Ngày 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024.
Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháng 11 và 11 tháng năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 12; dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kết hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước và dự thảo Nghị quyết 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; và một số nội dung quan trọng khác.
Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, không để thiếu năng lượng; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; khắc phục hậu quả bão số 3, không để ai bị đói, rét, không có chỗ ở, người bệnh được chữa trị, học sinh được tới trường.
Cùng với đó, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nhất là xây dựng và hoàn thiện thể chế, thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác để kịp thời tháo gỡ những "điểm nghẽn", khó khăn, vướng mắc phát sinh, xóa bỏ cơ chế xin cho. Chuẩn bị phục vụ tốt kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội thông qua 16 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu 9 dự án luật. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 24 nghị quyết; Chính phủ đã ban hành 156 nghị định, 290 nghị quyết và 42 chỉ thị và nhiều quyết định khác.
Đẩy mạnh triển khai các dự án, công trình kết cấu hạ tầng chiến lược. Trình Trung ương và Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tập trung xử lý quyết liệt các dự án tồn đọng, kéo dài.
|
|
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024. Ảnh: VGP |
Tập trung sắp xếp, tinh gọn bộ máy, xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và đã ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Thúc đẩy khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp.
Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3; tăng cường quốc phòng, an ninh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Về kết quả kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2024, các báo cáo, ý kiến đánh giá cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều phục hồi, phát triển tốt. Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 2,3% so với tháng 10 và tăng 8,9% so cùng kỳ; tính chung 11 tháng tăng 8,4% (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,9%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 8,8%. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 đạt 50,8 điểm, thể hiện sản xuất, đơn hàng tiếp tục mở rộng.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng tăng 3,69%, kiểm soát lạm phát tốt dù tăng lương cơ bản và tín dụng tăng cao hơn so thời điểm 2023. Tỷ giá, lãi suất nhìn chung ổn định; dư nợ tín dụng tăng gần 12%. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt gần 8,5 triệu tấn, kim ngạch trên 5,3 tỷ USD, tăng lần lượt 10,6% và 22,3% so với cùng kỳ); cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.
Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn. Xuất khẩu 11 tháng tăng 14,4% (khu vực trong nước tăng 20%, khu vực FDI tăng 12,4%); nhập khẩu tăng 16,4%; xuất siêu trên 24,3 tỷ USD. Du lịch phục hồi mạnh. Khách quốc tế tháng 11 đạt 1,7 triệu lượt, tăng 38,8%; 11 tháng đạt 15,8 triệu lượt, tăng 41%.
Thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh. Tổng thu 11 tháng đạt 106,3% dự toán, tăng 16,1% (trong khi đã miễn, giảm, gia hạn 189,6 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí). Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước thấp hơn giới hạn quy định.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng đạt 60,43% kế hoạch. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng quy mô lớn được đẩy mạnh. Thu hút FDI là điểm sáng, tính chung 11 tháng đạt 31,4 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt 21,7 tỷ USD, tăng 7,1%, cao nhất trong nhiều năm qua.
Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Tính chung 11 tháng có 218.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Tập trung xử lý quyết liệt các dự án tồn đọng, kéo dài; trong đó đã báo cáo Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài, một số dự án đã có lãi.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm. Tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Trong tháng 11, có 96,2% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc, chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143.
Cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế "xin-cho", chuyển đổi số, Đề án 06 và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh. Chính trị-xã hội ổn định; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên.
Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Về phát triển bền vững, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng với thứ hạng tăng mạnh, từ 88/149 vào năm 2016 lên 56/166 năm 2024.
|
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 |
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến, hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; đồng thời hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ.
Cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá khái quát, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; nhìn chung 11 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, Thủ tướng chỉ rõ tình hình khu vực, quốc tế còn nhiều bất định, rủi ro; áp lực điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn; tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực khó khăn; khó khăn của thị trường bất động sảnchậm được giải quyết; đời sống một bộ phận người dân khó khăn…
Phân tích nguyên nhân của những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học từ thực tiễn: Theo dõi, nắm chắc, đánh giá đúng tình hình và có giải pháp, phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, nhất là với những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; coi trọng thời gian, trí tuệ, đổi mới sáng tạo, sự quyết đoán đúng thời điểm, trọng điểm là những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công.
Trong bối cảnh nguồn lực không dồi dào, thời gian có hạn, năng lực chưa cao nên phải chọn thứ tự ưu tiên cho công việc, trên cơ sở đó phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phân công công việc rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
Đề cập kết quả thu ngân sách tăng trong khi vẫn miễn giảm thuế phí, Thủ tướng nhấn mạnh bài học phải cởi trói để mở rộng cho sản xuất kinh doanh, khi sản xuất kinh doanh bung ra thì nguồn thu sẽ tăng. Do đó, phải mạnh dạn xây dựng, triển khai các chính sách với quan điểm nhìn xa, trông rộng, nghĩ lớn, làm lớn, hiệu quả tổng thể.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi". Các thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với tinh thần: "Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung"; "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả".
Về công việc từ nay đến cuối năm và đầu năm 2025, Thủ tướng cho biết chúng ta phải làm cùng lúc 3 nhóm nhiệm vụ lớn, trong đó có nhiều việc khó, phức tạp, nhạy cảm: Thứ nhất là tập trung tăng tốc, bứt phá, về đích năm 2024; thứ hai là tập trung sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thứ ba là tiến hành tổng kết công tác năm 2024 và xây dựng kế hoạch hoạt động của năm 2025.
Thủ tướng nêu rõ mục tiêu hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của năm 2024, trong đó, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt khoảng 7,5%, cả năm 2024 đạt trên 7%; giữ đà, giữ nhịp để tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng 2 con số./.