Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Thứ tư, 24/11/2021 14:41
(ThanhtraVietNam) – Sáng 24/11/2021, tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội), Bộ Chính trị - Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu T.Ư (tại Nhà Quốc hội) đến 63 tỉnh, thành và mở rộng đến các xã, phường, thị trấn.​​​​​

Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Võ Văn Thưởng; cùng 600 đại biểu gồm lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo các Ban Đảng T.Ư, các bộ, ngành; văn nghệ sĩ và đại diện lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội...  

leftcenterrightdel
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày báo cáo “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Đảng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; công tác nghiên cứu lý luận về xây dựng và phát triển văn hóa có nhiều kết quả. Cán bộ, đảng viên đã ý thức hơn trách nhiệm nêu gương của mình trong xã hội.

Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tính tích cực xã hội của nhân dân về cơ bản được phát huy. Các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh. Các tầng lớp xã hội quan tâm hơn đến giáo dục con người toàn diện ngay từ tuổi ấu thơ, ở từng cấp học; kết hợp dạy chữ, dạy người, dạy kỹ năng, giáo dục nghệ thuật, năng lực cảm thụ thẩm mỹ với rèn luyện thể chất, góp phần nâng cao trí tuệ, cải thiện tầm vóc con người Việt  Nam.

Dân chủ xã hội từng bước được mở rộng và phát huy cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu đã làm cho con người Việt Nam đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo hơn, có nhiều cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. 

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản; đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa.

Quy chế dân chủ ở cơ sở với việc xây dựng quy ước văn  hóa được quan tâm hơn trong quá trình triển khai thực hiện. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực.

Nền văn học, nghệ thuật của nước nhà khởi sắc, tiếp nối dòng tư tưởng chủ đạo là chủ nghĩa yêu nước, dân tộc, dân chủ, nhân văn, phản ánh chân thật đời sống của nhân dân; đấu tranh lên án, đẩy lùi cái xấu, cái ác, những lai căng, lạc lõng; ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, thành tựu công cuộc đổi mới…

Báo chí, truyền thông, xuất bản là vũ khí tư tưởng, văn hóa sắc bén của Đảng, Nhà nước tích cực tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay...

leftcenterrightdel
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày báo cáo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là việc làm có rất nhiều ý nghĩa về nhiều phương diện.

Theo Tổng Bí thư, nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ. Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa.

Tổng Bí thư cho biết, từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn.

Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới, theo Tổng Bí thư, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc.

Những thành tựu nổi bật cần khẳng định là nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, theo Tổng Bí thư, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục.

Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.  

Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. 

Tổng Bí thư cho biết, những hạn chế, khuyết điểm nêu trên là do trong công tác lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về đường lối văn hóa của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa chậm được đổi mới, chưa thích ứng kịp thời với sự vận động và phát triển văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư yêu cầu khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam.

Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

leftcenterrightdel
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ

Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam theo phương hướng nói trên, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đối với công tác quản lý nhà nước, cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả trung ương và địa phương.

Bên cạnh việc tập trung nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, cần phải chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay.

Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại.

H.T

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra