Đồng hành và phát triển vì nền kinh tế mạnh mẽ, bền vững

Thứ ba, 29/10/2024 19:00
(ThanhtraVietNam) - Chính phủ luôn bám sát, thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; cùng nhau đưa đất nước đến giai đoạn phát triển mới.

Ngày 29/10/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 496/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ tại buổi gặp mặt với đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Cuộc gặp gỡ này không chỉ đánh dấu 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, coi đây là động lực then chốt cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Buổi Gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nghiệp, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp

Trải qua hai thập kỷ từ khi Ngày Doanh nhân Việt Nam được khởi xướng, số lượng doanh nghiệp mới thành lập đã không ngừng tăng. Chỉ trong giai đoạn 2004-2023, hơn 1,88 triệu doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, phản ánh nhu cầu và nỗ lực phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế. Đặc biệt, năm 2023 ghi nhận số lượng doanh nghiệp mới đạt kỷ lục với 159.000 doanh nghiệp và dự kiến tiếp tục vượt qua con số này trong năm 2024. Đến nay, mật độ doanh nghiệp đang hoạt động tăng gần 8,4 lần, với 9,2 doanh nghiệp/1.000 dân vào năm 2023.

Doanh nghiệp Việt Nam hiện diện trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất, công nghệ đến dịch vụ, thương mại. Một số tập đoàn kinh tế quy mô lớn, như Viettel, PVN, Vingroup, và FPT, đã đóng vai trò tiên phong, góp phần nâng cao vị thế thương hiệu Việt trên trường quốc tế. Bằng những nỗ lực làm chủ công nghệ và sáng tạo, các doanh nghiệp này không chỉ tự chủ phát triển mà còn xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng hành và sẻ chia vì một nền kinh tế vững mạnh

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hay tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ xảy ra thường xuyên gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống cũng như phát triển kinh tế, xã hội của đất nước ta, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã và luôn nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, cùng nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh để duy trì hoạt động, duy trì công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân.

Kết luận của Thường trực Chính phủ chỉ rõ, với tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ", chúng ta hãy: "Cùng lắng nghe, thấu hiểu", "cùng sẻ chia tầm nhìn và nhận thức", "cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển", "cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào".

Chính phủ rất vui mừng, tin tưởng và tự hào về doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để phát triển lớn mạnh và trưởng thành, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng thể hiện vai trò, vị trí, tầm quan trọng của mình trong phát triển đất nước, trong sự nghiệp đổi mới, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế của đất nước.

Đoàn kết, thống nhất trong doanh nghiệp, doanh nhân, cùng nhau phát triển, cùng tiến bộ, cùng đóng góp cho đất nước, cho nhân dân.

Năm nhiệm vụ trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ đã xác định năm nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đầu tiên là kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

Thứ hai, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện, gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, y tế, giáo dục, văn hóa… để góp phần giảm chi phí logistics, tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị mới, khu dịch vụ mới.

Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

Thứ tư, hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, huy động mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển đất nước.

Thứ năm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự.

Năm tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp

Với tinh thần truyền thống và lịch sử hào hùng, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam được khuyến khích thực hiện năm tiên phong nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Thứ nhất, doanh nghiệp cần tiên phong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực), đặc biệt là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm…)

Thứ ba, tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, bảo đảm đủ năng lượng cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành nghề, doanh nghiệp.

Thứ tư, tiên phong xây dựng quản trị doanh nghiệp hiện đại để góp phần xây dựng quản trị đất nước thông minh, xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ.

Thứ năm, tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, góp phần vào phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Với tinh thần trách nhiệm, cùng sự hỗ trợ từ Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong công cuộc xây dựng xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, đến năm 2030 là nước công nghiệp phát triển, có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là nước thu nhập cao.

PV

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra