Khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra

Thứ tư, 26/10/2022 09:31
Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đặt ra tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), sáng 25/10.

Làm rõ cơ chế xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra

Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh), thanh tra chuyên ngành đã được đề cập tới ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, có sự chồng chéo giữa pháp luật về thanh tra và pháp luật chuyên ngành. Phần lớn các luật chuyên ngành đều có phần đề cập đến thanh tra chuyên ngành, quy định rõ mục đích, khái niệm, nội dung thanh tra chuyên ngành.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ chế định thanh tra chuyên ngành trong luật thanh tra để thống nhất điều chỉnh hệ thống thanh tra chuyên ngành trên toàn quốc thuộc mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Theo đại biểu, thực tế hiện nay, có nhiều hoạt động thanh tra chuyên ngành có tên gọi khác nhau, nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh, như kiểm tra chuyên ngành, giám sát an toàn, kiểm tra nhà nước, kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh chỉ rõ, dự thảo quy định khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật thanh tra, bảo đảm tại một thời điểm chỉ có một cơ quan thực hiện. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn vẫn chưa quy định rõ cơ chế xử lý chồng chéo nếu hai cơ quan không thống nhất được với nhau thì sẽ xử lý ra sao?. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, làm rõ thêm nội dung này. Đồng thời, quy định nguyên tắc xử lý chồng chéo giữa thanh tra Bộ và thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và các cơ quan thanh tra.

 

leftcenterrightdel
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: QH 

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề xuất phương án nên quy định xử lý chồng chéo giữa thanh tra hành chính với nhau thành một nội dung và một nội dung là quy định về xử lý chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về thẩm quyền xử lý trong trường hợp này.

Cùng theo đại biểu, khi xảy ra trường hợp chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra Bộ với Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở hoặc Thanh tra huyện thì chỉ nên quy định Chánh Thanh tra Bộ trao đổi với Chánh Thanh tra tỉnh là phù hợp, đúng thẩm quyền, tập trung một đầu mối ở địa phương để dễ thực hiện, tránh sự rườm rà về mặt thủ tục tương tự.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cần quy định rõ việc phối hợp xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng, để phát huy cao nhất hiệu quả cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, nhưng không làm lãng phí nguồn lực, chồng chéo công việc, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP. Đà Nẵng) cho rằng cụm từ “không chồng chéo, trùng lặp” được lặp lại nhiều lần nhưng thực tế cho thấy là tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra, ảnh hưởng đến điều hành hoạt động của địa phương. Do đó, đại biểu đề nghị là nên quy định rõ không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với các bộ, ngành, địa phương.

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam), xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra là vấn đề cần thiết, để tránh tạo áp lực nặng nề cho đơn vị thanh tra. Vì thực tiễn những đơn vị sản xuất kinh doanh khi có đoàn thanh tra vào, thì các đối tác kỳ hợp đồng rất dè dặt và khó khăn. Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào chất lượng của các đoàn thanh tra, các cấp thanh tra.

Đại biểu Tạ Văn Hạ đặt vấn đề ở đây ai đóng vai trò chủ trì để tránh chồng chéo. Lúc triển khai kế hoạch phát hiện chồng chéo thì lại bỏ bổ sung kế hoạch đã được duyệt từ trước. Do đó, cần phải xem xét, quy định thật rõ, cụ thể.

Cần có chế tài xử lý việc chậm ban hành kết luận thanh tra

Đề cập đến quy định ban hành kết luận thanh tra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chỉ ra, việc chậm ban hành kết luận thanh tra thì dự thảo Luật còn bỏ trống, chưa được quy định rõ. Thực tế cho thấy còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm.

Nêu thực tế có tình trạng kết luận thanh tra “vênh” với kết luận Kiểm toán nhà nước, đại biểu Tạ Văn Hạ băn khoăn nếu trong trường hợp có độ trễ, Kiểm toán nhà nước có kết luận khác với kết luận thanh tra thì xử lý như thế nào?. Đại biểu Tạ Văn Hạ nhận thấy, Luật phải quy định chế tài vấn đề này ra sao, trách nhiệm của Trưởng đoàn đưa ra kết luận.

Đại biểu cũng nêu thực trạng có những cuộc thanh tra từ năm 2015, 2016 mà đến giờ vẫn chưa có kết luận thanh tra. Đại biểu băn khoăn việc giải quyết chậm ban hành kết luận thanh tra ra sao, nguyên nhân ở đâu, giải pháp khắc phục thế nào và chế tài ra sao?

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh nên xem xét về quy định thời gian công khai đối với việc công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra hay công khai theo hình thức niêm yết tại cơ quan của đối tượng thanh tra?./.

 

 


Theo dangcongsan.vn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra