11 nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam
Theo Điều lệ mới, Hội Nhà báo Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội) có tên tiếng Việt là: Hội Nhà báo Việt Nam, tên tiếng Anh: Vietnam Journalists Association. Hội là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội. Hội đại diện quyền làm chủ, nguyện vọng, lợi ích hợp pháp của người làm báo Việt Nam, góp phần xây dựng báo chí Việt Nam thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và diễn đàn của Nhân dân. Hội tập hợp, đoàn kết, động viên người làm báo Việt Nam phát huy năng lực sáng tạo, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hội hoạt động trên phạm vi toàn quốc, trong lĩnh vực báo chí theo quy định pháp luật. Hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan về các lĩnh vực hoạt động của Hội và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hội tổ chức, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội.
Nhiệm vụ của Hội bao gồm 11 nhiệm vụ:
Thứ nhất, xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả theo quy định của pháp luật về báo chí, Điều lệ Hội và các quy định pháp luật có liên quan.
Thứ hai, tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật về báo chí; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Thứ ba, phản ánh, tư vấn, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển đối với báo chí và người làm báo, văn bản quy phạm pháp luật về báo chí.
Thứ tư, tổ chức giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ và công tác hội cho hội viên.
Thứ năm, đề nghị các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức Hội, hội viên.
Thứ sáu, Hội phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và cơ quan chủ quản các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương trong hoạt động báo chí theo quy định pháp luật; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí.
Thứ bảy, tham gia, phối hợp hoạt động báo chí với tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế có liên quan đến báo chí theo quy định pháp luật; hợp tác và tham gia các tổ chức báo chí trong khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Thứ tám, tham gia thẩm định sản phẩm báo chí và thực hiện các nhiệm vụ khác khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ chín, khen thưởng, kỷ luật tổ chức Hội, hội viên theo quy định pháp luật và Điều lệ Hội.
Thứ mười, tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để phục vụ hoạt động của Hội.
Thứ mười một, hằng năm, Hội Nhà báo Việt Nam báo cáo tình hình hoạt động của Hội với Bộ Nội vụ và bộ, ngành quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà hội hoạt động theo quy định pháp luật.
Điều kiện, tiêu chuẩn và nghĩa vụ của hội viên
Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam gồm: Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập theo quy định pháp luật, tán thành tôn chỉ, mục đích của Hội Nhà báo Việt Nam, tự nguyện xin vào Hội Nhà báo Việt Nam, được Hội Nhà báo Việt Nam xem xét, kết nạp.
|
|
Điều lệ mới của Hội Nhà báo Việt Nam tạo điều kiện tốt hơn để các hội viên hoạt động. Ảnh: Tràng An |
Người làm báo theo Điều lệ này là công dân Việt Nam hoạt động báo chí hoặc liên quan đến hoạt động báo chí theo quy định pháp luật, tán thành tôn chỉ, mục đích của Hội, tự nguyện xin vào Hội, chấp hành Điều lệ Hội và đáp ứng điều kiện và tiêu chuẩn sau có thể trở thành hội viên cá nhân của Hội Nhà báo Việt Nam:
Thứ nhất, đáp ứng 01 trong những điều kiện sau: Tham gia vào quy trình sản xuất thông tin trong cơ quan báo chí, thông tấn (phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, quay phim, biên kịch phát thanh - truyền hình, phát thanh viên; họa sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên tòa soạn); làm công tác nghiên cứu, giảng dạy báo chí; cán bộ cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; cán bộ chuyên trách tại cơ quan Hội Nhà báo Việt Nam và Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Liên chi hội nhà báo. Các đối tượng tại khoản 1 Điều này có thời gian công tác ở các cơ quan nói trên từ 02 năm trở lên. Trường hợp đặc biệt, do Ban Thường vụ Hội nhà báo Việt Nam xem xét, quyết định.
Thứ hai, hội viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Có quan điểm, lập trường chính trị đúng đắn, lý lịch rõ ràng; không vi phạm Luật Báo chí, Quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; trình độ học vấn: tốt nghiệp cao đẳng trở lên (trừ trường hợp hội viên đã được kết nạp trước khi Điều lệ này được ban hành). Trường hợp đặc biệt, do Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam xem xét, quyết định; hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, người làm báo.
Hội viên có các nghĩa vụ:
Thứ nhất, trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Thứ hai, chấp hành pháp luật, Điều lệ, Nghị quyết của Hội, Quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; hoàn thành các nhiệm vụ được giao; tích cực tham gia các hoạt động của Hội.
Thứ ba, hội viên sinh hoạt Hội theo Quy chế của Hội do Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam ban hành phù hợp với quy định pháp luật và Điều lệ Hội.
Thứ tư, đoàn kết, giúp đỡ hội viên và đồng nghiệp.
Thứ năm, bảo vệ uy tín của Hội, không được nhân danh Hội trong các quan hệ giao dịch, trừ khi được lãnh đạo Hội phân công bằng văn bản; không lạm dụng danh nghĩa hội viên để làm những việc trái pháp luật, Điều lệ Hội và các quy định khác của Hội; không tham gia các tổ chức trái quy định của pháp luật.
Thứ sáu, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Hội.
Thứ bảy, đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn theo quy định của Hội.
Thứ tám, thường xuyên rèn luyện, học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, kiến thức, phẩm chất và năng lực nghiệp vụ.
Điều lệ mới của Hội cũng quy định: Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam, có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản tại ngân hàng và kho bạc Nhà nước. Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Văn phòng và nhân sự chuyên trách công tác Hội.
Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Liên chi hội, Chi hội Nhà báo thuộc Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cơ quan báo chí ở địa phương có 70 hội viên trở lên thành lập Liên chi hội Nhà báo thuộc Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; dưới 70 hội viên thành lập Chi hội nhà báo thuộc Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc thành lập, giải thể, đình chỉ hoạt động Liên chi hội, Chi hội Nhà báo thuộc Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định báo cáo Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam.
Đối với cơ quan báo chí Trung ương, các cơ quan báo chí thuộc ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương có 100 hội viên trở lên và có nhiều chi hội được thành lập Liên chi hội Nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, chịu sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam và sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, cơ quan báo chí. Việc thành lập, giải thể, đình chỉ hoạt động của Liên chi hội Nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam do Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam quyết định.
Trong khi đó, Chi hội là tổ chức cơ sở của Hội, bao gồm Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, Chi hội trực thuộc Liên chi hội và Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Cơ quan báo chí (có giấy phép xuất bản của Bộ Thông tin và Truyền thông), cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, giảng dạy báo chí được Nhà nước công nhận, Văn phòng Hội nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có từ 03 hội viên trở lên và các Liên chi hội trực thuộc được thành lập Chi hội nhà báo.
Chi hội có các nhiệm vụ: Quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của tổ chức Hội cấp trên; tạo điều kiện để hội viên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, đạo đức và nghiệp vụ; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của hội viên; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Hội của hội viên, Quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam và những nhiệm vụ do tổ chức Hội phân công; phát triển hội viên theo quy định của Điều lệ Hội; thu, nộp và sử dụng hội phí theo quy định của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; xem xét tư cách hội viên, đề nghị Hội khen thưởng, kỷ luật hội viên và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Thư ký, Phụ trách công tác Kiểm tra.
Điều lệ mới cũng quy định, việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của Hội Nhà báo Việt Nam được Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam thông qua khi được quá nửa số đại biểu chính thức có mặt tại Đại hội biểu quyết tán thành. Điều lệ sửa đổi, bổ sung phải được Hội Nhà báo Việt Nam hoàn thiện đảm bảo phù hợp theo quy định pháp luật và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới có hiệu lực thi hành./.