Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã làm nên một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Cụ thể, ngày 7/5/1954, trên vùng rừng núi Tây Bắc Việt Nam, một trận đánh chấn động địa cầu đã đi vào sử sách. Đó là trận quyết chiến chiến lược vĩ đại Điện Biên Phủ, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.
Giữa những ngày cả nước cùng hướng tới các hoạt động kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2022), lại cùng nhớ lại và tha thiết ngợi ca “Chiến sĩ Điện Biên đồng chí ơi/Xin anh sống mãi ở trên đời".
|
|
Chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu" (Ảnh: PV) |
Ký ức hào hùng tiếp nguồn sức mạnh phát triển
Thế hệ cha ông đã thắp sáng tinh thần cách mạng kiên trung, với tinh thần độc lập dân tộc là trên hết, họ đã vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, khốc liệt, với tinh thần kỷ luật, nghiêm minh “suốt 56 ngày đêm tham gia Chiến dịch, dưới làn bom đạn khốc liệt, “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, trên những tuyến giao thông hào trên lòng chảo Điện Biên cùng quyết tâm, kiên cường làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”.
Làm sao quên được khoảnh khắc ngày 07/5/1954, khi lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm Tướng De Castries, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Làm sao mà không thể không nhớ những bước chân thần tốc, những chiến sỹ kiên trung, bền gan, không nhụt chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Bằng máu và nước mắt, họ đã viết nên câu chuyện lịch sử về cuộc chiến đấu bảo vệ hòa bình, giành lại độc lập tự do vô cùng hùng tráng. Khúc tráng ca ấy còn vang vọng và vẹn nguyên giá trị cho tới tận hôm nay.
Lòng chảo Điện Biên, vùng đất núi đồi trập trùng, rừng cây bao quanh với đầy đạn bom nay đã chuyển mình thành đô thị sầm uất. Từ những vấn thơ ngày từ năm 1954 mà nhà thơ Tố Hữu đã viết:“Máu của anh chị, của chúng ta không uổng/ Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/ Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng...” đến ngày nay, 68 năm sau, dự cảm đó không những thành hiện thực mà còn hơn thế nữa. Đầu năm 2022 này, Cảng hàng không Điện Biên đã chính thức được khởi công nâng cấp, mở rộng. Chỉ một vài năm tới đây, sân bay Điện Biên sẽ có đường băng được điều chỉnh kích thước dải hãm phanh, dải cất hạ cánh để khai thác an toàn các loại máy bay hiện đại, thay vì chỉ khai thác được máy bay thế hệ cũ như hiện nay. Việc mở rộng, nâng cấp sân bay Điện Biên có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ với Điện Biên mà còn với cả vùng kinh tế Tây Bắc. Sau khi hoàn thành, sân bay này không chỉ kết nối với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tạo sức bật cho nền kinh tế, tạo việc làm trực tiếp cho hàng ngàn lao động mà còn có điều kiện mở rộng kết nối với quốc tế như cố đô Luang Prabang (Lào), Côn Minh (Trung Quốc), Chiang Mai (Thái Lan). Đây cũng chính là điều kiện để Điện Biên phát triển thương mại và dịch vụ du lịch, từng bước thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm của khu vực Tây Bắc, trở thành cửa ngõ giao thương của Việt Nam với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng theo định hướng hợp tác phát triển của Chính phủ và các nước ASEAN đã thống nhất.
|
|
Lòng chảo Điện Biên nhìn từ trên cao (Ảnh: PV) |
Vẹn nguyên bài học lịch sử từ chiến thắng Điện Biên Phủ
68 năm trước, đối với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam Á. Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương này gồm cả bộ binh, pháo binh, công binh, xe tăng, không quân cùng nhiều loại vũ khí hiện đại. Với số quân đông, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc, các tướng tá Pháp và Mỹ lúc ấy nói rằng đây là một pháo đài bất khả xâm phạm. Ý đồ của chúng ở thung lũng này là muốn thu hút chủ lực ta tới để tiêu diệt rồi chuyển sang tiến công ta.
Thế nhưng, ngay từ đầu chiến dịch, Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận thấy những nhược điểm lớn của căn cứ rất lợi hại này. Vì thế, ta quyết đánh địch. Năm mươi sáu ngày đêm lịch sử là những trận đánh nảy lửa.
Riêng tại sân bay Mường Thanh - nơi các đơn vị bộ đội ta chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ chia cắt sân bay dã chiến này, không cho máy bay địch hạ cánh đưa thêm quân và tiếp tế lương thực, vũ khí xuống Điện Biên Phủ, thời điểm đó không lúc nào ngớt tiếng bom nổ. Buổi đêm chúng bắn pháo sáng như ban ngày.
Cuộc chiến đấu tại đây diễn ra vô cùng ác liệt. Địch tập trung hỏa lực đánh phá, cố giữ sân bay này. Ta và chúng giành nhau từng tấc đất. Giao thông hào sâu 1 mét 2 chỗ nào cũng sâm sấp nước mưa và máu anh em chiến sỹ hoà trộn vào nhau. Để lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch vào chiều 7/5/1954, tướng Đờ Cáttơri (De Castries) và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt sống, biết bao chiến sỹ đã mãi mãi nằm lại lòng chảo Mường Thanh.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến trường kỳ, anh dũng của nhân dân ta. Đây là trận đánh trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiếp tục giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến bảo vệ và xây dựng Tổ quốc sau này.
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là sự kết thúc thắng lợi một cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam, trường kỳ, gian khổ trong vòng vây - mà còn là sự kiện khởi đầu cho một cao trào của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh thoát khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân trong lịch sử thế giới cận - hiện đại.
Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một đất nước Việt Nam mới non trẻ, vừa thoát khỏi ách thuộc địa nửa phong kiến, đất không rộng, người không đông, kinh tế lạc hậu, trang bị vũ khí, tiềm lực quân sự đều yếu hơn, nhưng đã đánh thắng quân đội hùng hậu của một cường quốc phương Tây có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn gấp nhiều lần, trang bị vũ khí hiện đại... vào hàng bậc nhất lúc bấy giờ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm sụp đổ thành luỹ thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, báo hiệu sự thất bại toàn cầu của chủ nghĩa thực dân mới do Mỹ đứng đầu, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại.
Năm 1964, Kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Điện Biên Phủ là cột mốc bằng vàng trong lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp trên thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”. Điện Biên Phủ còn như một “điểm hẹn tất yếu” mà lịch sử dành cho số phận của những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay. Đó là bất cứ dân tộc nào áp đặt ý muốn của mình lên dân tộc khác, cuối cùng nhất định sẽ thất bại.
Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã làm cho 3 tiếng “Điện Biên Phủ” trở thành biểu tượng của sức mạnh Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại đó có nguồn gốc sâu xa là truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí quật cường bất khuất, trí thông minh, sáng tạo, tình đoàn kết nhân ái. Đó là những nhân tố chủ yếu tạo nên bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua mấy nghìn năm lịch sử.
Thiết nghĩ, việc truyền lửa ý chí, tinh thần, lòng yêu nước của các chiến sĩ Điện Biên là nhiệm vụ, là trách nhiệm. Tin tưởng rằng, thế hệ trẻ sẽ phát huy việc học tập của mình, đem những hiểu biết đó để phục vụ cho bản thân và phục vụ cho xã hội, mãi mãi giữ gìn được những thắng lợi, những điều mà ông cha ta đã truyền lại.
Đất nước đã hòa bình, nhưng không khí hào hùng của những ngày chiến thắng Điện Biên năm nào vẫn đem đến hơi thở, luồng sinh khí, tiếp tục động viên các cựu binh sống vui sống khỏe sống có ích đồng thời thắp lên ngọn lửa của niềm tin và hy vọng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới hiện này.
Có thể thấy, tinh thần Điện Biên Phủ trước hết là tinh thần yêu nước, là tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, bất khuất không cam chịu làm nô lệ, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, quyết chiến, quyết thắng là sự kết hợp tinh thần dũng cảm kiên cường với trí thông minh sáng tạo và những nỗ lực phi thường để khắc phục những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, làm được những việc tưởng chừng không thể làm nổi, tạo nên bước tiến vượt bậc về khả năng và sức mạnh chiến đấu để đánh bại mọi kẻ thù.
Sức mạnh làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của toàn dân, toàn quân, của cả nước, từ tiền tuyến đến hậu phương được động viên vào trận quyết chiến Điện Biên Phủ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ, đó là sự kết tinh trí tuệ, bản lĩnh của Đảng. Sự lãnh đạo đó không những thể hiện ở đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn ở sự chỉ đạo chiến lược và chiến thuật tài tình trên chiến trường mà điều quan trọng còn thể hiện ở vai trò tiên phong hy sinh, gương mẫu của những người đảng viên. Trước những thử thách ác liệt của trận Điện Biên Phủ, biết bảo đảng viên ưu tú đã một lòng vì nước vì dân, nêu cao tinh thần gương mẫu trong chiến đấu, không quản gian khổ, hy sinh, sẵn sàng xả thân để giành chiến thắng.
Bài học lịch sử từ chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn giá trị lớn khi chúng ta đang phát huy tinh thần “Điện Biên Phủ”, nêu cao lòng yêu nước, tinh thần độc lập và CNXH, tự chủ, ý chí tự cường, quyết tâm vượt qua thách thức, phát huy trí thông minh sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để làm nên nhiều “Điện Biên Phủ mới” trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước Việt Nam XHCN và hội nhập quốc tế./.