Giá trị của hạnh phúc tự do, độc lập
Ngay từ những ngày đầu đất nước mới giành được độc lập vào năm 1945, trong “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng” ngày 17.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.”. Không lâu sau, trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10.1.1946, Người cũng nhấn mạnh phải thực hiện ngay 4 điều: làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành. Bởi vì, dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ.
|
|
Các đại biểu tham dự kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV . Nguồn: quochoi.vn |
Giá trị của hạnh phúc tự do, của độc lập, trong tư tưởng Hồ Chí Minh là đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, có cuộc sống an cư, lạc nghiệp. Người dân từ chỗ ăn no, mặc ấm, được học hành đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, chất lượng cuộc sống ngày càng cao; các quyền của con người về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được coi trọng và được pháp luật bảo vệ. Theo Người, hạnh phúc tự do trước hết là quyền con người, quyền tự do tư tưởng, vì chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý.
Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) ra đời đến nay, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, thấm nhuần di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt coi trọng tự chỉnh đốn, tự đổi mới, nhằm xây dựng nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ và sáng suốt, là công bộc của dân.
Đó là: Nhà nước thân dân “tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Nhà nước trọng dân, hành động “theo đúng đường lối nhân dân”, phát huy dân chủ, “phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng”, sẵn sàng tiếp thu phê bình và hoan nghênh quần chúng nhân dân phê bình mình; Nhà nước vì dân, “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”, chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết hết các vấn đề kiến nghị chính đáng của dân dù có khó khăn đến đâu. Nhà nước dựa vào dân, vì “Dân là gốc”, sự nghiệp đổi mới là của nhân dân, “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Mọi công việc Nhà nước làm đều nhằm vào một mục đích duy nhất là tự do hạnh phúc cho nhân dân.
Thống nhất ý chí và hành động
Nhìn lại quãng thời gian hơn một năm rưỡi từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động của Quốc hội Khóa XV, của Chính phủ và HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã để lại những dấu ấn đậm nét về tinh thần tận tụy, đổi mới, cộng đồng trách nhiệm, vì dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và đánh giá cao.
Thể hiện rõ nét nhất là trong bối cảnh cực kỳ khó khăn khi hầu hết các địa phương trên toàn quốc phải nỗ lực chống chọi với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Quốc hội đã có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân; “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tạo cơ sở triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp ứng phó kịp thời, ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân; đồng thời, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.
Trong đó, Nghị quyết số 30/2021/QH15 (Kỳ họp thứ Nhất) và Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất) của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã cho thấy tầm nhìn, dự báo, sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, vào cuộc từ sớm, từ xa, thống nhất ý chí và hành động giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước trên tinh thần đổi mới, cộng đồng trách nhiệm, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Cùng với những nỗ lực góp phần giữ vững ổn định kinh tế - xã hội; thành công của các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoặc trực tiếp tham gia như: Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV theo tinh thần Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị; Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa; Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 và Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022... đã lan tỏa tinh thần đổi mới, hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực đối với hoạt động của các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và kỳ vọng của cử tri, nhân dân.
Chuyển hóa các giá trị cốt lõi của nền dân chủ vào đời sống
Kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hiện nay, chúng ta đang "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XIII) của Đảng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị, và cũng là ý nguyện, khát vọng của nhân dân phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; các cơ quan, tổ chức và người dân đều thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, bình đẳng trước pháp luật; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân.
Để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, thực hiện đạt các mục tiêu nói trên, với sứ mệnh của một thiết chế quan trọng trong bộ máy nhà nước, Quốc hội và HĐND gánh vác trọng trách thiêng liêng. Đó là bảo vệ, thực thi, chuyển hóa các giá trị cốt lõi của nền dân chủ vào đời sống chính trị xã hội. Nói rộng ra, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp được cử tri tín nhiệm “chọn mặt gửi vàng”, không chỉ là người đại diện cho nhân dân nơi bầu ra mình, mà còn đại diện cho nền dân chủ của nước nhà mà người dân là chủ. Vì vậy, phải phấn đấu làm tròn bổn phận được nhân dân ủy thác, đóng góp tích cực vào các quyết sách quan trọng của quốc gia và địa phương.
Hơn lúc nào hết, là người đại biểu của nhân dân phải không ngừng đổi mới nhận thức, hành động làm cho dân chủ XHCN phát huy mạnh mẽ hơn, coi đây là cốt lõi của vấn đề đổi mới hệ thống chính trị. Đồng thời, luôn thể hiện là một trong những nhân tố tiên phong thực hiện cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân theo tinh thần Hiến pháp 2013: “nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của nhà nước”.
Trong đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vừa được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Tư cần sớm được chuyển hóa vào thực tiễn đời sống nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sự tham gia và giám sát của nhân dân trong quá trình ban hành, thực hiện các chính sách, quyết định hành chính cũng như hoạt động của cơ quan nhà nước. Qua đó, góp phần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, vì dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn mới.