Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch:

“Địa chỉ đỏ” hội tụ và lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ hai, 02/09/2024 09:00
(ThanhtraVietNam) - Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Người đã sống và làm việc 15 năm cuối đời (1954 - 1969) - quãng thời gian lâu nhất trong 79 mùa xuân và cũng là nơi Người đã trút hơi thở cuối cùng vĩnh biệt đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế.
leftcenterrightdel
 ThS. Lê Thị Phượng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tại Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương”, ngày 29/8/2024. Ảnh: K. Dung

Cách đây 55 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thế giới người hiền, để lại niềm tiếc thương vô hạn. “Thác là thể phách, còn là tinh anh” (1). Bác Hồ ra đi nhưng muôn vàn tình thân yêu để lại và dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã có một di sản văn hóa vô giá, đó tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là Khu Di tích về Người tại Phủ Chủ tịch.

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Khu Di tích) đã trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, “địa chỉ đỏ”, “địa chỉ thiêng liêng” hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Khu Di tích là một trong 10 di tích đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 1, năm 2009). Đây là Di tích quốc gia đặc biệt duy nhất trực thuộc sự quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là di tích nguyên gốc duy nhất về Bác, là một trong những di tích lớn nhất, có ý nghĩa quan trọng nhất trong các di tích lịch sử - cách mạng của Việt Nam nói chung và là di tích đầu hệ trong hệ thống di tích lưu niệm về Người trong cả nước nói riêng.

Trải qua bao thời gian và biến động lịch sử, di sản nơi ở và làm việc của Bác tại Khu Phủ Chủ tịch vẫn được bảo tồn nguyên trạng, an toàn tuyệt đối, hạn chế đến mức thấp nhất mọi tác động từ thiên nhiên và con người, đồng thời liên tục đón khách tham quan trong nước, quốc tế đến tham quan, học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
 Các bạn trẻ nô nức vào thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: K. Dung

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, “địa chỉ đỏ” hội tụ sâu sắc những giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách của người Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc nhiều nơi nhưng Khu Phủ Chủ tịch Hà Nội tại thủ đô Hà Nội có niềm vinh dự, tự hào là nơi gắn bó lâu nhất của Người - 15 năm cuối cùng của trọn một đời vì nước vì dân.

Trong 15 năm đó, Người đã cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam và lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Người đã có nhiều hoạt động ngoại giao thúc đẩy tình đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế, các lực lượng hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới, đưa cuộc đấu tranh của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nâng vị thế và uy tín của dân tộc ta lên một tầm cao mới.

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ngày 2/9/1969, quần thể di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hình thành trong khu vực Phủ Chủ tịch. Quần thể Khu Di tích bao gồm 13 nhà di tích; 1738 tài liệu, hiện vật vốn có thuộc các nhà di tích; 07 di tích ngoài trời cùng 50 cây di tích là những cây Bác đem về trồng hoặc trực tiếp chăm sóc. 

leftcenterrightdel
 Nơi đây là "địa chỉ đỏ" giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và nhiều bài học có giá trị nhân văn sâu sắc. Ảnh: K. Dung

Trải qua 55 năm, Khu Di tích vẫn lưu giữ dấu ấn lịch sử văn hóa sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà sàn Bác Hồ mang tính biểu tượng của quốc gia, dân tộc, biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế, đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam và bạn bè thế giới. Di tích H67, ngôi Đền thiêng giản dị vẫn luôn ấm áp niềm tin sâu sắc của hàng triệu trái tim người con đất Việt.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đến thăm đã đánh giá: “Đến đây là để học tập, tưởng nhớ lại, ghi nhớ lời dạy của Bác, cố gắng rèn luyện, tu sửa đạo đức, xem xét lại những việc gì đúng, việc gì sai, cái gì không đúng với lời dạy của Bác, để ngày càng cố gắng, hoàn chỉnh bản thân. Phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (2).

Khu Di tích đã và đang thực hiện hiệu quả song song hai nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng giao phó đó là: bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch như sinh thời Người sống và làm việc; phát huy hiệu quả di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch.

Trong đó, nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng di tích là nhiệm vụ chính trị cốt lõi; phát huy giá trị di tích là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Nét độc đáo của Khu Di tích ở chỗ: Sự cao cả được biểu hiện qua những điều giản dị, khiêm nhường.

leftcenterrightdel
 Các em nhỏ hò reo vỗ tay gọi cá tại khu vực Ao cá Bác Hồ. Ảnh: K. Dung

Khu Di tích không có những công trình đồ sộ, hoành tráng gây choáng ngợp mà là những khuôn viên bình dị, thân quen, tuy quy mô và kiến trúc không lớn nhưng lại ẩn chứa những phẩm chất trí tuệ, tư tưởng, phong cách cao đẹp của một bậc vĩ nhân. Nơi đây một vĩ nhân đã sống và khi chạm vào bất cứ đâu, nhìn ngắm bất cứ khung cảnh nào, ở đó tất lẽ có một câu chuyện lịch sử sâu sắc, lắng đọng.

Nơi đây lưu giữ vĩnh viễn hình bóng, ký ức về vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, một nhà văn hóa kiệt xuất của thế giới, một chiến sĩ cộng sản quốc tế, một người bạn thủy chung của nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hòa bình.

Trải dài suốt 15 năm đặc biệt quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả di sản vật chất từ ngôi nhà, vật dụng đến cảnh quan hàng cây, con đường, ao cá … cùng những di sản tinh thần sâu sắc, phong phú Người để lại đã hội tụ thành một “trường ký ức lịch sử - văn hóa” đầy đủ, nguyên gốc, có thể khẳng định là hiếm có trong hệ thống các di tích, lưu niệm về Người.

Trong loạt bài “Di sản của Hồ Chí Minh” đăng trên tờ World Daily (Mỹ), số ra ngày 20/9/1969 có đoạn: Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong thời đại mà cuộc đời và các tác phẩm còn sống mãi. Nhà lãnh đạo Việt Nam vĩ đại này đã để lại một di sản tinh thần thôi thúc ý chí mọi người và thúc đẩy những hành động lớn lao trong sự nghiệp tự do và chủ nghĩa cộng sản!” (3). Tại Khu Di tích, những di tích tài liệu hiện vật như Nhà 54, Nhà sàn, Nhà 67, đôi dép cao su, ghế xích đu, chiếu cói, ao cá, vườn rau, cây xanh, ngọn cỏ, sân vườn, đồ dùng hằng ngày như vẫn lưu giữ hơi ấm tình thương của Bác.

leftcenterrightdel
 Những bông hoa nước như reo vui nhảy múa đón chào từng đoàn khách về thăm Bác. Ảnh: K. Dung

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - nơi điển hình hội tụ tình cảm của đồng bào, đồng chí, của bạn bè thế giới và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nhận rõ ý nghĩa lịch sử đặc biệt của nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, Đảng, Nhà nước ta đã chủ trương bảo quản và phát huy giá trị Khu Di tích đối với việc giáo dục đạo đức cách mạng cho những thế hệ người Việt Nam.

Trong thời gian chưa mở cửa chính thức, Khu Di tích đã đón tiếp một số đoàn khách đặc biệt. Đó là những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong sản xuất, chiến đấu và học tập. Đặc biệt, các đơn vị bộ đội trước ngày lên đường vào Nam chiến đấu đã được tổ chức vào thăm nơi Bác sống và làm việc để hiểu sâu sắc hơn tình cảm của Bác đối với đồng bào miền Nam và quyết tâm chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thỏa lòng mong ước của Người.

Ngoài các đoàn khách trong nước còn có một số đoàn khách quốc tế được vào thăm “nhà của Bác”. Với tình cảm sâu nặng đã đi vào tiềm thức của cả dân tộc thì niềm mong mỏi được đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch dường như trở thành một nhu cầu tự nhiên, bắt nguồn từ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Đúng vào kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất nước nhà, Khu Di tích chính thức được mở cửa đón tiếp đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và học tập.

leftcenterrightdel
 Đồng bào lần lượt vào thăm nhà sàn Bác Hồ. Ảnh: K. Dung

Đối với quốc gia, Khu Di tích đã trở thành địa chỉ đỏ, địa chỉ thiêng liêng để giáo dục nhân dân về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, về truyền thống lịch sử văn hóa. Đối với quốc tế, Khu Di tích trở thành nơi đáp ứng tình cảm, lòng mong mỏi và ngợi ca của bạn bè năm châu, khi nghĩ đến Việt Nam là nhớ đến Bác Hồ.

Những con đường trong Khu Di tích tuy không còn đón bước chân của Bác mỗi ngày nhưng đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế vẫn theo lối sỏi quen đến thăm nơi ở và làm việc của Người. Trong 55 năm qua, gần 90 triệu đồng bào trong nước và khách quốc tế từ khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ đã tới Khu Di tích tham quan, học tập.

Khu Di tích đã thực hiện tốt công tác phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, góp phần triển khai hiệu quả các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (bắt đầu từ Chỉ thị số 23, 06, 03, 05 đến gần đây nhất là Kết luận 01) và Kết luận về việc tiếp tục tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với cộng đồng quốc tế.

Qua thống kê cho thấy 70-80% các đoàn ngoại giao cấp cao đến Hà Nội đã đến thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Khu Di tích đã được lãnh đạo Bộ Ngoại giao đánh giá thực sự là “điểm đến”, “điểm nhấn” trong quan hệ ngoại giao cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Ngày 18/02/2022, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu - Frans Timmermans đã ghi lại cảm xúc khi đến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch: “Thật khó có thể tin là tôi lại được ngồi đây cạnh chiếc bàn Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ngồi. Nơi này thực sự truyền cảm hứng vì nó phản ánh sự khiêm tốn và những cống hiến không mệt mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho dân tộc Việt Nam và tương lai của đất nước mình” (4).

Trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước như 30/4, 1/5, 19/5, 2/9, Khu Di tích đón hàng chục nghìn khách tham quan, có ngày cao điểm lên đến khoảng 30.000 khách. Khu Di tích đã chủ động phối hợp xây dựng chuỗi chương trình sinh hoạt chính trị với các cơ quan Trung ương và Thành ủy Hà Nội để tiếp tục khẳng định vị thế là di tích đầu hệ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, là “địa chỉ đỏ”, “địa chỉ thiêng liêng” hội tụ và lan tỏa các giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, để kịp thời chuyển mình theo xu hướng chuyển đổi số, Khu Di tích tích cực nghiên cứu thực hiện chương trình giáo dục trải nghiệm. Website của Khu Di tích được nâng cấp với nội dung phong phú, giao diện hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tăng khả năng tương tác với bạn đọc và đã có gần 21 triệu lượt truy cập.

Khi đến thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, mỗi người đều gặp nhau trong tình cảm, nhận thức rằng Bác Hồ của chúng ta đời đời sống cùng non sông đất nước, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Chúng ta tìm thấy trong cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách lưu dấu tại đây những điều mình hằng mong mỏi, những giá trị tinh thần mà mình thiết tha, những mục tiêu mà mình khao khát vươn tới.

Đến thăm Khu Di tích, đi giữa bốn bề xanh mát của cỏ cây, của rào râm bụt đỏ hoa quê, của hồ nước lặng sôi tăm cá, chúng ta thấy lòng trong sáng hơn và lời thề sắt son của cả dân tộc cách đây 55 năm trước anh linh Bác Hồ vẫn thúc giục chúng ta bền lòng vững bước “Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.

leftcenterrightdel
 ThS. Lê Thị Phượng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tại Lễ Kỷ niệm 55 năm ngày Bác đi xa, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: K. Dung

Cuối cùng, điều còn lại, sau dòng chảy của thời gian, chính là trầm tích văn hóa thấm sâu vào tâm thức cộng đồng và hiện hữu trong di sản. 55 năm nhìn lại, Khu Di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch vẫn mang hơi thở của sự sống, vẫn thấy sự hiện hữu lắng sâu của “đỉnh non cao tự giấu hình”, của “lòng Bác vậy vẫn thương ta”. Tập thể Khu Di tích luôn ý thức sâu sắc về niềm vinh dự, tự hào được phụng sự sự nghiệp vinh quang.

Đây không chỉ là công việc, là trách nhiệm, nghĩa vụ mà trên hết, trước hết đó là tình cảm kính yêu dâng lên Bác, là khát vọng nung nấu, là mong mỏi tha thiết được bảo tồn, giữ gìn tốt nhất di sản của Người và lan tỏa sâu rộng hơn muôn vàn tình thân yêu Người để lại nơi này.

Tình cảm của Người với đông đảo đồng bào trong nước, bạn bè quốc tế, đặc biệt là với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau như những lời lắng đọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói về Khu Di tích những ngày vừa qua: “Chúng ta càng cảm nhận sâu sắc một điều: Việt Nam - Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng không thể tách rời và Di tích quốc gia đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chính là một phần quan trọng không thể thiếu, làm cho biểu tượng ấy càng thêm sinh động và gần gũi”./.

Chú thích:

(1) Đại Thi hào Nguyễn Du;

(2) Tài liệu lưu trữ tại Khu Di tích;

(3) Chủ tịch Hồ Chí Minh trong con mắt người nước ngoài, Trang tin điện tử Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/1/2013;

(4) Trích sổ cảm tưởng của Khu Di tích.

ThS. Lê Thị Phượng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra