Lắng nghe để thấu hiểu
Để cụ thể hóa Quy định này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Quy định số 4581-QĐ/TU, ngày 03/5/2019 về trách nhiệm của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, đồng thời từ cấp huyện tới cấp xã cũng đã ban hành quy định tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân của người đứng đầu cấp ủy, từ đây ngày càng có nhiều cuộc đối thoại được diễn ra. Mỗi buổi đối thoại đã giúp cho người đứng đầu cấp ủy thấu hiểu mọi tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của Nhân dân làm cho mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Nhân dân với Đảng ngày càng bền chặt.
|
|
Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân theo định kỳ. |
Đồng chí Trần Đình Toản, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên cho biết: “Quan điểm chỉ đạo của các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, đặc biệt là của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân phải trên tinh thần chia sẻ, gần gũi, luôn lắng nghe để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, tiếp nhận thông tin, hướng dẫn, giải thích cho Nhân dân, chính vì thế có nhiều vụ việc đã được các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị giải quyết và trả lời cho người dân, tuy nhiên có những nội dung người dân chưa đồng tình còn băn khoăn, có đề xuất, kiến nghị thì lãnh đạo tỉnh vẫn tiếp và đối thoại với Nhân dân để tìm ra sự đồng thuận, chia sẻ, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân”.
Tính riêng trong năm 2022 và 06 tháng đầu năm 2023, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã tiếp 18 kỳ/293 lượt công dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng từ cấp huyện đến cấp xã tiếp công dân 528 lượt định kỳ/399 vụ việc (đã giải quyết 230 vụ việc, đang giải quyết 78 vụ việc, chuyển các cơ quan chức năng giải quyết 91 vụ việc). Số cuộc tiếp công dân của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các cấp là: 2.195 lượt công dân/1.872 vụ việc (gồm 1.422 lượt tiếp thường xuyên, 614 lượt tiếp định kỳ và đột xuất của thủ trưởng, 159 lượt ủy quyền tiếp).
Với phương châm “lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, Tỉnh ủy Phú Yên đã thành lập Đoàn rà soát, chỉ đạo việc thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân tại các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó Ban Nội chính Tỉnh ủy thành lập Tổ công tác nắm tình hình, tiến độ, kết quả giải quyết đơn của công dân theo kết luận, chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Có thể khẳng định, đây là những cách làm mới, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc “lắng nghe dân nói” và hiệu quả mang lại tương đối rõ nét, những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong đời sống Nhân dân kịp thời được giải quyết, những nút thắt từ chính sách, quy định của địa phương gây trở ngại cho người dân nhanh chóng được tháo gỡ....
|
|
Công dân phản ánh, trình bày kiến nghị, đề xuất trong buổi tiếp dân định kỳ tại tỉnh Phú Yên. |
Ra về sau buổi tiếp công dân định kỳ tháng 8/2023 của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, ông Trần Công Nhon, trú tại khu phố 1, phường Phú Thạnh, thành phố Tuy Hòa, chia sẻ: “Trước khi đến trụ sở tiếp công dân bản thân tôi rất lo lắng không biết các cấp chính quyền có xem xét, giải quyết cho mình không, nhưng quá trình diễn ra buổi đối thoại mọi lo lắng đã không còn bởi sự ân cần, lắng nghe, chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo, mọi tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc của người dân đều được tiếp thu, có chỉ đạo xử lý cụ thể từng trường hợp, tôi mong muốn trong thời gian tới lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm tới những ý kiến, đề xuất chính đáng của người dân”.
Chỉ khi người đứng đầu cấp ủy được nghe dân nói thẳng, nói thật, những “hạt sạn mâu thuẫn” mới được “nhặt” lên từ thực tiễn. Thường xuyên lắng nghe dân, thì sẽ nắm bắt và giải quyết kịp thời những bất cập, điểm nghẽn trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội, những mâu thuẫn nổi cộm trong đời sống Nhân dân, như: Ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng nông thôn mới, đền bù giải phóng mặt bằng... Như vậy, những bức xúc trong dân sẽ không thể tạo thành điểm nóng về an ninh chính trị.
Điển hình vụ việc xảy ra tại thị xã Đông Hòa năm 2021, khi nhận được đơn khẩn cầu đề tên tập thể của 75 người dân ở khu phố Nam Bình 1 và Nam Bình 2, phường Hòa Xuân Tây liên quan đến bãi rác công cộng gây ô nhiễm môi trường, với tinh thần cầu thị và lắng nghe ý kiến của Nhân dân, Thị ủy, UBND thị xã Đông Hòa đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa đồng chí Bí Thư thị ủy, đồng chí Chủ tịch UBND thị xã với người dân, nên đã tìm ra những điểm nghẽn, những mâu thuẫn cần phải giải quyết, kịp thời thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để chỉ đạo xử lý nhanh chóng hợp với lòng dân, được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.
Từ thực tiễn cho thấy, người đứng đầu cấp ủy cần phải xác định việc gặp gỡ, lắng nghe người dân trở thành nền nếp, chế độ thường xuyên và phải được làm thực chất, thực tâm trên tinh thần cầu thị, thân thiện, gần gũi, thì người dân sẽ sẵn sàng chia sẻ, thẳng thắn phản ánh ý kiến của mình, qua đó những vướng mắc, khó khăn đều được tiếp thu, xử lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, tạo được sự đồng thuận cao, mối quan hệ Nhân dân với Đảng ngày càng bền chặt.
Chỗ dựa vững chắc
Đại hội XIII của Đảng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh bài học: “Đảng phải thắt chặt mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã nhấn mạnh “Phát huy hơn nữa vai trò, sự tham gia của Nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương”.
Đồng chí Trần Thị Vân Anh, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên, cho biết: “Trong tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 218 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chính nhờ việc mở rộng dân chủ, làm tốt công tác tuyên truyền trách nhiệm của người dân tham gia xây dựng Đảng, mà ý thức trách nhiệm của Nhân dân đã được nâng cao, người dân tích cực tham gia góp ý bằng nhiều hình thức như: Góp ý định kỳ, góp ý thường xuyên, góp ý đột xuất. Về góp ý xây dựng Đảng, đã có 2.825 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với Nhân dân, 6.004 lần tham gia góp ý đối với tổ chức đảng, 2.337 lần tham gia góp ý đối với Đảng viên. Về góp ý xây dựng chính quyền, đã có 3.630 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với Nhân dân, 10.600 lần tham gia góp ý đối với cơ quan, tổ chức, 1.441 lần tham gia góp ý đối với cá nhân”.
Thực tiễn tại Phú Yên đã cho thấy, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để Nhân dân phát huy vai trò tham gia xây dựng Đảng là phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy dân chủ rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp ủy đảng về các chủ trương, đường lối, Nhân dân phát hiện những yếu kém, khuyết điểm của tổ chức Đảng và cá nhân cán bộ, đảng viên, nhất là phát hiện những tiêu cực như tham nhũng, lãng phí, để tố giác, cung cấp kịp thời thông tin cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều tra, xử lý, từ đó góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Lê Thị Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa, chia sẻ: “Để phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng cần phải thực hiện tốt công tác dân vận để tuyên truyền cho người dân nêu cao ý thức trách nhiệm tham gia xây dựng từ các chi bộ thôn, khu phố, cùng với đó tăng cường mở rộng thực hành dân chủ, công khai, minh bạch thông tin, tổ chức để Nhân dân tham gia thảo luận xây dựng phương hướng, nhiệm vụ công tác của địa phương, động viên Nhân dân tham gia giám sát hoạt động của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên hoặc Nhân dân tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng thông qua hoạt động đối thoại, tiếp công dân, tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và giải quyết những kiến nghị, phản ánh của Nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”.
Đến thôn Liên Trì 1, xã Bình Kiến, thấy không khí trong nhà văn hóa của thôn lúc này đang rất sôi nổi, dường như mọi người dân nơi đây đang thảo luận về một vấn đề nào đó, hỏi ra mới biết chi bộ đang tổ chức họp dân lấy ý kiến mọi người vào chủ trương xây dựng một số tuyến đường bê tông theo nghị quyết của Đảng bộ xã, cũng như chi bộ thôn đã đề ra.
|
|
Một buổi họp dân tại Thôn Liên Trì 1, xã Bình Kiến, TP. Tuy Hòa. |
Bà Nguyễn Thị Thu Sương, trú tại thôn Liên Trì 1, bộc bạch: “Ở thôn chúng tôi mỗi khi có việc quan trọng các anh chị trong chi bộ, rồi ở xã đều tổ chức công khai minh bạch chủ trương, đường lối, tiến hành họp dân để lấy ý kiến đóng góp, mọi người dân trong thôn rất phấn khởi và tin tưởng, vì mình thực sự được tham gia vào công việc của Đảng, của chính quyền, nên ai cũng cởi mở, thẳng thắn đóng góp, nhiều người còn mạnh dạn đưa ra cách làm hay để áp dụng trong thực tiễn, nhất là vào các dịp cuối năm, khi lấy nhận xét về đảng viên sinh hoạt nơi cư trú thì mọi người lại nhìn nhận những việc làm được, những việc tốt, trách nhiệm vì dân, vì địa phương của các đồng chí đảng viên hay những hạn chế, khuyết điểm tham gia góp ý giúp họ tiến bộ hơn”.
Trên tinh thần “tích cực, cầu thị, lắng nghe, hiệu quả, không hình thức”, cách làm của chi bộ thôn Liên Trì 1, xã Bình Kiến, đã minh chứng cho việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy dân chủ rộng rãi là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, để người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần quan trọng tham gia xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bên cạnh thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy dân chủ mạnh mẽ để Nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng thì cần phải quán triệt và thực hiện hiệu quả phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Phường 4 là một phường trung tâm của thành phố Tuy Hòa, địa phương đang triển khai nhiều dự án, công trình xây dựng, nhờ thực hiện hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, mọi hoạt động của cấp ủy Đảng và chính quyền nơi đây đều được công khai, tạo thuận lợi cho Nhân dân biết, Nhân dân bàn, Nhân dân cùng làm và kiểm tra, giám sát, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người dân tích cực tham gia xây dựng Đảng.
Đồng chí Nguyễn Lộc, Bí thư chi bộ, trưởng khu phố 6, cho biết: “Khu phố chúng tôi có dự án Đường Bạch Đằng giai đoạn 2 đi qua, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án thì Đảng ủy, UBND phường 4 đã mời toàn bộ những hộ gia đình của khu phố nằm trong diện đền bù, giải tỏa đến họp dân để công khai về dự án, lấy ý kiến tham gia góp ý, nguyện vọng của Nhân dân trong đền bù, giải phóng mặt bằng, khi đã thống nhất thì chính quyền và Nhân dân cùng thực hiện, thông qua các Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban Thanh tra Nhân dân thay mặt cho Nhân dân để giám sát các dự án xây dựng, đặc biệt nhiều hộ dân trong khu phố trước đây cả gia đình gần 10 người ở trong một căn nhà cấp 4 có 22m2, nay được nhà nước quan tâm cấp cho khu đất mới cao ráo, rộng rãi hơn đó cũng thể hiện việc Nhân dân được thụ hưởng, hơn nữa khi tuyến đường làm xong thì người dân trong khu phố sẽ được hưởng thụ những lợi ích khác”.
Cùng với cách làm thực chất, có chiều sâu, luôn đặt quyền lợi của người dân vào vị trí trung tâm của cấp ủy, chính quyền phường 4 đã phát huy tinh thần trách nhiệm của mọi người dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, mục đích cuối cùng hướng tới là người dân được thụ hưởng mọi thành quả của sự đổi mới và phát triển.
Tâm sự với chúng tôi, ông Võ Văn Chăm, trú tại Khu phố 6, phấn khởi nói: “Việc các cấp chính quyền công khai thực hiện các dự án, công trình xây dựng để cho Nhân dân biết đã thể hiện trách nhiệm của Đảng với Nhân dân, mọi người dân đều vui mừng và tin tưởng, chúng tôi được tham gia góp ý, được trình bày nguyện vọng của mình, được tạo điều kiện tham gia giám sát, kiểm tra các công trình và khi các công trình được xây dựng xong thì người dân chính là những người được hưởng thụ, nên tôi rất tin tưởng vào Đảng”.
Củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân tham gia xây dựng Đảng có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, để xây dựng một Nhà nước của dân, do dân và vì dân, thì công tác xây dựng Đảng không chỉ là nhiệm vụ của Đảng mà cũng phải là trách nhiệm của Nhân dân.
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Yên, trong thực hiện nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân các cấp ủy đảng và mỗi đảng viên của tỉnh Phú Yên đã luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc” và xác định mọi sức mạnh đều bắt nguồn từ niềm tin của Nhân dân, củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Đồng chí cho rằng, mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều phải luôn xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu về đạo đức, lối sống, thực sự trách nhiệm với dân, gần gũi, sâu sát, giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân.
“Phải xác định làm tốt công tác dân vận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Có cách thức, biện pháp hiệu quả phát huy dân chủ rộng rãi, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để động viên Nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.”- đồng chí Nguyễn Ngọc, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Yên khẳng định.