Để đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Thứ hai, 13/01/2025 11:05
(ThanhtraVietNam) - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa thông tin tới toàn thể đảng viên trong cả nước về “Chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật để đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.

Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

leftcenterrightdel
 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh chủ trương của Đảng, Nhà nước và hệ thống văn bản pháp luật hiện nay về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được đề cập ở nhiều văn bản: Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 52, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 29, ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Qua đó tiếp tục khẳng định mạnh mẽ hơn nữa: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường; là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Nhấn mạnh về những mặt được, ưu điểm và những mặt hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn của hệ thống văn bản pháp luật hiện nay trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Hệ thống pháp luật hiện hành có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi về đầu tư, tài chính phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia vẫn còn một số hạn chế cơ bản: (1) Thiếu đồng bộ, thống nhất dẫn đến một số cơ chế khuyến khích, thúc đẩy trong những lĩnh vực này không phát huy được tác dụng; (2) Cơ chế đầu tư, tài chính cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự phù hợp, chưa khuyến khích thu hút đầu tư từ xã hội; (3) Cơ chế đầu tư, tài chính để triển khai hoạt động chuyển đổi số còn khó khăn, chưa được tháo gỡ kịp thời; việc phân bổ nguồn tài chính cho các nhiệm vụ, đề án, dự án có phạm vi quy mô quốc gia còn chậm và triển khai phức tạp, mất nhiều thời gian.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp về thể chế

Để khắc phục những hạn chế nói trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần thức hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá về thể chế để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nghị quyết 57 đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp với hơn 100 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có 16 nhiệm vụ đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách có thể coi là rất mới như: Phát triển ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật; đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; hình thành hạ tầng lưu trữ đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn xanh; xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn, hình thành ngành công nghiệp dữ liệu lớn của Việt Nam; xây dựng một số trường, trung tâm đào tạo tiên tiến chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo... trên cơ sở đó sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy về vị trí, vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức, quy trình thủ tục trong hoạt động xây dựng pháp luật. Các luật phải ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc Hội nhấn mạnh ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị tổng kết của Chính phủ năm 2024 vừa qua: Quản lý theo kết quả, cần loại bỏ cơ chế “xin - cho” và bao cấp; đổi mới phân bổ ngân sách dựa trên kết quả đầu ra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cơ chế quản lý khoa học phải tạo động lực đổi mới, sáng tạo như tinh thần “khoán 10” trong nông nghiệp.

Thứ ba, tổ chức hoàn thiện pháp luật phát triển khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thúc đẩy chuyển đổi số các hoạt động của các cơ quan nhà nước lên môi trường số, đặc biệt là hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh xây dựng, vận hành Quốc hội số, Chính phủ số, chính quyền số.

Thực tiễn đất nước ta đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết, Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng và Nhà nước. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về thể chế để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương: “Thời điểm hiện nay, đất nước ta đã đủ thế và lực, đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc; mọi cơ hội đang đến với chúng ta phải được nắm bắt kịp thời, nếu để vuột mất, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử và Nhân dân.”

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra