Nhiều ý tưởng hay từ những người có tâm
Hôm nay (ngày 19.3), Tỉnh ủy Đắk Lắk chính thức tổ chức hội nghị nghe ứng viên báo cáo chương trình hành động, triển khai thí điểm tuyển chọn chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk và Huyện ủy Buôn Đôn. 9 ứng cử viên sẽ chính thức trình bày trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk những ý tưởng hay, đột phá để phát triển địa phương nếu được lựa chọn giữ chức Bí thư Huyện ủy.
Trước đó, để có được chương trình hành động, các ứng cử viên đã có một buổi làm việc với Thường vụ Huyện Lắk, nghe các báo cáo về tình hình KTXH trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - ứng viên vào vị trí Bí thư Huyện Lắk cho biết, sau buổi làm việc, ông dùng ngay báo cáo về tình hình phát triển KTXH trong 5 năm vừa qua (2016-2020) của chính quyền để xây dựng chương trình hành động của mình.
“Trên cơ sở báo cáo, tôi xây dựng chương trình hành động gắn với đánh giá mặt mạnh, yếu cũng như cơ hội và thách thức của huyện. Từ thực tế trên, tôi đề ra nhiệm vụ và các giải pháp trên thực tế nhằm giúp địa phương phát triển” - ông Khoa nói và chia sẻ thêm, việc trình bày chương trình hành động trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy dĩ nhiên có một số áp lực nhất định. Tuy vậy, với kinh nghiệm công tác tại Sở KHCN, ông Khoa cũng tỏ ra tự tin trước khi bước vào kỳ ứng tuyển.
Tương tự, ông Hoàng Minh Cương - Hiệu trưởng trường Cao đẳng kỹ thuật Đắk Lắk khẳng định, đã chuẩn bị sẵn sàng trước ngày thi tuyển chọn chức danh Bí thư Huyện Lắk. Ông Cương cho rằng, tỉnh Đắk Lắk đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong công tác cán bộ. Cụ thể hóa Quyết định 205 của Bộ Chính trị trong kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, nhằm chống chạy chức chạy quyền. Tạo nhiều cơ hội cho các đối tượng cán bộ là lãnh đạo quản lý có đủ điều kiện, được tham gia dự thi một cách công khai, minh bạch.
“Chúng tôi đã được tiếp cận các tài liệu, văn bản của các vị trí được tuyển. Tiếp cận quy định để thực hiện chương trình hành động, và bắt tay ngay vào việc hiến kế giúp địa phương phát triển hơn” - ông Cương nói.
Khác với huyện Lắk, tiêu chí mà Tỉnh ủy Đắk Lắk đưa ra đối với ứng viên tuyển chọn chức danh Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn là ưu tiên những cán bộ người dân tộc thiểu số. Ứng viên Ra Lan Von Ga - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên cho rằng, việc tổ chức tuyển chọn chức vụ bí thư huyện công khai, minh bạch là điểm mới của Tỉnh ủy Đắk Lắk nói chung và riêng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường.
“Chính sự minh bạch trong quá trình tuyển chọn khiến nhiều ứng viên như chúng tôi tự tin đưa ra các chương trình hành động thiết thực, hợp lý nhằm giúp địa phương phát triển” - ông Ra Lan Von Ga chia sẻ thêm.
Hạn chế tiêu cực
Tiến sĩ Lương Hữu Nam, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk cho rằng, chủ trương thi tuyển để chọn người đứng đầu bên chính quyền đã được nhiều nơi tổ chức. Tuy nhiên, bên Đảng có thể nói đây là lần đầu Tỉnh Đắk Lắk tổ chức. Điều này thể hiện nhận thức mới trong cách làm với mong muốn chọn được người có năng lực lãnh đạo. Cũng theo tiến sĩ Lương Hữu Nam, việc tuyển chọn chức danh Bí thư huyện ủy thể hiện sự đột phá trong cách làm, đó là các ứng viên dự tuyển cạnh tranh bằng năng lực, bản lĩnh, trí tuệ để được xem xét, thực hiện các quy trình tiếp theo.
“Việc tuyển chọn này thể hiện quyết tâm của người đứng đầu và Ban Thường vụ Tỉnh ủy mong muốn tìm được người có phẩm chất, năng lực phục vụ tỉnh nhà. Xa hơn nữa, cách làm này góp phần ngăn chặn những hạn chế, tiêu cực trong công tác cán bộ từ trước đến nay” - tiến sĩ Nam nói.
Một lãnh đạo Huyện ủy Lắk bày tỏ, chủ trương tuyển chọn nhân tài của Đắk Lắk chắc chắn sẽ tìm được những người thật sự có tâm, có tầm để giúp địa phương phát triển. “Tôi tin rằng Đắk Lắk sẽ lựa chọn được bí thư huyện ủy mới giỏi lý luận và am hiểu tình hình thực tế của địa phương; các vấn đề chuyên sâu liên quan đến đồng bào dân tộc tại chỗ, tình hình phát triển kinh tế xã hội…” - vị lãnh đạo cho biết thêm.
Theo Báo Lao động