Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa ký Quyết định số 48/QĐ-BCĐCCHC ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo này (Quyết định số 48).
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Quyết định số 48 quy định, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phát huy trí tuệ tập thể của các thành viên; bảo đảm yêu cầu phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thành viên được pháp luật quy định.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đề cao trách nhiệm cá nhân trong hoạt động của Ban Chỉ đạo và trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân công; giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định của Quy chế này.
Ban Chỉ đạo làm việc theo các hình thức như tổ chức phiên họp định kỳ, cuộc họp đột xuất, hội nghị (trực tiếp hoặc trực tuyến), tổ chức các đoàn làm việc tại bộ, ngành, địa phương và cho ý kiến bằng văn bản.
Trưởng Ban Chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo; triệu tập, chủ trì các cuộc họp định kỳ, đột xuất và các hội nghị của Ban Chỉ đạo. Trong trường hợp cần thiết, uỷ quyền cho Phó Trưởng Ban giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của mình. Quyết định những vấn đề thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.
Về nhiệm vụ quyền hạn của các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Quyết định số 48 nêu rõ: Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Trưởng Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo, điều phối các hoạt động của Ban Chỉ đạo; thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì và điều phối hoạt động chung của Ban Chỉ đạo khi Trưởng ban vắng mặt hoặc được Trưởng Ban Chỉ đạo uỷ quyền; chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo theo sự uỷ quyền của Trưởng Ban Chỉ đạo.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ giúp Trưởng Ban Chỉ đạo điều phối các hoạt động của Ban Chỉ đạo; xem xét, giải quyết các công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo; thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì và điều phối hoạt động chung của Ban Chỉ đạo khi được Trưởng Ban Chỉ đạo uỷ quyền. Tổ chức các đoàn làm việc, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính; đánh giá, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo về sự phối hợp giữa các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính của Chính phủ.
Các Ủy viên Ban Chỉ đạo: Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ công tác và kết quả các nhiệm vụ được phân công. Tham gia công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; xem xét nội dung các đề án, dự án quan trọng về cải cách hành chính của Chính phủ, các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ có nội dung chủ yếu liên quan đến cải cách hành chính trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm
Cũng theo Quyết định số 48, Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm của Ban Chỉ đạo trình Trưởng Ban Chỉ đạo phê duyệt. Là đầu mối duy trì liên hệ giữa các thành viên Ban Chỉ đạo trong triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Bộ Nội vụ là đơn vị chuẩn bị nội dung và các điều kiện để tổ chức các cuộc họp, hội nghị và đoàn làm việc của Ban Chỉ đạo. Chuẩn bị các báo cáo, bài phát biểu và các tài liệu khác phục vụ các buổi làm việc của Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Đồng thời, xây dựng và ban hành kế hoạch làm việc của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các đoàn làm việc của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức về công tác cải cách hành chính.
Ban Chỉ đạo họp trực tiếp hoặc trực tuyến định kỳ 06 tháng/01 lần để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện tổng thể các nội dung, nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành của các thành viên Ban Chỉ đạo hoặc đánh giá chuyên sâu theo từng chuyên đề và xác định chương trình, kế hoạch công tác cho thời gian tiếp theo.
Khi có yêu cầu hoặc khi cần chỉ đạo theo từng chuyên đề, Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định họp đột xuất toàn thể Ban Chỉ đạo hoặc họp với một số thành viên Ban Chỉ đạo. Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định việc mời đại biểu không thuộc Ban Chỉ đạo tham dự các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.
Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trưởng Ban Chỉ đạo và các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất làm việc với các Ủy viên Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương để nghe báo cáo tình hình và chỉ đạo việc thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Các Ủy viên Ban Chỉ đạo được quyền giao đơn vị đầu mối chủ trì, huy động các nguồn lực và đội ngũ công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình trong thực thi nhiệm vụ được Trưởng Ban, các Phó Trưởng Ban giao; phối hợp với Ban Chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ; báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo về kết quả thực hiện. Đồng thời, có trách nhiệm định kỳ 01 quý/01 lần báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công; chịu trách nhiệm với thông tin, báo cáo, kết qủa thực hiện nhiệm vụ được phân công thuộc phạm vi quản lý./.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ được kiện toàn trên cơ sở Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ thành lập theo Quyết định số 200/1998/QĐ-TTg ngày 14/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ.
Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Các Ủy viên là lãnh đạo một số bộ, ngành.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách, sáng kiến và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Chính phủ; cho ý kiến về chương trình, kế hoạch cải cách hành chính dài hạn và kế hoạch hoạt động hằng năm của Ban Chỉ đạo do Bộ Nội vụ trình Chính phủ.
Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hoà, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính và một số nhiệm vụ khác.
|