Dân số Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức

Thứ tư, 16/10/2013 14:18
(ThanhtraVietnam) – Trải qua hơn 50 năm, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng song vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.


Sáng ngày 16/10, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo “Một số định hướng chính sách dân số Việt Nam trong giai đoạn mới” nhằm cung cấp thực trạng về tình hình dân số ở Việt Nam, đặc biệt tập trung vào xu hướng biến động mức sinh ở Việt Nam trong 10 năm gần đây; một số kinh nghiệm ứng phó chính sách với sự thay đổi mức sinh của Hàn Quốc – quốc gia châu Á đã trải qua các thời kỳ mức sinh biến động tương tự Việt Nam.

 

Hiện nay, tốc độ gia tăng dân số của Việt Nam ngày càng giảm dần; mức sinh giảm mạnh và đạt được mức sinh thay thế với con số trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,03 con, ít hơn 3 lần con số cách đây 50 năm. Tuổi thọ bình quân của người dân tăng lên, từ 40 tuổi (năm 1960) lên đến 73 tuổi (năm 2012), sức khỏe bà mẹ và trẻ em được cải thiện đáng kể…

 

Những thành tựu trên về dân số góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Đồng thời, góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới.

 

Tuy nhiên, dân số Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn: quy mô dân số gần 90 triệu người (là quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á); tốc độ tăng dân số tuy đã giảm nhiều song quy mô dân số còn khá lớn, là nước nằm trong nhóm các nước có mất độ dân số cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, chất lượng dân số Việt Nam ở mức trung bình, tốc độ già hóa dân số nhanh, mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục tăng cao, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, sự bất bình đẳng giới vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để…

 

Bà Lâm Phương Thanh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, để từng bước giải quyết các thách thức, vấn đề mới đặt ra với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong giai đoạn tới, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, Việt Nam cũng rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Quỹ Dân số Liên hợp quốc.

 

Theo ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, Việt Nam cần phải có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để tập trung vào việc giải quyết những nhu cầu chưa được đáp ứng bằng việc đảm bảo tiếp cận phổ cập tới sức khỏe sinh sản và tình dục toàn diện, có chất lượng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng sa và ở những dân tộc thiểu số. Hơn nữa, dân số Việt Nam sẽ già hóa rất nhanh, chính vì vậy phải có biện pháp giải quyết thách thức này. Mặt khác, Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, do đó, phải đầu tư cho thanh niên trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội có chất lượng, bao gồm cả sức khỏe sinh sản, tình dục, giáo dục, đào tạo nghề và cơ hội việc làm có thể mang lại những lợi ích giúp phát triển bền vững./.

 

Hoàng Minh

 

 

nguyenthuhang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra