Đề xuất giảm số lượng các Bộ: Phải nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng

Thứ năm, 27/02/2020 14:14
Theo nguyên Thứ trưởng Nội vụ, cần nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng, có bước đi thận trọng trong việc giảm số lượng các Bộ trong cơ cấu tổ chức Chính phủ.

Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy gọn hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn là yêu cầu rất cấp thiết. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", nhiều địa phương, đơn vị đã tinh giản biên chế, tổ chức sắp xếp lại bộ máy và đạt được những kết quả tích cực, quan trọng bước đầu, như tiến hành sắp xếp lại đơn vị hành chính ở thôn, tổ dân phố, ở cấp xã, cấp huyện hay thí điểm hợp nhất một số Sở ngành.

Trong tương quan đó, có quan điểm cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu tiến tới rút gọn số Bộ, cơ quan ngang Bộ từ 22 xuống còn 20, đúng theo nguyên tắc Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Trao đổi về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, việc giảm số lượng các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được đặt ra từ lâu, nhưng hiện nay trở nên ráo riết hơn vì nhu cầu cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ phát triển.

leftcenterrightdel
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. 

Nếu như trước khóa XII, cơ cấu Chính phủ gồm 48 Bộ và cơ quan ngang Bộ, thì qua quá trình cải cách, dần dần đã sắp xếp lại các Bộ thành Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Cụ thể, từ khóa XII (2006-2011), khóa XIII (2011-2016) cho đến khóa XIV (2016-2021), cơ cấu tổ chức Chính phủ được giữ nguyên gồm 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.

“Trước kia, các cơ quan thuộc Chính phủ làm quản lý Nhà nước, nhưng lại không được phép xây dựng cũng như ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên phải đưa về các Bộ chuyên ngành, trở thành các Bộ đa ngành, đa lĩnh vực và giảm bớt cơ quan thuộc Chính phủ. Kết quả bước đầu đã gọn được một bước nhưng yêu cầu cần phải gọn hơn nữa” – ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết.

So sánh cơ cấu Chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới có quy mô dân số, quy mô nền kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần nhưng số lượng các Bộ, cơ quan ngang Bộ thường dao động ở con số dưới 20. Như ở Pháp chỉ có 8 Bộ, Nhật 11 Bộ, các nước lớn như Hoa Kỳ có 14 Bộ; Nga, Đức có 15 Bộ... Có nghĩa, không phải nước phát triển thì có nhiều Bộ quản lý, nước chậm phát triển sẽ ít Bộ hơn.

Ghi nhận việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức Chính phủ từ các khóa trước là một cuộc cách mạng lớn, song ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng các bước đi chưa thực sự căn cơ. Bởi sắp xếp, tổ chức lại nhưng chưa đi liền với việc điều chỉnh sâu về chức năng, cấu trúc bên trong nên bộ máy vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính còn cao.

Cụ thể, cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn phổ biến theo mô hình truyền thống, gồm Tổng cục, Cục, Vụ, văn phòng, thanh tra. Trong Tổng cục cũng tổ chức Cục, Vụ, văn phòng, thanh tra.... tạo nên mô hình “Bộ trong Bộ”, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của cơ quan quản lý.

Từ những phân tích trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đề xuất giảm số lượng các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, song phải nghiên cứu một cách thấu đáo, kỹ lưỡng, phải có bước đi thận trọng, tránh tình trạng bị động, lúng túng sau này.

Theo ông Dĩnh, cần tiếp tục rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các Bộ ngành, đồng thời nghiên cứu hợp nhất một số Bộ có chức năng gần nhau, đối tượng và phạm vi quản lý liên quan đến nhau để đảm bảo đúng nguyên tắc việc chỉ do 1 Bộ chủ trì và không có việc nào không có Bộ phụ trách.

Cùng với đó nghiên cứu các giải pháp quyết liệt để đổi mới việc sắp xếp, tái cấu trúc tổ chức bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian. Tập trung xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, phục vụ nhân dân,  bằng các hành động cụ thể như xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho người dân và doanh nghiệp phát triển ngày một tốt hơn, đồng thời tăng cường phân cấp xuống các địa phương.

“Sáp nhập các Bộ để tránh sự chồng chéo, không chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ. Song điều quan trọng hơn của Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ là phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước, cơ quan quản lý. Cái gì của thị trường thì phải để thị trường điều tiết theo quy luật, còn Nhà nước chỉ điều tiết bằng chính sách về an sinh xã hội, công bằng xã hội trong các đối tượng, các khu vực chứ không can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính” – ông Nguyễn Tiến Dĩnh nói.

Việc sắp xếp tổ chức để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế là việc làm khó, dễ nảy sinh tư tưởng, tâm tư trong nội bộ và cũng khó tránh khỏi sự đụng chạm. Theo ông Dĩnh, cán bộ, đảng viên cần thiết nêu cao tinh thần tự giác, tự nguyện, đặt lợi ích tập thể, tổ chức lên trên lợi ích cá nhân, nhất là những người chịu tác động bởi việc sắp xếp, thậm chí “cán bộ phải chấp nhận hy sinh trong tổ chức, sắp xếp lại bộ máy”.

Trong cuộc trao đổi với báo chí đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Chính phủ đang chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các bộ, ngành theo hướng tiếp tục thực hiện đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và hiệu quả tổ chức thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành. 

Tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số Bộ, ngành, nhất là những Bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: Ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch - đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…

Theo đó, trong năm 2020, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổng kết, đánh giá và đề xuất xây dựng cơ cấu Chính phủ khóa tới bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả./.


Theo VOV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra