Một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, Luật Thanh tra năm 2022 đã có những quy định chặt chẽ hơn về việc báo cáo trước khi ban hành kết luận thanh tra. Luật quy định cụ thể, rành mạch về thẩm quyền, quy trình, thời hạn các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra.
|
|
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm |
Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh - quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp. Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết thêm, trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.
Luật Thanh tra năm 2022 cũng quy định một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra để phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước. Đây là quy định mà thực tiễn đã chứng minh là cần thiết. Đồng thời, làm cho hoạt động thanh tra linh hoạt, gắn bó với hoạt động quản lý, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm phát hiện qua công tác thanh tra.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh: “khi luật này có hiệu lực thi hành, được thực hiện chắc chắn sẽ hạn chế tối đa việc chậm ban hành kết luận thanh tra và tiến tới sẽ không còn chậm nữa”. Gần đây nhất, Thanh tra Chính phủ cũng ban hành quy chế về Đoàn thanh tra, trong đó có nội dung “siết chặt” để sau khi thanh tra trực tiếp xong thì xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra phải bảo đảm đúng thời gian quy định của pháp luật.
Xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra
Luật Thanh tra năm 2022 cũng chú trọng xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán.
Luật xử lý chồng chéo, trùng lặp ngay từ khâu lập kế hoạch: nếu như trước kia việc lập kế hoạch còn mang tính riêng rẽ, độc lập thì nay kế hoạch thanh tra được tập trung về các đầu mối theo hướng mỗi bộ có một kế hoạch thanh tra chung của bộ (gồm kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ và kế hoạch thanh tra của Tổng cục, cục thuộc Bộ). Mỗi tỉnh chỉ có một kế hoạch thanh tra chung của tỉnh (gồm kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh, kế hoạch thanh tra của Thanh tra sở và kế hoạch thanh tra của Thanh tra huyện). Việc quy định như trên là để khắc phục sự tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng kế hoạch thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010.
Tiếp tục xử lý chồng chéo, trùng lặp trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra bằng cách quy định riêng một điều về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong nhiều trường hợp cụ thể giữa các cơ quan thanh tra theo hướng khi xảy ra chồng chéo thì có sự bàn bạc, trao đổi, nếu không thống nhất được thì cơ quan thanh tra cấp trên sẽ tiến hành thanh tra.
Đối với sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán sẽ được xử lý thông qua tăng cường phối hợp hoạt động, trao đổi thông tin từ khâu lập kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán đến quá trình tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, việc tham khảo, sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán.
Cũng tại Luật Thanh tra năm 2022, chế định thanh tra nhân dân đã được tách ra khỏi nội dung của Luật. Lý giải vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, hoạt động thanh tra mang tính quyền lực nhà nước, về bản chất khác với hoạt động của Ban thanh tra nhân dân là một trong những thiết chế để thực hiện quyền giám sát của nhân dân ở cơ sở. Vì vậy, chế định này được tách ra khỏi Luật Thanh tra năm 2022 và được điều chỉnh tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Tư, cùng với Luật Thanh tra năm 2022.
Luật Thanh tra có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2023. Để bảo đảm các nội dung của Luật được triển khai có hiệu quả, Thanh tra Chính phủ đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật. Thanh tra Chính phủ sẽ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật. Tổ chức quán triệt việc thực hiện, phổ biến Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết. Rà soát, bổ sung, kiện toàn và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm có đủ năng lực để triển khai thi hành Luật.