Hạnh phúc của Nhân dân chỉ có được khi giành được độc lập dân tộc!
Quyền mưu cầu hạnh phúc là quyền con người. Trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ vào năm 1776 có đoạn: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Dưới ách áp bức của thực dân phong kiến, Nhân dân Việt Nam không hề có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Tình cảnh đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh khắc họa rõ nét trong tác phẩm “Đường Kách mệnh (1927) là “hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa”. Trong “Tuyên ngôn Độc lập” (2/9/1945), Người đã cũng chỉ rõ: “Chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều”.
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh (người đứng), người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tranh minh họa Hội nghị thành lập Đảng vào mùa Xuân năm 1930 của họa sĩ Phi Hoanh tại Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Việt Nam. |
Điều này cũng được biết qua hàng loạt tác phẩm văn học trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà tiêu biểu nhất là tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong bài thơ “Đất nước” cũng đã viết về đời sống cùng cực của Nhân dân ta dưới ách áp bức của thực dân phong kiến:
“Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da...”.
Không để Nhân dân Việt Nam mãi sống trong cảnh nô lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết chí xuất dương tìm đường cứu nước, cứu dân: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta” (1). Trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân của mình trong 30 năm, đi qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 quốc gia, Người đã nếm trải những thử thách khắc nghiệt. Nhưng Người đều vượt qua vì Người khẳng định: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân” (2).
Trong hai ngày 16 và 17/7/1920 trên báo Nhân đạo ở Pháp đã đăng “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin. Trong “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta” (3).
|
|
Đảng đem lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho Nhân dân |
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đúng dịp Tết Canh Ngọ. Kể từ đó, đúng như đánh giá của Người, “Đảng ta đã giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho Nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong” (4).
Mùa Xuân Tân Tỵ năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh phong trào cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Mừng Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc ta (1946), trong một bài thơ chúc mừng một tờ báo đăng trong số Tết, Người khẳng định:
“Tết này mới thực Tết dân ta,
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia.
Độc lập đầy vơi ba chén rượu,
Tự do vàng đỏ một rừng hoa,
Mọi nhà vui đón Xuân dân chủ,
Cả nước hoan nghênh phúc Cộng hòa
(Mừng báo Quốc Gia)
Hạnh phúc của Nhân dân chính là sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội
Với tinh thần “Suốt năm kế hoạch, định từ mùa Xuân”, thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm Quý Mão (1963) chỉ ngắn gọn nhưng súc tích bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa: “Mừng năm mới, Cố gắng mới, Tiến bộ mới, Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi”. Người vui mừng: “Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, mọi người đoàn kết, phấn khởi mừng Xuân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một cách giản dị, dễ hiểu: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc thì chủ nghĩa xã hội trước hết là làm cho Nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một cuộc đời hạnh phúc” (5) và “Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang” (6).
|
|
Đảng đem lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho Nhân dân |
Kể từ khi được thành lập, dìu dắt và rèn luyện bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, đem lại những thay đổi lớn lao cho đất nước Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Đặc biệt, tại cột mốc năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam là 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới vào năm 2021. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 ước tính tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người; tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.
Việt Nam hiện là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023) đại diện cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (7).
Hạnh phúc của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu xuyên suốt của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân” (8).
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.
Chú thích:
(1) Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Nxb. Trẻ - Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 14;
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 272;
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 127;
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 401;
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 17;
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 47;
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 294;
(8) Xem: https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam.