Muốn chuyển đổi số thành công thì phải có khát vọng lớn, mục tiêu lớn và quyết tâm thay đổi

Thứ tư, 27/11/2024 11:00
(ThanhtraVietNam) - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Thông tin chuyên đề Quý IV/2024, sáng 27/11/2024 do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức.
leftcenterrightdel
 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

Chuyển đổi số là cơ hội cho Việt Nam vươn lên thành quốc gia hùng mạnh

Chia sẻ chuyên đề: “Một số chủ trương lớn của Đảng về chuyển đổi số trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” do ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, từ năm 1945 đến nay, cách mạng Việt Nam đã trải qua 05 giai đoạn phát triển:

Từ năm 1945-1954 là giai đoạn giành độc lập, kháng chiến chống Pháp; giai đoạn thay đổi quan hệ sản xuất, người cày có ruộng, tạo động lực cho lực lượng phát triển.

Từ năm 1954-1975 là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ ở miền Bắc.

Từ năm 1975-1986 là giai đoạn quan hệ sản xuất đi quá xa so với lực lượng sản xuất, hợp tác xã quy mô lớn, lực lượng sản xuất bị kìm hãm. Đây cũng là thời kỳ bắt đầu thoát nghèo của dân tộc Việt Nam.

Từ năm 1986- 2020 là giai đoạn đổi mới, thay đổi quan hệ sản xuất (khoán 10, kinh tế thị trường) tạo ra sự phát triển lực lượng sản xuất mạnh mẽ, Việt Nam thoát nghèo, thành nước thu nhập trung bình.

Từ năm 2020 - nay là giai đoạn lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, các công nghệ chiến lược, quan hệ sản xuất chưa theo kịp. Do đó, đổi mới quan hệ sản xuất sẽ tạo ra sự phát triển mạnh mẽ - mở đầu cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

leftcenterrightdel
Ông Dương Quốc Huy - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến Thông tin chuyên đề Quý IV/2024 tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ. Ảnh: K. Dung

Truyền đạt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Vươn mình là mạnh mẽ, bứt phá, vượt qua chính mình, tức là tăng trưởng trên 10%/năm ít nhất 10 năm liên tục thì mới hoàn thành 2 mục tiêu trăm năm. Chưa có quốc gia hóa rồng nào mà không có giai đoạn tăng trưởng bứt phá trên 10%/năm. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, kỷ nguyên vươn mình đã chín vì chúng ta đã có thành tựu sau 40 năm đổi mới; cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số đã tạo ra cơ hội mới và chúng ta đang có khát vọng mạnh mẽ để sánh vai cường quốc năm châu.

Chuyển đổi số là cơ hội cho Việt Nam vươn lên thành quốc gia hùng mạnh. Chúng ta đang có khát vọng hùng cường. Chuyển đổi số là cách mạng toàn dân và toàn diện. Các quốc gia có một đảng lãnh đạo sẽ có cơ hội đi nhanh hơn và thành công nhanh hơn. Việt Nam có các doanh nghiệp chuyển đổi số đủ năng lực để làm chủ quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số chính là lời giải cho những vấn đề lớn của Việt Nam mà chưa có lời giải bền vững, đó là: Năng suất lao động thấp; Cạn kiệt tài nguyên; Thiên tai và biến đổi khí hậu; Khoảng cách nông thôn và thành thị; Phòng, chống tham nhũng và tiêu cực; Chất lượng cán bộ công chức; Bộ máy nhà nước cồng kềnh; Chất lượng thể chế; Năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chính vì thế, Đảng, Nhà nước và Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định Chuyển đổi số là con đường để Việt Nam hoàn thành 2 mục tiêu 100 năm.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam không có nhiều gánh nặng của quá khứ (như các cuộc Cách mạng công nghệ 1/2/3). Do đó, chúng ta có cơ hội có thể đi đầu ngay từ đầu bởi vì điểm xuất phát của chuyển đổi số của các nước là như nhau và chuyển đổi số là vấn đề chuyển đổi (70%) hơn là công nghệ (30%) - ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự Hội nghị Thông tin chuyên đề Quý IV tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ, ngày 27/11/2024. Ảnh: K. Dung

Thay vì dự báo thì tạo ra tương lai

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh rằng: Chúng ta cần có nhận thức mới, đó là: Của cải = thời gian x trí tuệ. Thời gian thì hữu hạn, trí tuệ con người thì vô hạn và được tăng thêm sức mạnh bởi AI. Do đó, thay vì dự báo tương lai thì tạo ra tương lai. Nếu có ý tưởng lớn thì có thể sử dụng nhân tài toàn cầu, khi đó, toàn cầu có thể trở thành sân sau của chúng ta.

Công nghệ số, chuyển đổi số tạo ra lực lượng sản xuất mới và yêu cầu phải hoàn thiện quan hệ sản xuất.

Công nghệ số là lực lượng sản xuất cơ bản vì: Công cụ mới, tài nguyên mới, nâng cao chất lượng lao động. Chuyển đổi số tạo ra một môi trường sống mới, một không gian sống mới - Không gian số, với các mối quan hệ mới, của cải mới, cách thức quản lý mới và kéo theo các hình thức sở hữu và phân phối mới. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thay đổi (quan hệ sản xuất) hơn là cách mạng về công nghệ (lực lượng sản xuất).

Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển Chuyển đổi số là động lực chính của sự phát triển vì: Tăng năng suất lao động và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới thúc đẩy phát triển bền vững, giải quyết các thách thức toàn cầu, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo ra việc làm và các ngành công nghiệp mới, nâng cao năng lực canh tranh quốc gia, giải quyết các vấn đề xã hội (y tế, giáo dục, đô thị), thúc đẩy toàn cầu hóa và kết nối thế giới.

leftcenterrightdel
 

Chuyển đổi số hoạt động của Đảng là Đảng đi đầu về chuyển đổi số, thay đổi cách thức vận hành các công tác của Đảng. Chuyển đổi số sinh hoạt chi bộ, tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, công tác kiểm tra giám sát, công tác đánh giá cán bộ. Chuyển đổi số sẽ tác động tích cực đến tổ chức bộ máy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các tổ chức chính trị - xã hội, giúp tinh gọn bộ máy đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Đảng.

Xây dựng Chính phủ số, chúng ta xác định mục tiêu: Năm 2030, Chính phủ số của Việt Nam thuộc nhóm 50 thế giới. Năm 2045, Chính phủ số của Việt Nam thuộc nhóm 30 thế giới.

Xây dựng kinh tế số là tạo thể chế, chính sách khuyến khích cho kinh tế số ngành, các mô hình kinh doanh mới. Phát triển và làm chủ lõi của kinh tế số là công nghiệp công nghệ số. Phát triển kinh tế số các ngành sẽ là chính và chiếm tới 70-80% kinh tế số; thúc đẩy tiêu dùng số, kích cầu số; thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Kinh tế số 2024 là chiếm 18,6% GDP, mục tiêu năm 2025, kinh tế số chiếm là 20% GDP, năm 2030 là 30% GDP.

Để hoàn thành các mục tiêu đó, điều đầu tiên chúng ta cần là nhân lực số. Bởi vì, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: “Muốn phát triển cái gì thì phải có người cho cái đó. Cán bộ phải có kỹ năng số, tư duy số, lãnh đạo, quản lý số. Lãnh đạo phải trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp làm chuyển đổi số, thành thạo sử dụng công nghệ số. Đặc biệt, cần chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng. Cấp ủy, lãnh đạo các cấp phải có tỷ lệ cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về chuyển đổi số. Kỹ năng số cho mọi người dân, nhân lực số cho ngành công nghiệp số và nhân tài số để làm chủ chuyển đổi số. Thu hút nhân tài số trong và ngoài nước. Nhân tài số là nguồn lực chiến lược trong thời đại chuyển đổi số” - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra