Vi phạm quy định Luật Tiếp công dân năm 2013
Đối với việc chấp hành một số quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN, Thông báo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Số lượng các văn bản chỉ đạo điều hành về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN được UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành qua các năm chưa nhiều, nhất là giai đoạn 2010-2014. Các văn bản được ban hành mới chủ yếu là tiếp thu các quy định của pháp luật, chưa cụ thể hóa các quy định của pháp luật cho phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương để áp dụng đối với từng ngành nghề, lĩnh vực và điều kiện cụ thể. Ở một số Sở, ngành, huyện, thị, công tác ban hành văn bản chỉ đạo này còn chậm và chưa đầy đủ, nội dung còn đơn giản, kết quả thực hiện chưa đáp ứng so với yêu cầu.
Hơn nữa, việc ban hành văn bản hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của UBND tỉnh đối với đơn vị trực thuộc cũng chưa thường xuyên, việc giải quyết còn chậm, nhất là những vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp.
Đối với công tác tiếp công dân, Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh Lạng Sơn, các Sở, ngành và huyện, thành phố chưa được đảm bảo theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 64/2014/NĐ- CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ. Cụ thể, việc bố trí nơi tiếp công dân của một số đơn vị chưa đảm bảo điều kiện thuận lợi theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 18 Luật Tiếp công dân năm 2013 và Điều 10 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ; địa điểm tiếp công dân của một số đơn vị chưa được thực hiện theo quy định tại Điều 19 Luật Tiếp công dân năm 2013, như: Không niêm yết quy chế tiếp công dân; không niêm yết các quy định chủ yếu của pháp luật về khiếu nại, quyền và nghĩa vụ của người KNTC, kiến nghị, phản ánh, quy trình giải quyết.
Theo số liệu thống kê về tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc các Sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tại Thông báo Kết luận thanh tra cho thấy: Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì thực hiện tiếp 12/96 kỳ (12%); Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình 61/182 kỳ (33,5%); Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng 74/138 kỳ (53,6%); Chủ tịch UBND huyện Bình Gia 16/59 kỳ (27%); Chủ tịch UBND huyện Tràng Định 41/146 kỳ (28%); Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường 01/56 kỳ (0,17%) là vi phạm Khoản 5 Điều 12 và Khoản 5 Điều 13 Luật Tiếp công dân năm 2013.
Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ trong lần kiểm tra, rà soát công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư tại Lạng Sơn. Ảnh: Quang Huy
Đáng nói, Chủ tịch UBND huyện, Giám đốc sở không thực hiện việc tiếp công dân định kỳ theo quy định của Luật Tiếp công dân mà giao cho cán bộ tiếp công dân thực hiện là vi phạm Điều 61 Luật Khiếu nại năm 2011 và Khoản 2 Điều 18 Luật Tiếp công dân năm 2013.
Ngoài ra, việc ghi chép sổ sách tiếp công dân tại các huyện Hữu Lũng, Bình Gia, Tràng Định, Lộc Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Y tế chưa đầy đủ nội dung theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định về trách nhiệm của người tiếp công dân; Tổ xác minh ghi chép việc đối thoại với công dân trong quá trình kiểm tra, xác minh vào sổ tiếp công dân thường xuyên như Sở Công thương, Nội vụ là vi phạm Thông tư 06/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ.
Công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC ở một số Sở, ngành chưa được quan tâm đúng mức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả đạt được chưa cao.
Vi phạm về trình tự, thủ tục giải quyết KNTC
Theo Thông báo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, công tác phân loại, xử lý đơn thư và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết của các đơn vị tại Ban tiếp công dân thuộc UBND tỉnh chưa được thường xuyên, kết quả còn hạn chế.
Công tác xử lý đơn thư còn chưa đảm bảo theo quy định; việc mở số tiếp nhận, theo dõi đơn thư tại một số Sở còn chưa đúng mẫu; xử lý, phân loại đơn thư còn nhầm lẫn, chưa chính xác, nội dung tranh chấp đất đai phân loại là kiến nghị, như: huyện Lộc Bình, huyện Bình Gia; một số kiến nghị phân loại là khiếu nại như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đáng chú ý, trong giải quyết KNTC còn vi phạm về trình tự, thủ tục, như: Không có quyết định thành lập Tổ xác minh, hoặc giao nhiệm vụ xác minh tại một số vụ việc giải quyết khiếu nại (huyện Tràng Định, Bình Gia, Sở Tài nguyên và Môi trường); không có biên bản đối thoại (Sở Nội vụ); không có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh của người được giao xác minh (Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, TP Lạng Sơn) là vi phạm Thông tư số 06/2013/TT- TTCP và Thông tư số 07/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình giải quyết tố cáo và quy trình giải quyết khiếu nại hành chính.
Một số vụ việc KNTC tại TP Lạng Sơn, huyện Lộc Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường quá trình xem xét, giải quyết còn chậm, chưa đảm bảo thời gian theo quy định; chất lượng giải quyết một số vụ việc chưa cao, phải thu hồi quyết định giải quyết để giải quyết lại (huyện Lộc Bình).
Công tác lưu trữ hồ sơ giải quyết tại nhiều đơn vị chưa khoa học, hồ sơ chưa được lập danh mục và đánh bút lục đầy đủ theo quy định; việc tổ chức và theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận kiến nghị, quyết định giải quyết KNTC còn hạn chế, nhất là đối với cấp Sở, ngành.
Kế hoạch thanh tra chưa tách bạch rõ ràng giữa hành chính và chuyên ngành
Cũng theo Thông báo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, việc xây dựng kế hoạch thanh tra của UBND tỉnh Lạng Sơn còn chưa bám sát nội dung hướng dẫn của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành; việc xây dựng kế hoạch thanh tra chưa tách bạch rõ ràng cuộc thanh tra hành chính, cuộc thanh tra chuyên ngành theo Điều 3 Luật Thanh tra năm 2010; tại các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Xây dựng còn lồng ghép nhiều nội dung, hoặc chỉ xây dựng kế hoạch kiểm tra, không xây dựng kế hoạch thanh tra; các Sở Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và xã hội, Công thương, Tài chính có cuộc không thực hiện nhưng không đưa vào kế hoạch năm tiếp theo; các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, ban hành kế hoạch thanh tra chậm so với thời gian quy định tại Điều 36 Luật Thanh tra năm 2010.
Số lượng các cuộc thanh tra theo kế hoạch còn chưa nhiều, chưa chú trọng thực hiện các cuộc thanh tra hành chính đối với lĩnh vực được giao quản lý và thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, Chánh Thanh tra Sở, Chánh Thanh tra huyện chưa chủ động ban hành Quyết định thanh tra để thực hiện các cuộc thanh tra theo thẩm quyền được quy định tại Khoản 2 Điều 25 và Khoản 2 Điều 28 Luật Thanh tra mà vẫn trình thủ trưởng cơ quan quản lý ban hành các quyết định thanh tra theo kế hoạch.
Tại một số đơn vị, quá trình tiến hành thanh tra một số cuộc chưa thực hiện đầy đủ các quy định về trình tự thủ tục; tiến độ thực hiện còn chậm so với kế hoạch tiến hành thanh tra; thực hiện quá thời hạn thanh tra nhưng không có quyết định điều chỉnh; một số kết luận thanh tra ban hành chậm, không đảm bảo thời gian theo quy định tại Điều 50, Luật Thanh tra năm 2010 và Thông tư 05/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ, đặc biệt là cấp Sở, ngành. Việc mở sổ theo dõi thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ và Thông tư số 01/2013/TT- TTCP ngày 12/3/2013 của Thanh tra Chính phủ.
Bên cạnh đó, về công tác PCTN, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ một số Sở, ngành, địa phương như: Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch, Cục thuế, UBND huyện Hữu Lũng, UBND huyện Tràng Định, UBND huyện Bình Gia chưa ban hành quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp riêng của đơn vị theo quy định từ Điều 36 đến Điều 42 Luật PCTN; Điều 21 Thông tư 02/2012/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ; Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ Nội vụ.
Việc thực hiện kê khai tài sản thu nhập của một số đơn vị còn sai sót, như: Chưa có Biên bản bắt đầu niêm yết công khai (Sở Xây dựng); một số bản kê khai không đúng mẫu tại (Sở Công thương, Sở Xây dựng); một số bản kê khai nộp chậm tại (các Sở: Sở Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư); một số bản khê khai không có chữ ký của người nhận bản kê khai (Sở Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, huyện Tràng Định, huyện Bình Gia, huyện Hữu Lũng); ghi tổng thu nhập không đúng theo mẫu, có trường hợp không ghi, có trường hợp chỉ ghi thu nhập của mình mà không ghi thu nhập của người trong gia đình là vi phạm Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ…
Việc thực hiện các quy định về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao; đối với cấp huyện, cấp Sở việc chuyển đối còn ít, không đúng theo kế hoạch chuyển đổi, chưa đảm bảo quy định tại Điều 43 Luật PCTN và Nghị định 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ.
Nghiêm túc kiểm điểm khi không tiếp công dân đầy đủ
Từ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các Sở, ngành, huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, thanh tra và PCTN đã nêu trong kết luận thanh tra.
Trong đó, nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm về việc Chủ tịch UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các Sở, ngành không thực hiện tiếp công dân đầy đủ theo quy định giai đoạn 2010-2017, đặc biệt Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn căn cứ tình hình thực tế để bố trí Trụ sở Tiếp công dân tỉnh và các đơn vị được thuận lợi; tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác tiếp công dân, nhất là công tác tiếp dân tại các cấp huyện, xã; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC và thanh tra để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc KNTC ngay từ cơ sở, không đế khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp trên địa bàn./.
Minh Nguyệt