bị can. Tòa án đã xét xử sơ thẩm 384 vụ/849 bị cáo về các tội tham nhũng; tuyên phạt tù chung thân 07 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 40 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 117 bị cáo; tù từ trên 3 năm đến 7 năm đối với 223 bị cáo; tù từ 3 năm trở xuống đối với 426 bị cáo. Cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến cán bộ cao cấp ở địa phương như Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc, Phó giám đốc sở, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp quận, huyện... (Quảng Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng, Hòa Bình, Thanh Hóa, Cao Bằng...).  

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, xử lý cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm. Đáng chú ý, việc phát hiện, xử lý tham nhũng được tiến hành đồng bộ, quyết liệt ở cả ở cấp Trung ương và địa phương, đặc biệt là ở cấp tỉnh; đồng thời với việc phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm như: Vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC); vụ án Nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Vụ án kít xét nghiệm Covid-19 Việt Á; các vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam..., cơ quan chức năng cũng đã quyết liệt đấu tranh, khởi tố đối với các vụ án tham nhũng, tiêu cực, “tham nhũng vặt” có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương; nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng xảy ra rất lâu từ trước đây cũng đã được khám phá, khởi tố, điều tra để xử lý như: Vụ án Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, rửa tiền xảy ra tại xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai; vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Dự án Tân Việt Phát 2, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; nhiều đối tượng là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm công tác PCTN, tiêu cực bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng. Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực, theo Báo cáo của Chính phủ, tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 1.738 tỷ đồng và 70.950,9 m2 đất; đã thu hồi trên 1.237 tỷ đồng và 28.822,6 m2 đất.

Qua thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp  đề nghị Chính phủ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm PCTN, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các yêu cầu của Quốc hội liên quan đến công tác PCTN, cụ thể như: Sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác PCTN, tiêu cực đối với bộ, ngành trung ương; xây dựng Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về PCTN, tiêu cực.../.

 

 

Đỗ Quyên
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra