Cù Huy Hà Vũ và những vụ kiện “chấn động”

Thứ hai, 08/11/2010 09:38
Việc Cù Huy Hà Vũ bị bắt giữ đã khiến nhiều người “giật mình”. Vị tiến sĩ luật này đã "nổi tiếng như cồn" sau nhiều vụ kiện gây “chấn động” dư luận.

Đêm 4/11, qua kiểm tra hành chính tại một khách sạn ở TP.HCM, công an phát hiện ông Cù Huy Hà Vũ (SN 1957, ngụ 24 phố Điện Biên Phủ, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội, là tiến sĩ luật) có hành vi quan hệ bất chính, đã lập biên bản, đưa về cơ quan CA làm việc.

Tại cơ quan điều tra, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều tài liệu trong máy tính của Cù Huy Hà Vũ.

Cơ quan ANĐT đã quyết định khởi tố bị can, bắt giam và khám xét khẩn cấp đối với ông Cù Huy Hà Vũ để điều tra về hành vi "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" (theo Điều 88 - Bộ luật Hình sự).

Cù Huy Hà Vũ, quê xã Ân Phú (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), là con trai của thi sĩ Huy Cận và là con nuôi của nhà thơ Xuân Diệu. Ông có bằng Thạc sĩ Văn chương của Pháp, bằng Tiến sĩ Luật ở Đại học Sorbonne, đồng thời cũng là một họa sĩ.

Tuy nhiên, phần nhân thân này không đủ làm Cù Huy Hà Vũ nổi tiếng bằng những vụ kiện “có một không hai”, khiến nhiều người “lắc đầu ngán ngẩm” cho rằng ông chơi ngông, đánh bóng tên tuổi.  

Kiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế

Tháng 5/2005, ông Cù Huy Hà Vũ, đã phát đơn khởi kiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về quyết định cấp phép đầu tư xây dựng dự án khách sạn Life Resort trên đồi Vọng Cảnh, một dự án rất được dư luận và báo chí quan tâm.

Dẫn giải với báo chí, ông Vũ cho rằng, đồi Vọng Cảnh là "di tích văn hoá bất khả xâm phạm" của Huế. Việc chính quyền đồng ý cho phép triển khai dự án xây dựng khu lịch ở đây là huỷ hoại thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú này... Vì vậy, dù không có quyền lợi và trách nhiệm liên quan nhưng ông Vũ vẫn quyết định đứng đơn khởi kiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để bảo vệ di sản văn hoá Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

Cuối cùng, vì nhiều lý do, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phải dừng dự án này lại.

Kiện album "Chat với Mozart" của ca sĩ Mỹ Linh

Năm 2006, ông Vũ lại tiếp tục khởi kiện kiện album "Chat với Mozart" của ca sĩ Mỹ Linh vì cho rằng “vi phạm quyền nhân thân” các tác giả nhạc cổ điển khi đặt tên và lời tiếng Việt cho các tác phẩm của họ trong album này.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo Công an nhân dân (ngày 26/1/2007), Cù Huy Hà Vũ cho rằng theo Luật Sở hữu trí tuệ, nhạc có hai loại: nhạc có lời và nhạc không lời.

"Nhạc người ta đang không lời, mình cải biên thành có lời là không được", và nhạc của Mozart "là đỉnh cao của âm nhạc. Người ta đang ở “cao”, mình kéo xuống “bình dân” là phá hoại văn hóa".

Tháng 4/2007, Cục Bản quyền Tác giả Văn học - Nghệ thuật sau đó đã có công văn cho rằng việc đặt tên và lời của nhạc sĩ Dương Thụ là không vi phạm tác quyền khi những tác phẩm này đã hết thời hạn bảo hộ và việc làm này được xem là "sáng tạo tác phẩm phái sinh", tức sử dụng các trích đoạn trong tác phẩm cũ để tạo ra tác phẩm mới.

Tự ứng cử chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin

Cũng trong năm 2006, ông Cù Huy Hà Vũ nộp đơn xin tự ứng cử chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Đây là điều chưa có tiền lệ ở Việt Nam, bởi ông Vũ là người ngoài Đảng.

Ông Vũ cho biết, việc tự ứng cử này là đúng luật: "Điều 53 Hiến pháp quy định, công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội... do đó tôi thấy mình hoàn toàn có quyền ứng cử vào vị trí bộ trưởng".

Trong khi đó, đại diện của Quốc hội và Bộ Tư pháp Việt Nam khẳng định việc tự ứng cử vào cơ quan hành pháp không có trong luật. Chỉ có Thủ tướng mới có quyền chỉ định các thành viên Chính phủ để Quốc hội phê chuẩn.

Kết quả, việc ứng cử chức Bộ trưởng của Cù Huy Hà Vũ đã không thành công.

Kiện quyết định của... Thủ tướng

Ngày 11/6/2009, ông Cù Huy Hà Vũ có đơn gửi Tòa án nhân dân TP Hà Nội khởi kiện Quyết định số 167/2007/QĐ - TTg ngày 1/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007 - 2015. Theo ông Vũ, dự án này đã vi phạm pháp luật Việt Nam, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ di sản văn hóa, Luật Quốc phòng, và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, ngày 19/6/2009, Chánh án TAND TP Hà Nội có quyết định không xem xét giải quyết đơn khởi kiện này của ông Cù Huy Hà Vũ. Nguyên nhân vì Tòa án không có căn cứ pháp lý để thụ lý và giải quyết đơn khởi kiện này. Thứ hai, Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được ban hành hoàn toàn đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của pháp luật Việt Nam. Thứ ba, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến bôxít là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Tranh chấp pháp lý quanh ngôi nhà của Xuân Diệu

Theo bài viết trên báo Tiền Phong (đăng ngày 29/3/2008) thì thi sĩ Xuân Diệu mất khá đột ngột vào ngày 18/12/1985, không có người thừa kế, cũng không để lại di chúc.

Ngôi nhà số 24 Điện Biên Phủ - Hà Nội có biển đề " Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ". Ảnh: CAND.com.vn.

Trong thư ngày 22/3/1996 gửi Văn phòng Chính phủ, nhà thơ Huy Cận khẳng định Cù Huy Hà Vũ là "cháu ruột và con nuôi" của Xuân Diệu, hi vọng Hà Vũ sẽ "giữ gìn, bảo quản di sản văn hóa, văn học của nhà thơ để lại".

Tác giả bài báo cho hay: Ông Cù Huy Cận (bố đẻ Cù Huy Hà Vũ), ông Ngô Xuân Huy (em trai của thi sĩ Xuân Diệu), bà Ngô Thị Xuân Như (em gái Xuân Diệu, mẹ đẻ Cù Huy Hà Vũ) trên thực tế họp thành một "chiến tuyến" bảo vệ cho Cù Huy Hà Vũ.

Tuy nhiên, các ông, bà trên đều đã qua đời, nay con và cháu các ông lại phải đối diện với một vụ tranh chấp pháp lý về sở hữu của ngôi nhà, khi UBND TP Hà Nội muốn lấy ngôi nhà làm "phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu".

Cù Huy Hà Vũ cho biết: "Bộ trưởng Văn hóa Thông tin đã chính thức công nhận tôi là người thừa kế nhà của nhà thơ Xuân Diệu thông qua việc cấp cho tôi vào ngày 13/2/1995 "Giấy chứng nhận đăng kí bản quyền tác phẩm" trong đó ghi rõ Chủ sở hữu bản quyền tác giả Xuân Diệu: Cù Huy Hà Vũ (Người thừa kế)!

Hiện nay, ngôi biệt thự số 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội vẫn là nơi cư ngụ của gia đình Cù Huy Hà Vũ.

Theo Bee.net

 



letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra