Cuộc chính biến Nhật – Pháp đã khiến tình hình chính trị ở Đông Dương khủng hoảng sâu sắc, tạo điều kiện để Đảng ta phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa khi điều kiện cho phép. Ngày 15/3/1945, Tổng bộ Việt Minh phát Hịch kháng Nhật cứu nước. Ngày 12/4/1945, Mặt trận Việt Minh ra lời kêu gọi “Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị quan chức ái quốc Việt Nam” và “Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị huynh thứ ái quốc”, nhằm tranh thủ một bộ phận yêu nước, lôi kéo các tầng lớp trung gian ngả về cách mạng, thúc đẩy nhanh quá trình phân hóa trong hàng ngũ quan lại ngụy quyền. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị về việc tổ chức Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp, coi đó là “hình thức tiền Chính phủ, trong đó Nhân dân học tập để tiến lên giữ chính quyền cách mạng” (1).
Để có thể kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước, đầu tháng 5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định chuyển đại bản doanh từ Cao Bằng về Tuyên Quang, nơi phong trào cách mạng phát triển, giao thông giữa miền xuôi và miền ngược đều thuận tiện. Ngày 4/5/1945, Người bắt đầu cuộc hành trình rời Pác Bó về Tân Trào. Tại Khuổi Nậm, Hồ Chí Minh tập hợp tiểu đội tự vệ cùng với hai người bạn Đồng minh, nói rõ ý nghĩa quan trọng của chuyến đi, trực tiếp phân công từng người, dặn cách giữ bí mật và cố gắng tránh đụng độ với địch để bảo toàn lực lượng. Ngày 21/5/1945, Người đến Tân Trào kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng tiến lên giành lấy chính quyền.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh vừa hợp tác, vừa tranh thủ sự hỗ trợ của Đồng minh trong việc xác lập vị thế của Việt Minh, có thêm vũ khí, phương tiện củng cố lực lượng chuẩn bị tổng khởi nghĩa
Đầu năm 1945, tình hình chiến tranh thế giới biến động có lợi cho phe Đồng minh chống trục phát xít. Nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Đồng minh chống phát xít đối với cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định đi Côn Minh gặp phía Mỹ. Với sự thông hiểu sâu sắc tình hình chính trị thế giới, bằng mọi nỗ lực chính trị của bản thân, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã cố gắng xây dựng mối giao hảo, mang lại những thuận lợi, dù là nhỏ nhất cho cách mạng Việt Nam. Đó là bước đi chính trị khôn ngoan để tạo uy thế lớn cho nền độc lập và cuộc đấu tranh chính nghĩa của cách mạng Việt Nam. Thiếu tá tình báo L.A. Patti, nguyên là Trưởng đại diện Cơ quan Phục vụ Chiến lược (OSS - Office of Strategic Services - tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương - CIA của Mỹ) nói về “con người mảnh khảnh, nhỏ bé và kỳ lạ ấy”: “Đây là một con người thông minh, thấu hiểu những vấn đề của đất nước mình, một con người biết điều và tinh tế. Tôi cũng cảm thấy có thể tin cậy ông như một người bạn Đồng minh chống người Nhật. Tôi biết mục tiêu cuối cùng của ông là giành được sự ủng hộ của Mỹ đối với sự nghiệp của nước Việt Nam tự do và thấy rằng ước muốn ấy không trái ngược với Mỹ” (2). Từ những cuộc gặp mặt này, mục tiêu của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã được thực hiện nhằm xác lập vị thế của Việt Minh và những sự hỗ trợ cụ thể (chủ yếu là phương tiện thông tin, vũ khí, tin tức tình báo) giữa hai bên, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, gắn với cuộc chiến chống phát xít Nhật.
Cuối tháng 5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh phái một giao thông (người liên lạc) trao tận tay Thiếu tá L.A. Patti tại Côn Minh, thông báo về việc quân Nhật xây dựng công sự ở vùng Cao Bằng và trên đường về Hà Nội. Đầu tháng 6/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh điện cho L.A. Patti, báo tin đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 1.000 quân du kích được huấn luyện tốt, tập trung ở Chợ Chu, Định Hóa. Giữa tháng 6/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh, qua một trong những đầu mối tiếp xúc giữa Người với Patti, biết một toán người Mỹ, do một sĩ quan cấp cao đứng đầu, sẽ được thả dù xuống Tuyên Quang và yêu cầu phía Việt Nam chuẩn bị. Người Mỹ muốn xây dựng một sân bay cho máy bay cỡ nhỏ có thể lên xuống được và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đến xóm Lũng Cò (thuộc xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương) khảo sát địa hình và tìm hiểu tình hình mọi mặt, chọn địa điểm làm sân bay đón quân Đồng minh. Ngày 30/6/1945, qua vô tuyến điện, lãnh tụ Hồ Chí Minh trả lời L.A. Patti đồng ý tiếp nhận một toán người Mỹ, yêu cầu cho biết bao giờ người Mỹ có thể đến. Khoảng đầu tháng 7/1945, Người đến Lũng Cò chỉ đạo việc phục vụ những chuyến bay của Đồng minh. Chiều 17/7/1945, đội “Con Nai” gồm 5 người do Thiếu tá tình báo Mỹ Tômát phụ trách nhảy dù xuống Tân Trào. Sau 20 giờ, Người có cuộc thảo luận dài với Thiếu tá E. Tômát và H. Pruyniê – sĩ quan OSS. Người khẳng định Mặt trận Việt Minh là tập hợp các đảng phái chính trị, được tổ chức với mục đích duy nhất là đánh đổ tất cả các chính quyền nước ngoài và đấu tranh cho tự do và độc lập hoàn toàn của Đông Dương. Ngày 19/7/1945, Hồ Chí Minh tiếp tục có cuộc thảo luận dài với Thiếu tá E. Tômát về khu vực hoạt động của đội “Con Nai”. Theo Người, “Con Nai” nên tập trung hoạt động trên tuyến đường Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng (đường thuộc địa số 3), sau khi “thông đồng bén giọt” có thể di chuyển tiếp và hoạt động trên đường Lạng Sơn - Hà Nội. Sau khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, đội “Con Nai” kết thúc nhiệm vụ, cùng quân giải phóng hành quân về Hà Nội, sau đó được lệnh về nước ngày 9/9/1945. Đánh giá về mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và Mỹ năm 1945, đó là quan hệ Đồng minh tạm thời giữa hai bên có khuynh hướng khác nhau nhưng cùng mục tiêu chung hữu hạn. Đây không phải là quan hệ trực tiếp giữa cách mạng Việt Nam với Chính phủ Mỹ, mà thực chất là quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với nhóm quân sự OSS đã được lãnh tụ Hồ Chí Minh sử dụng một cách hữu hiệu. Thiếu tá L.A. Patti trong hồi ký “Tại sao, Việt Nam?” đã đặc biệt dành cảm tình, lòng khâm phục với người đã từng quen biết và cộng tác là Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà hình ảnh từ buổi đầu gặp mặt tới lúc chia tay lần cuối (ngày 30/9/1945) vẫn là “một dáng người mảnh mai nhưng bất khuất” (3), còn Trung úy Sáclơ Phen (Charles Fenn) của OSS trong buổi gặp gỡ các thành viên Việt Minh từng cộng tác năm 1945 đã nói: “Mỹ không có bạn. Mỹ chỉ có Đồng minh. Cụ Hồ của các bạn biết Mỹ nên hợp tác được với Mỹ” (4).
Lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo chuẩn bị mọi mặt lực lượng, sẵn sàng chớp thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền
Cuối tháng 5/1945, Người chuyển đến lán Nà Nưa, đó là một lán nhỏ làm theo kiểu nửa nhà sàn giữa một khu rừng nứa lưng chừng đồi. Dưới chân đồi là con đường mòn đi Chợ Chu, bên con suối quanh co uốn khúc. Chiếc lán nhỏ chia làm hai gian: Một bên là buồng nằm, còn bên kia bày chiếc bàn nứa, vừa làm việc vừa tiếp khách. Người làm việc suốt ngày: Đọc sách, soạn tài liệu, viết báo, dạy chính trị. Đêm khuya, nhiều lúc đang ngủ cũng dậy làm việc vì nghĩ được một vấn đề, phải ghi lại. Tình hình diễn biến nhanh, Người chỉ thị khẩn trương mở trường đào tạo cán bộ. Nghe báo cáo về những nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, ngày 15/4/1945, Người chỉ thị: “Nay vùng giải phóng ở miền ngược đã bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, địa thế nối liền với nhau, nên lập thành một khu căn cứ lấy tên là Khu giải phóng. Thống nhất các lực lượng vũ trang lại là rất đúng, nên đặt tên là Quân giải phóng” (5). Nhận được báo cáo do giao thông hỏa tốc chuyển đến, đề nghị chuyển nơi ở vào sâu trong núi hơn vì quân Nhật huy động lực lượng lớn sắp đánh vào Tân Trào, Hồng Thái, Hồ Chí Minh chỉ thị: “Địch không thể vào tới đây nếu ta quyết tâm chiến đấu và biết tổ chức cách đánh chặn chúng lại, mặc dầu lực lượng ta rất nhỏ. Không chuyển vị trí” (6). Được báo cáo về những bức thư dụ dỗ, dọa nạt của phát xít Nhật gửi cán bộ Việt Minh, Người chỉ thị cho các cấp Việt Minh “chỉ trả lời bọn Nhật bằng tiếng súng chứ không phải bằng lời nói” (7).
Tháng 7/1945, sau chuyến đi Lũng Cò trở về Nà Nưa, Người ốm nặng. Một đêm, tỉnh lại sau cơn sốt, Người nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” (8). Khi cơn sốt lui dần, Người gượng dậy tiếp tục làm việc. Từ ngày 1-6/8/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh tuyển lựa 200 du kích để đội “Con Nai” huấn luyện. Ngày 6/8/1945, qua điện đài của nhóm Tômát, Người biết tin Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima (Nhật Bản). Người chỉ thị viết nhiều thư hỏa tốc, tung giao thông đặc biệt đi các hướng để thúc giục các đại biểu ở các địa phương về Tân Trào họp Hội nghị toàn quốc của Đảng. Tại lán Nà Nưa, bàn về công việc chuẩn bị Hội nghị, khi Thường vụ chưa ấn định ngày, Người nói: “Nên họp ngay và cũng không nên kéo dài Hội nghị. Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội” (9). Ngày 12/8/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh dù yếu mệt, vẫn chăm chú theo dõi diễn biến tình hình thế giới. Qua chiếc đài thu thanh đã cũ, chạy bằng pin, Người nhận được tin của Đài tiếng nói Hoa Kỳ loan tin: Nhật Bản gửi công hàm cho Mỹ và các nước Đồng minh, đề nghị mở cuộc đàm phán lập lại hòa bình, chấp nhận “ngừng bắn” chứ không chấp nhận “đầu hàng” không điều kiện. Người nhận định: Có hiện tượng nguy ngập tan rã trong quân đội Nhật. Ngày 13/8/1945, có tin Nhật đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật ở các nơi ngừng chiến đấu. Quân Nhật ở Đông Dương rệu rã, Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang, tê liệt, còn thực dân Pháp thì ráo riết quay trở lại Đông Dương. Thời cơ tổng khởi nghĩa chín muồi, đã đến lúc Nhân dân ta vùng dậy giành lại quyền độc lập. 23 giờ đêm ngày 13/8/1945, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng hạ lệnh khởi nghĩa. Trước thời cơ có một không hai, theo đề nghị của Người, ngày 14/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng được triệu tập tại Tân Trào. Hội nghị nhận định: Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới. Hội nghị quyết định mục đích của cuộc chiến đấu là giành quyền độc lập hoàn toàn cho đất nước, thành lập chính quyền Nhân dân. Ngày 15/8/1945, nhận được tin Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện, lãnh tụ Hồ Chí Minh đề nghị Hội nghị toàn quốc của Đảng mau chóng kết thúc để đại biểu khẩn trương quay ngay về địa phương, kịp thời phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 16/8/1945, Người dự Đại hội quốc dân tại Tân Trào. Hơn 60 đại biểu tham dự Đại hội, đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam và kiều bào ta ở nước ngoài, đại biểu của các đảng phái chính trị, các đoàn thể Nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo. Quốc dân Đại hội thực sự là hình ảnh của khối đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Đại hội đã bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 17/8/1945, trước đình Tân Trào, thay mặt Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ trong buổi lễ ra mắt quốc dân: “Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo Nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề!” (10). Ngày 18/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa gửi quốc dân, đồng bào, kêu gọi “giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến”, “không thể chậm trễ”, “dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!” (11).
Với thắng lợi một cách khá ôn hòa của Cách mạng tháng 8/1945, việc Bảo Đại thoái vị để làm dân một nước độc lập đã chứng tỏ ngọn cờ dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giương cao, chủ trương đoàn kết mọi lực lượng của dân tộc trong đấu tranh giành chính quyền là hoàn toàn đúng đắn. Ngày 2/9/1945, trước hàng chục vạn đồng bào, trên diễn đàn cao và trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức, tin tưởng của hơn 20 triệu Nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên, với tầm nhìn xa, trông rộng, thấu hiểu bản chất tráo trở, tham lam của kẻ thù, Hồ Chí Minh đã dự báo nguy cơ của đất nước. Trong cuộc họp với các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thái, Hoàng Hữu Kháng và nữ đồng chí Châu, Người nói: “Bây giờ ta có chính quyền, chắc các cô, các chú cũng muốn về Hà Nội. Nhưng chưa được đâu! Lênin đã nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Bởi vậy, một số các cô, các chú còn ở lại địa phương đây, giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tươi đẹp hơn, ấm no, văn minh hơn... Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa...” (12). Đúng như Người dự báo, sau khi ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ Hồ Chí Minh lại tiếp tục đoàn kết nỗ lực chống thù trong, giặc ngoài, quyết tâm bảo vệ thành quả Cách mạng tháng 8/1945 với niềm tin tưởng: “Độc lập tự do là của quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ” (13).
Nguyễn Thị Thu Hằng
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Chú thích:
(1) Đỗ Hoàng Linh, Hành trình 79 mùa xuân (1890-1969), Nxb. Hồng Bàng, tr 158;
(2), (3) Archimedes L.A.Patti, Tại sao Việt Nam?, Nxb. Đà Nẵng, tr198, tr 20;
(4) Dixee R.Bartholomew-Feis, OSS và Hồ Chí Minh, Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật, Nxb. Thế giới, tr 8;
(5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG Sự thật, HN 2016, tập 2 (1930-1945), tr 217, tr 220, tr 220, tr 225, tr 227, tr 231, tr 231-232, tr 235, tr 242.