|
|
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ |
Tham mưu kịp thời, chính xác cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết khoa học, hiệu quả nhiều mặt công tác
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thanh tra năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã nhấn mạnh những kết quả đạt được của tình hình kinh tế - xã hội của nước ta năm 2024. Theo đó, năm 2024, nước ta đạt nhiều kết quả quan trọng, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đã được Trung ương, Quốc hội đặt ra.
Kết quả này có sự “đóng góp hiệu quả, tích cực của hệ thống Thanh tra” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ biểu dương và ghi nhận.
Năm 2024, mặc dù phải đảm nhiệm khối lượng công việc rất lớn, có nhiều nhiệm vụ, cuộc thanh tra giao đột xuất, nội dung phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu kịp thời, chính xác cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xử lý khoa học, hiệu quả nhiều lĩnh vực công tác. Trong đó có nhiều vấn đề khó, vấn đề tồn tại đã lâu chưa được giải quyết dứt điểm như việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo, các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra; phát hiện kịp thời các vi phạm về kinh tế và kiến nghị thu hồi trên 85 nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng…
|
|
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ. |
Cụ thể: Ngành Thanh tra đã triển khai công tác thanh tra theo chương trình kế hoạch và thanh tra đột xuất, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh tra công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực; nhất là đã tập trung hoàn thành một số cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi cả nước theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ; chú trọng và có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra, cơ bản khắc phục được tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.
Toàn ngành Thanh tra đã triển khai gần 7 nghìn cuộc thanh tra hành chính và gần 120 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế gần 160 nghìn tỷ đồng, gần 250 ha đất; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện gần 7 nghìn kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có gần 4,5 nghìn kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện.
Riêng Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra, đôn đốc 40 kết luận thanh tra, đã thu hồi về Ngân sách Nhà nước hơn 5,3 nghìn tỷ đồng, hơn 32 ha đất và xử lý khác về kinh tế gần 3 nghìn tỷ đồng. Căn cứ vào các kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, các đơn vị đã thực hiện việc kiểm điểm, xử lý hành chính đối với gần 400 tập thể, gần 1,5 nghìn cá nhân có liên quan; chuyển cơ quan điều tra 17 vụ; ban hành nhiều văn bản và trực tiếp đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra.
Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật; công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tiếp tục có chuyển biến tích cực.
|
|
Đồng chí Dương Quốc Huy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày báo cáo tổng kết công tác thanh tra năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025. |
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị Đề án 153 “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố”; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án 153.
Do đó, kết quả công tác thanh tra tiếp tục đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ đã tập trung chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Đặc biệt là tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc khiếu kiện đông người lên Trung ương và tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường.
Các cấp, các ngành có nhiều cố gắng, nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 85,4% cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra (85%), nhất là tỷ lệ giải quyết tố cáo (đạt 88,5%).
Kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần quan trọng trong việc củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngành Thanh tra đã tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đặc biệt là thực hiện “Chiến lược quốc gia Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030”; tăng cường công tác kiểm soát tài sản, thu nhập; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh các mặt công tác trụ cột, công tác xây dựng thể chế và xây dựng ngành Thanh tra đã hoàn thành kế hoạch, chương trình công tác của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ, không để nợ, đọng văn bản. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và bảo vệ bí mật nhà nước của công chức thanh tra; khẩn trương hoàn thành có chất lượng các nhiệm vụ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”;...
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nỗ lực, quyết tâm để tạo chuyển biến tích cực, toàn diện hơn
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thống nhất các nội dung chính, rất quan trọng mà Thanh tra Chính phủ đề xuất về việc tăng cường hơn nữa công tác thanh tra - đây là nhiệm vụ căn cốt; tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các kiến nghị của người dân; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đẩy mạnh xây dựng thể chế, xây dựng nội bộ, xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh.
Ngoài ra, chúng ta cần phải đổi mới tư duy, cần phải xác định kỹ hơn chức năng, nhiệm vụ của mình; rất cần thiết thanh tra phát hiện sai phạm, phát hiện tham nhũng, tiêu cực để xử lý nghiêm, qua đó giữ gìn kỷ cương, phép nước, để đảm bảo việc thực thi pháp luật, thống nhất, nghiêm túc trên phạm vi toàn quốc. Thông qua công tác thanh tra để phát hiện những sơ hở về cơ chế chính sách, tham mưu để hoàn thiện cơ chế chính sách.
Chúng ta xác định thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, cho nên qua thanh tra chúng ta phải làm được điều này, kết quả đó sẽ là “đột phá của đột phá” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình lưu ý.
Ngoài ra, Thanh tra là phải phục vụ, hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ; góp phần trong đánh giá cán bộ trong toàn hệ thống, giúp Đảng có cái nhìn đúng hơn về đội ngũ cán bộ;...
“Các chức năng này cần phải được thực hiện với hiệu quả và sự đầu tư như nhau để hướng tới mục tiêu cao nhất của hệ thống Thanh tra là duy trì kỷ cương phép nước, duy trì trật tự pháp luật trong đời sống xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 18, có hai việc rất quan trọng: Việc thứ nhất là chúng ta sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Việc thứ hai là lựa chọn cán bộ có chất lượng. Nhân dịp này, “chúng ta tổ chức lại hệ thống Thanh tra, làm sao để nâng cao hiệu lực, hiệu quả ngành Thanh tra” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình gợi mở.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng bày tỏ sự tin tưởng “với bề dày truyền thống tốt đẹp và sự nỗ lực, cố gắng, tận tụy của lãnh đạo, công chức, viên chức ngành Thanh tra, trong năm 2025 và thời gian tới, toàn Ngành sẽ tiếp tục phát huy và hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân đã tin tưởng, giao phó”.
Thực hiện được kỳ vọng này, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra sẽ đóng góp xứng đáng cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, để sớm hiện thực hóa được tinh thần chỉ đạo đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và nội dung mới nhất trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng trưởng 2 con số ngay từ năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực để đất nước chúng ta vươn lên mạnh mẽ, cất cánh trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình đi đến thịnh vượng, giàu mạnh./.