Tại phiên họp lần thứ 31 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trong hoạt động ngoại giao nằm trong nhóm vấn đề được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bộ trả lời chất vấn. Đây là lần đầu tiên lĩnh vực ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được lựa chọn để chất vấn. Trong phiên chất vấn chiều ngày 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về công tác bảo hộ công dân; công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao; giải pháp tăng cường PCTNTC trong hoạt động ngoại giao...
|
|
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời trong Phiên chất vấn chiều 18/3 tại phòng họp Diên Hồng. (Ảnh: quochoi.vn) |
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ
Tại phiên chất vấn, Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian vừa qua, còn tồn tại tình trạng bất cập, hạn chế trong công tác cán bộ ngành ngoại giao. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này, đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Ngoại giao đã có những biện pháp để ngăn chặn những tiêu cực trong nội bộ ngành.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, vụ việc “chuyến bay giải cứu” vừa qua là sự kiện hết sức đau sót đối với ngành Ngoại giao với truyền thống gần 80 năm, “chúng tôi đã rất nghiêm túc kiểm điểm, từ đó rút ra một số giải pháp đã, đang và sẽ tiếp tục làm kiên quyết, kiên trì”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ đã tăng cường phổ biến, quán triệt, giáo dục pháp luật về PCTNTC; chú trọng công tác chính trị, tư tưởng; phát huy vai trò của cơ chế ba mặt, cấp ủy, công đoàn; đề cao tính gương mẫu và trách nhiệm của người đứng đầu và đảng viên. Quán triệt sâu sắc tinh thần phụng sự, lấy người dân, doanh nghiệp, địa phương làm trung tâm phục vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Đẩy mạnh bồi dưỡng đạo đức công vụ, PCTNTC cho công chức, viên chức, người lao động. Công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động; xây dựng và hoàn thiện thể chế theo hướng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm quy định về phân cấp, phân quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc sự quản lý của Bộ; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân; rà soát, cập nhật các quy chế, quy định, quy trình công tác, đặc biệt trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
"Trong đó, chúng tôi đặt trọng tâm là công tác lãnh sự và bảo hộ công dân, trước hết là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Việc này mong Quốc hội cũng tiếp tục theo dõi và phản ánh lại khi thấy bất cứ hiện tượng nào ở bên ngoài", Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh.
Ngành Ngoại giao đã xây dựng được 76/80 quy trình cấp bộ và hơn 100 quy trình xử lý công việc. Trong đó, một nửa là các quy trình xử lý công việc liên quan công tác lãnh sự. Quy trình, quy định được công khai minh bạch để đưa vào nền nếp. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, ngoài đặc thù luân chuyển thường xuyên cán bộ giữa trong và ngoài nước, thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức tại một số đơn vị thuộc Bộ. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số trong hoạt động điều hành, quản lý. Triển khai nghiêm túc công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức, viên chức theo quy định.
Bộ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo của Bộ Ngoại giao về PCTN do Bộ trưởng làm Trưởng ban; theo đó, kiện toàn tổ chức, quy chế làm việc, tăng cường nhiệm vụ và trách nhiệm của Ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo họp định kỳ, có kế hoạch, chương trình làm việc hàng năm. Sau mỗi cuộc họp, đều ban hành kết luận nhằm chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các CQĐD triển khai thực hiện các nhiệm vụ PCTNTC.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chỉ rõ, đối với việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, Bộ đã tăng cường theo dõi, nắm bắt dư luận, đặc biệt coi trọng vai trò, phản ánh của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong PCTNTC, kịp thời báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý nghiêm minh. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác tự kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm từ cơ sở. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào những khâu, lĩnh vực có rủi ro phát sinh tham nhũng, tiêu cực hoặc có nhiều phản ánh của người dân để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Mặt khác, Bộ Ngoại giao thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC giao, như: Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an trong hoạt động tương trợ tư pháp với các nước có liên quan, phục vụ công tác điều tra xử lý vụ án, vụ việc. Tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu nếu để xảy ra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Rà soát, khắc phục hoặc kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính.
Quyết tâm đưa Kế hoạch thực hiện công tác PCTNTC năm 2024 của Bộ Ngoại giao đi vào cuộc sống
Đối với phương hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ tiếp tục cập nhật, phổ biến, quán triệt nghiêm túc, thường xuyên, liên tục các quy định, chỉ thị, hướng dẫn mới về công tác PCTNTC của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; quyết tâm cao nhất đưa Kế hoạch thực hiện công tác PCTNTC năm 2024 của Bộ Ngoại giao đi vào cuộc sống, mang lại kết quả cụ thể, tích cực và thực chất.
Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ, quyết liệt của Ban cán sự đảng, Ban Chỉ đạo PCTNTC của Bộ Ngoại giao; phát hiện và chỉ đạo xử lý kịp thời, chấn chỉnh những khâu, mắt xích yếu, việc khó, còn nhiều vướng mắc; tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, nhiệm vụ trọng yếu.
Tiếp tục xây dựng các quy chế, quy trình và hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình công tác theo hướng công khai, minh bạch nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong tất cả các mặt công tác, đặc biệt những lĩnh vực được xác định là dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; phòng ngừa từ sớm, từ xa tham nhũng, tiêu cực.
Mặt khác, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số. Đây là vấn đề vừa cấp bách, vừa là vấn đề cơ bản, lâu dài trong xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp. Trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đưa giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công lên môi trường số, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, PCTNTC.
Tăng cường vai trò của Ban Chỉ đạo PCTNTC của Bộ Ngoại giao, đặc biệt đề cao vai trò của từng thành viên Ban Chỉ đạo trong giám sát, kiểm tra công tác PCTNTC tại các đơn vị, địa bàn được phân công phụ trách; hoàn thiện, chuẩn hóa các quy trình về công tác thanh tra theo quy định; thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị...