 |
Lăng Ngô Quyền tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Hồng Sơn, Trưởng Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết, trong khuôn khổ Dự án sẽ tiến hành tu bổ, tôn tạo đền thờ Ngô Quyền (tu bổ Tiền tế, Hậu cung; tôn tạo Nghi môn, Tả vu, Hữu vu; xây dựng lầu hoá sớ); tu bổ tôn tạo Lăng Ngô Quyền (tu bổ lăng; tôn tạo sân, trụ biểu lan can; xây dựng bình phong). Ngoài ra, còn xây dựng các công trình phụ trợ, bao gồm: nhà bảo vệ, nhà khách, nhà trưng bày bổ sung, nhà Thủ từ, nhà vệ sinh công cộng; tiến hành lắp đặt, cải tạo lại hệ thống cấp nước hiện có trên cơ sở phù hợp nhu cầu sử dụng mới…theo đúng thiết kế bản vẽ thi công đã được thỏa thuận giữa Cục Di sản Văn hóa và Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch. Việc tu bổ và tôn tạo di tích Đền thờ và Lăng Ngô Quyền cũng sẽ góp phần tạo nên một không gian thiêng liêng hoành tráng, tương xứng với vị thế của một vị anh hùng dân tộc.
 |
Ông Phan Hồng Sơn - Trưởng Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm |
Đền thờ và Lăng Ngô Quyền được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, nơi thờ vị vua lừng danh trong lịch sử dân tộc, người nổi tiếng với chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938, đánh đuổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi, mở ra một thời đại mới, độc lập, tự chủ cho dân tộc Việt Nam. Đền và lăng Ngô Quyền được xây dựng trên một đồi đất cao, có tên là đồi Cấm, mặt hướng về phía đông. Đền thờ được xây ở phía trên, cách lăng khoảng 100m. Phía trước Lăng là một cánh đồng rộng nằm giữa 2 sườn đồi; một nguồn nước gọi là vũng Hùm chảy ra sông Tích; bên cạnh đó là đồi Hổ Gầm, tương truyền xưa là nơi thuở nhỏ Ngô Quyền thường cùng bạn chăn trâu, cắt cỏ và tập luyện võ nghệ.
Lăng mộ Vua Ngô Quyền được xây dựng năm Tự Đức thứ 27 (1874) và trùng tu năm Minh Mệnh thứ 2 (1821). Lăng được xây kiểu nhà bia có mái che, cao khoảng 1,5m. Giữa lăng là ngai, trong có bia đá ghi bốn chữ Hán “Tiền Ngô Vương Lăng” (Lăng mộ Vua Ngô Quyền). Đặc biệt, trong quần thể đền và lăng Ngô Quyền, 18 cây duối cổ - tương truyền là nơi Ngô Quyền buộc voi, ngựa - đã được công nhận là “Cây di sản” cấp quốc gia. Hàng năm, cứ đến ngày 14 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ Vua Ngô Quyền) nhân dân trong vùng lại về đây để tưởng nhớ công ơn của ông - vị vua “đã mở nước xưng vương”, kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở đầu một thời đại mới, độc lập, tự chủ cho lịch sử dân tộc.
Tham dự Lễ khởi công, ông Hiromichi Tomoda, Viện trưởng Viện nghiên cứu việt Nam, trường Đại học nữ Showa, Nhật Bản chia sẻ ông rất quan tâm tới các di sản văn hóa tại Việt Nam, đặc biệt là di tích lịch sử Đường Lâm, trong đó có Đền thờ và Lăng Ngô Quyền. Bên cạnh đó, ông còn quan tâm đến văn hóa ẩm thực, trang phục, di tích cổ và đặc biệt là ông Hiromichi Tomoda đã có rất nhiều thời gian tìm hiểu, gắn bó và tâm huyết với Di tích làng cổ Đường Lâm. Ông mong muốn sẽ góp phần gìn giữ các di tích cổ luôn còn mãi với thời gian. |
P.V