Ngày 10/3, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 (AEM hẹp 26), với nhiều nội dung quan trọng, dự kiến sẽ được rà soát, thông qua và tiếp tục triển khai trong Năm ASEAN 2020, do Việt Nam làm chủ nhà, trong đó bao gồm các ưu tiên của Việt Nam về nội dung kinh tế trong hợp tác ASEAN để báo cáo lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 (dự kiến được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 6-9/4/2020).
Hội nghị tham vấn có sự tham dự của các Bộ trưởng Kinh tế, các trưởng đoàn chuyên gia kinh tế cấp cao của 10 nước thành viên ASEAN và 9 quốc gia đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zeland, Hoa Kỳ, Nga và Canada), Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký ASEAN, cùng 10 thành viên ASEAN BAC.
Chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng” (Cohesive and Responsive) trong đó khái niệm “gắn kết (cohesive) phản ánh nhu cầu củng cố khối đoàn kết thống nhất của ASEAN, gia tăng liên kết và kết nối, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối tác với cộng đồng toàn cầu, và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN, trong khi khái niệm “chủ động thích ứng” (responsive) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo và khả năng thích ứng trước những thời cơ và thách thức gây ra do những chuyển biến nhanh chóng trong cục diện khu vực và thế giới. Đồng thời, chủ đề được lựa chọn cũng phù hợp với một số trọng tâm của kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) 2025 và chuyển đổi kỹ thuật số và phát triển bền vững.
ASEAN BAC thể hiện vai trò thúc đẩy kinh tế thế giới và góp phần xây dựng AEC thành một môi trường năng động và nhiều cơ hội thông qua các dự án như dự án tăng cường và phát triển con người ASEAN và dự án kết nối nền tảng thương mại số (AHEAD) (2020), Dự án kết nối thương mại số, Dự án kết nối tăng trưởng thông minh trong ASEAN, Nâng cấp mạng lưới tư vấn cho các doanh nghiệp ASEAN (AMEN).
Ngoài ra ASEAN BAC cũng có các sáng kiến đẩy mạnh thu hút đầu tư ASEAN thông qua thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp MSME tập trung vào các ngành cốt lõi (thương mại điện tử, du lịch, vận tải và logistis) và có chính sách cải cách xuyên suốt.
Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia xây dựng Cộng đồng AEC với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Thúc đẩy thực hiện các cam kết thành lập AEC luôn là một trong những ưu tiên cao nhất của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. ASEAN đã và đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26, ngày 8/3, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra phiên họp trù bị của các quan chức Kinh tế Cao cấp (SEOM) ASEAN với sự tham dự của đại diện các quan chức kinh tế cao cấp các nước, Ban Thư ký ASEAN, Cộng đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (BAC) và các khách mời quốc tế...
Bộ Công Thương với tư cách điều phối kênh hợp tác kinh tế của Việt Nam trong ASEAN đã chủ trì và điều hành hội nghị. Điểm nhấn của phiên họp SEOM trù bị là 13 ưu tiên do Việt Nam đề xuất trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ được đưa ra thảo luận tại AEM hẹp 26 trước khi thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm nay.
Để đảm bảo chuỗi sự kiện liên quan đến Hội nghị ASEAN tại Đà Nẵng diễn ra thuận lợi và thành công, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương Việt Nam đã siết chặt công tác đảm bảo an ninh, y tế tại Hội nghị.
Cụ thể, các đại biểu về tham dự các Hội nghị đều phải thực hiện tờ khai y tế. Trước khi qua cổng an ninh vào Hội nghị, tất cả các đại biểu, phóng viên báo đài đều được đo, kiểm tra thân nhiệt. Tại Hội nghị, Ban tổ chức bố trí nơi phát khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn để phục vụ cho các đại biểu nếu có nhu cầu sử dụng./.
Theo K.D/Dangcongsan.vn