|
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Ngô Tân |
Vượt qua khó khăn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ
Báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác ngành Thanh tra năm 2023, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực; bảo đảm chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả theo đúng Định hướng, chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Toàn ngành Thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 85.998 tỷ đồng, 8.777 ha đất; kiến nghị thu hồi 26.654 tỷ đồng, 574 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 59.344 tỷ đồng, 8.203 ha đất; ban hành 145.558 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 5.641 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 3.530 tập thể, 8.619 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 451 vụ, 295 đối tượng.
|
Toàn Ngành đã triển khai thanh tra theo chương trình kế hoạch và thanh tra đột xuất, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19, công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực; chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất.
Số liệu tổng hợp cho thấy, năm 2022, đã triển khai 8.514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật, trong đó, việc chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra có nhiều tiến bộ; công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tiếp tục có chuyển biến tích cực, trong đó, đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.
Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã tập trung chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, nhất là thúc đẩy rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Các cấp, các ngành đã cố gắng, nỗ lực, có giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền được nâng cao (tăng 8,5% so với năm 2021). Việc tiếp công dân của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp có chuyển biến tích cực, tỷ lệ người đứng đầu trực tiếp tiếp công dân tăng 2,5% so với năm 2021.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác PCTN, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng. Ngành Thanh tra tập trung triển khai khá đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác PCTN theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; xây dựng nhiều Kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác PCTN..., nhất là giúp Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 và triển khai thực hiện; tổng kết Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; xây dựng Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2030. Công tác thanh tra, kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, kiến nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Quan hệ phối hợp công tác giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán với các cơ quan chức năng trong công tác PCTN ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.
Đáng chú ý, trong công tác xây dựng thể chế, đã khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Kế hoạch xây dựng thể chế năm 2022 của Thanh tra Chính phủ, nhất là trình Quốc hội khoá XV thông qua Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 tại kỳ họp thứ 4.
|
|
Đại biểu cơ quan Trung ương tham dự Hội nghị. Ảnh: Ngô Tân |
Triển khai kịp thời, có hiệu quả Luật Thanh tra (sửa đổi)
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị ngành Thanh tra và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ để tạo được sự chuyển động mạnh mẽ, tích cực và toàn diện hơn, nỗ lực, quyết tâm, tập trung trí tuệ để đưa ra các giải pháp chủ động trong thực thi nhiệm vụ, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả Luật Thanh tra (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2023, trong đó khẩn trương trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn, đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật.
Hai là, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để xây dựng, triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, cả trước mắt và lâu dài, nhất là các nhiệm vụ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2026 và năm 2023.
Ba là, triển khai định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2023 theo hướng trọng tâm, hiệu quả, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Lựa chọn để thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp; nhất là những khâu, những lĩnh vực đã xảy ra vi phạm hoặc có nhiều dư luận về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, nhất là nâng cao chất lượng, tiến độ kết luận thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra.
Bốn là, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, không để phát sinh “điểm nóng”; tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Năm là, tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, quan tâm triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; trọng tâm là công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về PCTN...
Sáu là, tiến hành sơ kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn tiếp theo; tiếp tục củng cố, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực…