Khẳng định tính chủ động, bám sát thực tiễn của Quốc hội

Thứ năm, 13/10/2022 10:05
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra cho Phiên họp thứ 16. Với việc tổ chức thành công Phiên họp thứ 16 và các phiên họp trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản hoàn tất các công việc chuẩn bị để Quốc hội chủ động bước vào Kỳ họp thứ Tư sẽ khai mạc vào ngày 20.10 tới đây.

"Kịp thời" và "mở đường"

Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm và hiệu quả cao, cùng việc bố trí, sắp xếp chương trình khoa học, sát thực tiễn, trong ba ngày diễn ra phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, trực tiếp sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Tư tới. Trong đó, có các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (tỷ lệ phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Một Nghị quyết, như nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới là được Quốc hội “ban hành rất kịp thời” trong điều kiện dịch bệnh bùng phát; mà nếu không có nghị quyết này ra kịp thời, thì việc phòng, chống dịch rất khó khăn. Nghị quyết 30 đã “mở đường”, tạo điều kiện để Chính phủ, các ngành có một đường hướng về cơ chế, chính sách để việc thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.

Được Quốc hội ban hành ngày 28.7.2021, đến nay, việc thực hiện Nghị quyết 30 được 1 năm 3 tháng và tính đến hết năm nay là khoảng một năm rưỡi, thời gian chưa phải là nhiều. Nhưng bối cảnh tình hình cùng thực tiễn triển khai thực hiện đã cho thấy rõ nét tính chất “mở đường” của Nghị quyết 30. Minh chứng là ngay sau Nghị quyết 30 đã có 6 nghị quyết của Quốc hội và 10 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành. Chưa kể hàng loạt nghị quyết của Chính phủ cũng được ban hành để chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác ứng phó với dịch bệnh theo quyết nghị của Quốc hội trong Nghị quyết 30. Tính chất “mở đường” và “kịp thời” của Nghị quyết 30 còn ở chỗ không chỉ trao quyền cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc cách, đặc biệt, đặc thù, mà đã cho phép khi Quốc hội không họp thì Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Một trong những kết quả rõ nét của sự vào cuộc kịp thời đó, như khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, là trong vòng khoảng 6 tháng, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh (từ thời điểm bùng phát vào tháng 4 đến tháng 10.2021).

Đặt trong bối cảnh tình hình lúc đó, khi dịch bệnh bùng phát rất mạnh, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của người dân, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và cả hệ thống chính trị theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng đều đang dồn toàn lực cho công tác phòng, chống dịch, thì sự ra đời của Nghị quyết 30 chính là “một sáng kiến lập pháp” chưa có tiền lệ của Quốc hội, và được Chính phủ rất kịp thời đáp ứng. “Khởi đầu từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng nếu không có các bộ, các Ủy ban của Quốc hội, không có sự đồng tình, nhanh chóng phối hợp giữa Chính phủ với Thủ tướng thì chắc chắn không có sáng kiến lập pháp này”. Vì thế, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần đánh giá thêm về bối cảnh ra đời của Nghị quyết 30 để thấy rõ hơn “tính chủ động, tích cực bám sát thực tiễn của Quốc hội”. Cụ thể, phải có số liệu tình hình triển khai thực hiện, qua đó đánh giá được sự cần thiết, tính đúng đắn và tác động to lớn của Nghị quyết 30 về phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng như quá trình phục hồi, tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đơn cử, theo tinh thần Nghị quyết 30 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đây là một trong những nghị quyết được đánh giá là rất trúng, đúng, cần thiết, có tính khả thi rất cao và vào cuộc sống rất nhanh, tác động trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động.

Rõ ràng, với khởi đầu là Nghị quyết 30, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ... ban hành sau đó đã góp phần gỡ nhiều “nút thắt” về cơ chế, chính sách, pháp luật, huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Trong đó có những cơ chế, chính sách, như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, cho phép đăng ký lưu hành thuốc kéo dài, cho phép thành lập các bệnh viện dã chiến, cho phép khám chữa bệnh từ xa... Đây là những kết quả rất cụ thể, mang tính lan tỏa, không chỉ hỗ trợ trực tiếp hoặc đáp ứng quyền lợi thiết thân, sát sườn của người dân, người lao động, doanh nghiệp, mà còn góp phần hỗ trợ lớn nền kinh tế nói chung trong giai đoạn, bối cảnh dịch bệnh.

Một nội dung nữa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp, đó là dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Đây cũng là nội dung được chuẩn bị trong thời gian rất gấp. Ngày 5.10 vừa qua, Chính phủ mới có Tờ trình về dự thảo Nghị quyết và hồ sơ chuyển sang Quốc hội. Hai ngày sau đó, 7.10, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 16.

Đáp ứng nhu cầu có thật của người dân, góp phần tăng thu ngân sách

Với cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, trước đây Bộ Công an đã 2 lần báo cáo Chính phủ để xin chủ trương thực hiện. Theo đó, năm 1993, Chính phủ cho triển khai việc thu phí biển số xe tự chọn trên toàn quốc và đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép đấu giá biển số. Nhưng do vướng mắc về cơ sở pháp lý nên việc thu phí biển số xe tự chọn và triển khai đấu giá biển số trên thực tế phải tạm dừng. Từ năm 2017 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Tuy nhiên, Chính phủ thấy rằng, việc đấu giá biển số ô tô nếu thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành sẽ gặp vướng mắc về pháp lý, khó đạt được hiệu quả cao, bởi vậy cần có những quy định mang tính đặc thù so với các quy định của pháp luật hiện hành (Luật Quản lý tài sản công, Luật Giao thông đường bộ và Luật Đấu giá tài sản...). Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu có thực của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn sở hữu biển số theo sở thích, “biển số đẹp” và sẵn sàng trả giá cao đối với các biển số đó. Việc cấp quyền lựa chọn sử dụng “biển số đẹp” bằng hình thức đấu giá vừa đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu và cũng là tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, cũng tránh dư luận cho rằng, có sự thiếu minh bạch hoặc hành vi trục lợi trong cấp biển số xe.

Nhấn mạnh những nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao về sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm. Trong đó, xác định phạm vi thí điểm với biển số chữ đen, nền trắng trong kho biển số chưa được đăng ký. Đặc biệt, về giá khởi điểm - vấn đề còn ý kiến khác nhau, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án áp dụng một mức giá thống nhất và mức giá này không nên quá cao để thu hút, tạo sự hấp dẫn với người tham gia cũng như thuận lợi cho việc đấu giá. Như phân tích của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thì “nếu chúng ta quy định mức khởi điểm quá cao thì chưa chắc đã thu hút được số người tham gia”. Vì mục tiêu của việc này là một mặt khai thác kho số (quản lý phương tiện giao thông vận tải) phục vụ quản lý nhà nước, nhưng mặt khác là đáp ứng một phần nhu cầu, nguyện vọng hợp lý và chính đáng của người dân. Đặc biệt, về trình tự, thủ tục, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải cố gắng để “tạo thuận lợi nhất” cho người dân, và để quyền của người tham gia đấu giá ở mức “cao nhất”. Ví dụ, người đấu giá thành công biển số xe được phép cho, tặng, thừa kế gắn với cả xe ô tô mang biển số đó...

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc thực hiện 2 Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật liên quan đến chủ trương thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho hai thành phố lớn của nước ta. Đó là Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho TP. Hồ Chí Minh; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội. Là 2 nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho 2 thành phố, nhưng với vị trí, vai trò của hai thành phố “đầu tàu” của cả nước, thì việc đánh giá, tổng kết, sơ kết thực hiện một cách kỹ lưỡng không chỉ có ý nghĩa với riêng 2 thành phố, mà đây còn là dịp để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng các vấn đề đặt ra trong dài hạn, từ đó có những thiết kế cơ chế, chính sách mới vượt trội và khả thi hơn nữa, thúc đẩy các tỉnh, thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.

Phiên họp thứ 16 là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Quốc hội bước vào Kỳ họp thứ Tư - kỳ họp cuối năm 2022. Đúng với tinh thần chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, nhiều nội dung sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần lượt cho ý kiến kỹ lưỡng. Không chỉ là những nội dung đã có trong chương trình, kế hoạch, trong quá trình chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời bổ sung những nội dung chưa có trong chương trình, nhưng là đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống đang cần. Điều này một lần nữa khẳng định rõ tính chủ động, tích cực bám sát thực tiễn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Và, thành công của Phiên họp thứ 16 tiếp tục khẳng định mạnh mẽ quyết tâm và khát vọng không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Quốc hội, hành động mạnh mẽ vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân. Các quyết đáp của Quốc hội không chỉ bám sát đòi hỏi của thực tiễn mà còn mang tính dự báo về mặt chính sách cho những vấn đề trong tương lai, trong đó có quyết đáp sẽ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các nhiệm vụ của năm 2023 - năm bản lề của nhiệm kỳ này.

Theo Lam Giang/daibieunhandan.vn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra