Tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực
Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp với những cuộc xung đột ngày càng gay gắt, nhiều quốc gia tăng trưởng chậm lại, thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm, lạm phát ở mức cao dẫn đến việc nhiều nền kinh tế lớn vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão lũ… gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương, …
Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 4%, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; xuất, nhập khẩu tăng dần qua các tháng; an ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi; nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 ước tăng 6,8%; giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 8 đạt 42,35% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (39,15%); vốn FDI thực hiện đạt khoảng 13,1 tỉ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ… Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.
|
|
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu; cải cách hành chính và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được thực hiện quyết liệt, chỉ đạo tháo gỡ, xử lý dứt điểm, hiệu quả nhiều vấn đề tồn đọng, kéo dài. Công tác quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch điện VII, quy hoạch tỉnh, ngành được tích cực triển khai. Hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược; nhiều dự án giao thông quan trọng được tập trung đầu tư. Công tác chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân được quan tâm; nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Ngành giáo dục tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học; phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện linh hoạt, thiết thực, hiệu quả công tác đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi phát triển.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế hiện chưa đạt mục tiêu đề ra chủ yếu là do tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức; trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài và khả năng cạnh tranh còn hạn chế; công tác dự báo, phân tích và tham mưu, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động; một bộ phận cán bộ thực thi còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ; việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc…
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%
Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định mục tiêu phấn đấu năm 2024 là: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với củng cố, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nến kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược, trọng điểm, quan trọng quốc gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh các loại thị trường. Quan tâm, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Năm 2024 phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng binh quân khoảng 4 - 4,5%; dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 tăng khoảng 2% so với thực hiện năm 2023 để ưu tiên tăng chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương và địa phương.
Trên cơ sở các mục tiêu đề ra, Ban Chấp hành Trung ương đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024:
Một là: Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án.
Hai là: Tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp trong rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật. Chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản; cất giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Ba là: Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường cao tốc, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số; đẩy nhanh tiến độ một số tuyển đường sắt quan trọng quốc gia; hoàn thiện Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong năm 2024.
Bốn là: Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.
Năm là: Chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp.
Sáu là: Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bảy là: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tập trung thực hiện Nghị quyết số 36-NQTW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tám là: Tăng cường liên kết vùng, tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng, trong đó phát huy mạnh mẽ vai trò của các hội đồng điều phối vùng.
Chín là: Đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lăng phí; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực; thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị và sắp xếp tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương.
Mười là: Tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn ven lãnh thổ, bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội. Hoàn thành sơ kết 5 năm thực hiện các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược quân sự, quốc phòng. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; thu hút các nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với chính sách tiền tệ; có giải pháp huy động đủ nguồn lực để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công. Đẩy mạnh công tác quản lý thu, nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số, quản lý chặt chẽ hoàn thuế; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỉ lệ nợ đọng thuế. Điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, các khoản chi chưa thực sự cần thiết bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ giá các hàng hóa quan trọng, dịch vụ sự nghiệp công, nhất là giá xăng dầu. Bảo đảm vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính.
Về cải cách tiền lương, từ ngày 01/7/2024, thực hiện phương án cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQTW; từ năm 2025 trở đi tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp. Đối với khu vực doanh nghiệp, năm 2024 và các năm tiếp theo, tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định; xây dựng chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và quy định của pháp luật.
K. Dung