Đồ án Quy hoạch Thủ đô: Tập trung phát triển hạ tầng giao thông

Thứ sáu, 29/03/2024 19:33
(ThanhtraVietNam) - Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực giao thông.

Ngày 29/3, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội đã thảo luận, xem xét thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đồ án). Với 92,55% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trình bày Tờ trình Quy hoạch Thủ đô, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Đồ án đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; là trung tâm kinh tế tài chính, trung tâm y tế hàng đầu cả nước. 

Hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

leftcenterrightdel
Hà Nội thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Thủ đô. Ảnh: ST 

Đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; là thành phố kết nối toàn cầu, Xanh - Thông minh - Thanh bình - Thịnh vượng; là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến.

Theo Đồ án, quy mô dân số thường trú của Hà Nội đến 2050 khoảng 13 - 13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người năm 2050 đạt khoảng 45.000 USD - 46.000 USD; Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80 - 85% vào năm 2050.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị. Cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).

Quy hoạch Thủ đô cũng nêu 5 vùng kinh tế - xã hội là: Vùng trung tâm, vùng phía Bắc sông Hồng, vùng phía Nam Thủ đô, vùng phía Tây Nam Thủ đô, vùng phía Tây Bắc Thủ đô; 5 vùng đô thị: Đô thị trung tâm, thành phố phía Tây, vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì, thành phố phía Bắc, đô thị phía Nam.

Trong quy hoạch, Thành phố đề xuất hệ thống đô thị Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn 2050 sẽ tổ chức theo mô hình: đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các chùm đô thị là trung tâm vùng và tiểu vùng kết nối với đô thị trung tâm. Tại mỗi khu vực phát triển đô thị, đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thông, tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội, nhất là yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dịch vụ giáo dục có chất lượng. 

Bên cạnh đó, Đồ án đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực giao thông. Thành phố sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu vượt sông Hồng để tăng cường kết nối các địa phương và giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc. Đồng thời, tập trung cải tạo các khu chung cư cũ, xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.

Đầu tư xây dựng các cầu qua Sông Hồng, Sông Đuống như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, các cầu trên vành đai 4,5… Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài. Đầu tư, khai thác không gian ngầm khu vực đô thị trung tâm phục vụ các tuyến đường sắt đi ngầm từ vành đai 3,5, kết hợp phát triển thương mại, dịch vụ.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, toàn bộ hoặc một phần cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trụ sở các cơ quan, đơn vị ra khỏi khu vực đô thị trung tâm. Xóa bỏ tình trạng các dự án đô thị chậm triển khai, các khu nhà ở đô thị mới xây dựng lên nhiều năm không có người ở, thiếu hạ tầng xã hội.

Theo Nghị quyết được thông qua, HĐND TP.Hà Nội giao UBND TP. Hà Nội tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội và ý kiến của đại biểu để hoàn thiện nội dung của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình cấp có thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật.

PV

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra