Để thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 02-CTr/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ

Thứ sáu, 26/05/2023 08:00
(ThanhtraVietNam) - Mới đây, ngày 19/5/2023, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động số 02-CTr/BCSĐ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có đề ra 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.

Chương trình nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW để phát huy sức mạnh của các cấp ủy đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đang viên, công chức, viên chức của cơ quan Thanh tra Chính phủ trong việc xây dụng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tuyên truyền, phổ biến và tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ; thực hiện nghiêm minh, nhất quán, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân qua hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: K. Dung

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động 02-CTr/BCSĐ, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ đã đề ra 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, cụ thể như sau:

Một là, tổ chức quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW, tuyên truyền sâu rộng các quy định pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Thanh tra.

Trong đó, tổ chức quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dụng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tổ chức tuyên truyền Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; tuyên truyền kết quả thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện chể chế về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Thanh tra.

Đặc biệt, xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Thanh tra; dự thảo Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2030. Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tổng kết thực tiễn công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ba là, hoàn thiện và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 50/2018/NĐ-CP ngày 09/4/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.

Rà soát, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch công tác hàng năm, quy định cụ thể nhiệm vụ của từng công chức, viên chức, xác định rõ trách nhiệm của công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo các công việc được thực hiện đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả; trên cơ sở đó đánh giá năng lực, tinh thần trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức một cách khách quan, khoa học.

Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, chuyên nghiệp, liêm chính, chí công, vô tư; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Quan tâm tạo điều kiện để công chức, viên chức được học tập, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Lãnh đạo đơn vị sắp xếp, bố trí công chức, viên chức trong đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo đúng người, đúng việc; sử dụng, bổ nhiệm cán bộ trên cơ sở đánh giá năng lực, trình độ, kết quả công việc và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Rà soát, thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động để tiến tới thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành Kết luận thanh tra theo yêu cầu của Nghị quyết số 45- NQ/BCSĐ của Ban Cán sự đảng Thanh tra Chính phủ; thực hiện nghiêm quy định về chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Thanh tra, Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; thực hiện việc kiểm tra, giám sát nội bộ, xây dựng nề nếp làm việc, xây dựng văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thanh tra; tổ chức kiểm tra việc chấp hành kỷ luật lao động của cơ quan, đơn vị; kiểm tra việc chấp hành nội quy cuộc họp, hội nghị, coi việc chấp hành kỷ luật lao động và nội quy cuộc họp, hội nghị là một trong những tiêu chí xếp loại thi đua, khen thưởng.

Để thực hiện được những nhiệm vụ, giải pháp trên, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng trong Đảng bộ Thanh tra Chính phủ nghiêm túc tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhận thức đẩy đủ, sâu sắc về tầm quan trọng của việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp gắn với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của cơ quan; xây dựng lộ trình triển khai thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với quyết tâm chính trị cao; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện, đồng bộ; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra