|
|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn |
Rà quét và cấm quảng cáo thuốc lá điện tử
Trả lời chất vấn của các ĐBQH liên quan đến tiến độ thực hiện đề xuất cấm quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi có thông tin chính thức từ Bộ Y tế đây là những sản phẩm cấm quảng cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới rà quét và không quảng cáo các sản phẩm này, xử lý các trường hợp vi phạm.
Về tình trạng các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là có yếu tố nước ngoài quảng cáo quá mức, thậm chí có bác sỹ gây hậu quả nghiêm trọng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Y tế là cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ xác định cụ thể cơ sở y tế hành nghề tư nhân, phòng khám vi phạm và trên cơ sở kết luận của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp cung cấp các thông tin về chủ thể, xác định những người thực hiện quảng cáo sai phạm trên mạng và giao cho Bộ Y tế để xử lý. Trường hợp không xác định được danh tính thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức ngăn chặn.
Liên quan đến kế hoạch phối hợp liên ngành để giám sát toàn diện quy trình sản xuất, phân phối và quản lý nhà nước về quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm nhằm ngăn chặn hàng kém chất lượng, tràn lan, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, có công cụ giải quét, phát hiện quảng cáo sai sự thật để xác định danh tính, ngăn chặn. Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã xử lý các vấn đề về kém chất lượng và khi cần thiết sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông để xác định danh tính, ngăn chặn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang về giải pháp ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc để xác định hành vi và chúng ta đã có quy định để xử lý mê tín dị đoan. Ngoài quy chế phối hợp, về tiêu chí xác định mê tín dị đoan bằng hình ảnh, công cụ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, Bộ TTTT đang phát triển công cụ, phần mềm để rà quét, nhìn vào hình ảnh có thể xác định được hành vi, xem hoạt động có phải mê tín dị đoan hay không để báo sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý.
Nếu các tiêu chí về mê tín dị đoan được xác định rõ, Bộ TTTT sẽ yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phát triển công cụ để tự rà soát và đây là một bước tiến mới, phải lành mạnh hóa không gian mạng và xử lý mạnh tay với các đối tượng mê tín dị đoan gồm cả xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
|
|
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Tháng 6/2025 phải phủ sóng tất cả các vùng lõm sóng
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với những trạm không có điện, khó khăn trong triển khai điện thì sẽ dùng giải pháp vệ tinh. Với những trạm không thuộc trách nhiệm của Quỹ viễn thông công ích, Bộ đã đôn đốc để các nhà mạng tích cực phủ sóng, mục tiêu đặt ra là phủ sóng trong năm 2024.
Về câu hỏi của đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn về vấn đề phủ sóng ở vùng sâu vùng xa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, chúng ta mới phát hiện khá nhiều vùng lõm sóng do làm việc trực tuyến, họp trực tuyến. Gần đây, khi chúng ta chuyển qua sử dụng môi trường số nhiều hơn, làm việc và mua bán trên thương mại điện tử nhiều hơn thì chúng ta mới chú ý nhiều hơn đến vùng lõm sóng. Trong giai đoạn Covid-19, bằng cơ chế đặc biệt do Quốc hội cho phép, chúng ta đã phủ sóng được 2500 thôn bản lõm sóng, và 751 vùng lõm sóng mới và trong tương lai sẽ phát hiện thêm. Và 751 vùng lõm sóng mới phải thực hiện theo quy định mới, nhưng đến nay Nghị định chưa được ban hành và chậm trễ. Có nhiều nguyên nhân của vấn đề này, tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận trách nhiệm này thuộc về mình.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện Bộ TTTT đang cố gắng hết sức mình để tháng 12 năm nay có thể hoàn thiện và ban hành Nghị định, có cơ chế thông thoáng hơn nhiều để xây dựng các trạm phát sóng ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời Bộ trưởng khẳng định, khi Nghị định này ra đời thì việc phủ sóng cho 751 vùng lõm sóng sẽ được thực hiện rất nhanh. Với những trạm chưa có điện, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực để giải quyết và đề xuất giải pháp mới là sử dụng vệ tinh.
Hiện nay Bộ TTTT đang chỉ đạo các nhà mạng đưa dịch vụ viễn thông tầm thấp về Việt Nam, đến những nơi không thể phủ sóng bằng di động mặt đất hoặc không hiệu quả, hoặc khó triển khai.
Đối với các trạm thuộc trách nhiệm của Quỹ viễn thông công ích, phải thực hiện theo luật mới, Nghị định mới. Việc chậm Nghị định là thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng. Nguyên nhân của vấn đề này do trong quá trình xây dựng, các Bộ còn có ý kiến khác nhau. Trong năm nay, Nghị định sẽ được ban hành. Bộ trưởng cho biết đã yêu cầu đến tháng 6/2025 phải phủ sóng tất cả các vùng lõm sóng. Theo Bộ trưởng, khi không có sóng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, bởi giờ đây gần như toàn bộ cuộc sống đã xoay quanh môi trường số.
Trả lời ý kiến đại biểu về việc tắt sóng 2G, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ, nhà mạng phải dùng máy công nghệ mới để bù cho bà con đang sử dụng máy cũ khi tắt sóng 2G. Ở các nước, việc tắt sóng một công nghệ cũ được thực hiện khi chỉ còn dưới 2% số lượng người sử dụng. Ở nước ta, khi tắt sóng 2G, chỉ còn 0,2% người dùng, nên các nhà mạng có thể dễ dàng trong việc bù máy cho bà con. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, về vùng phủ sóng, công nghệ 3G, 4G phủ sóng tương đương với 2G./.