Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm

Thứ tư, 29/05/2024 07:23
(ThanhtraVietNam) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện về việc tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành giải phóng mặt bằng các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đúng kế hoạch.

Công điện nêu: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba khâu đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định mục tiêu cả nước đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông; làm tiền đề đến năm 2030 có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc.

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải và nhiều địa phương từ Bắc đến Nam được giao làm cơ quan chủ quản đã nỗ lực, cố gắng tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và đã hoàn thành các thủ tục để đang thực hiện thi công các dự án đường bộ cao tốc và đang triển khai các công việc để khởi công trong năm 2024 đối với các Dự án: Hòa Bình - Mộc Châu, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng,v..v…

leftcenterrightdel
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm. Ảnh: INT

Công tác giải phóng mặt bằng là công tác phức tạp, khó khăn do liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sinh kế của người dân; quá trình triển khai thường kéo dài và ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các địa phương đã thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân, thực hiện công tác dân vận để nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng, vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để giải quyết các khiếu nại, kiến nghị; lựa chọn vị trí và xây dựng các khu tái định cư với các điều kiện sinh sống tốt hơn và ít nhất bằng với nơi ở cũ; chăm lo đến đời sống, tạo sinh kế ổn định cho người dân sau khi nhường đất, nhà ở, ruộng vườn để xây dựng các dự án.

Chính vì vậy, sau 01 năm từ khi các dự án quan trọng quốc gia được thông qua chủ trương đầu tư và sau 06 tháng từ khi nhận được đầy đủ cọc giải phóng mặt bằng, các địa phương đã thực hiện thu hồi để bàn giao cho các chủ đầu tư dự án ít nhất trên 70% diện tích, đáp ứng đủ điều kiện để khởi công, đến nay nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, là một thành tích rất lớn so với triển khai các dự án ở giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải một số địa phương vẫn còn chậm trong triển khai ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Để hoàn thành các dự án trọng điểm đúng tiến độ đề ra, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, các đoàn thể chính trị xã hội chỉ đạo các tổ chức trực thuộc các cấp vào cuộc tích cực và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp để vận động nhân dân nơi có công trình dự án đi qua sẵn sàng bàn giao mặt bằng, thực hiện tái định cư.

Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bám sát các mốc tiến độ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, 02 dự án đường vành đai và 03 dự án cao tốc trục Đông – Tây trong quý II năm 2024; tăng cường làm việc trực tiếp với người dân, thực hiện công tác dân vận để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các quy định của pháp luật để giải quyết các khiếu nại, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân; phối hợp với các chủ đầu tư để ưu tiên giải phóng mặt bằng tại các vị trí là đường găng về tiến độ thi công như khu vực xử lý nền đất yếu, công trình cầu, hầm lớn, khu vực đường tiếp cận thi công.

Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai các thủ tục để sớm hoàn thành hồ sơ di dời đường điện cao thế; EVN đôn đốc các đơn vị thành viên ưu tiên tập trung nguồn vật tư, nhân lực để triển khai di dời các đường điện cao thế; rút ngắn thời gian phê duyệt phương án cắt điện để thực hiện di dời, nhất là tại các địa phương: Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng. Hoàn thành trước ngày 30/6/2024.

Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo và Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan trong hệ thống chính trị, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công điện này./.

H.T

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra